Vì sao 90% dự án chuyển đổi số sụp đổ?

Chuyên gia Chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn của tập đoàn Viettel cho rằng có 8 vấn đề dẫn đến một doanh nghiệp đi lệch hướng và thất bại trong chuyển đổi số.
Vì sao 90% dự án chuyển đổi số sụp đổ?
avata
Cryptoday
24/04/2023
06:23
Cryptoday trênGoogle News

Hôm 23/4, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã phối hợp cùng Cộng đồng Chuyển đổi số Việt Nam tổ chức sự kiện “Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp”. Tại đây, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VDCA - ông Vũ Kiêm Văn đã phát biểu khai mạc, đồng thời nhận định rằng các doanh nghiệp ở bất cứ quy mô kinh doanh nào, lớn hay nhỏ, đều sẽ gặp rất nhiều thách thức trong hành trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VDCA còn chỉ ra các vấn đề mà từng doanh nghiệp có thể đối mặt. Đầu tiên là vấn đề về nguồn lao động, ông Vũ Kiêm Văn cho rằng để đáp ứng việc chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tổ chức, quản lý và văn hóa, do đó việc chuẩn bị nhân lực là điều hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VDCA - ông Vũ Kiêm Văn
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VDCA - ông Vũ Kiêm Văn. (Ảnh: Viettimes)

Ngoài ra, công nghệ cũng là một vấn đề hết sức đau đầu đối với những người đứng đầu doanh nghiệp. Theo Tổng Thư ký VDCA, họ phải đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với công ty của mình khi ngày nay xuất hiện hàng nghìn công nghệ hiện đại. Đại diện VCDA nêu rõ vấn đề không chỉ đơn giản là doanh nghiệp phải tìm kiếm rồi nghiên cứu giải pháp, mà còn phải kết nối được các giải pháp, song song với việc giải quyết những tồn đọng của công nghệ đã sử dụng trước đó.

Xem thêm: Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2023 chính thức khởi động

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, bất cứ doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới các ứng dụng cho phép làm việc online. Cùng với đó, phải đáp ứng được việc duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào tới hệ thống kinh doanh. Sau khi đã thích nghi với làm việc từ xa, các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng quan tâm sang các sáng kiến chuyển đối số mang tính lâu dài. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nó có thể giúp thay đổi chiến lược quản trị, kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới cho toàn thị trường. Ông Vũ Kiêm văn nhấn mạnh thêm một lần nữa, đối với nhiều công ty, chuyển đổi số chính là con đường phía trước nhưng không hề dễ đi một chút nào.

Trong sự kiện “Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp”,  Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, TS. Phạm Anh Tuấn đã chia sẻ nhiều điểm nghẽn mà doanh nghiệp có thể gặp khi đua nhau chuyển đổi số. Theo ông này, nguyên nhân khiến 70-90% dự án sụp đổ trong khi chuyển đổi số là do họ chỉ đặt cho mình duy nhất một mục tiêu: phân phối giá trị bền vững trên quy mô lớn.

Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, TS. Phạm Anh Tuấn
Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, TS. Phạm Anh Tuấn. (Ảnh: Viettimes)

Điều này dẫn đến thử thách mà doanh nghiệp cần phải vượt qua ở 2 điểm chính: giá trị và quy mô. TS. Phạm Anh Tuấn nói một ma trận được xây dựng theo 2 trục này có thể xác định được đúng thời điểm thành công hay thất bại của bất cứ dự án chuyển đổi số nào. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần để ra nhiều thời gian để đánh giá mọi bước đi trên con đường chuyển đổi số. Ông Phạm Anh Tuấn đưa ra thời gian tối thiểu là 6 tháng và cho rằng doanh nghiệp cần nhìn vào 8 chỉ báo để không có những biểu hiện chệch choạc hoặc hời hợt trong chuyển đổi số. 

Xem thêm: Nhiều ứng dụng công nghệ Blockchain tham gia giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022

Đó là: lập kế hoạch cho kế hoạch, thử nghiệm quanh năm, điểm mù, dự án vụn vặt, tầm nhìn ngắn hạn hoặc quá xa, Tập trung quá độ, thiếu “làm chủ” và ốc đảo. Đây chính là dấu hiệu nhận biết mà TS. Phạm Anh Tuấn đưa ra để doanh nghiệp có thể dựa vào để tự xem xét và nhận định về những gì đã làm trong hành trình chuyển đổi số của mình.

Cryptoday - cryptoday-ong-do-danh-thanh-pho-tong-giam-doc-phu-trach-chuyen-doi-so-deloitte-viet-nam_x3yOVqYsAm_2023042406.jpg
Ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số Deloitte Việt Nam. (Ảnh: Viettimes)

Một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, Deloitte đã phân tích và nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ chăm chú đến công nghệ mà họ sử dụng để giữ vững vị trí của mình, thay vì mạo hiểm trong đầu tư. Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số Deloitte Việt Nam, ông Đỗ Danh Thanh chia sẻ, chiến lược hành đầu của 94% công ty tham gia khảo sát là chuyển đổi số. Tuy nhiên, 68% công ty và 50% giám đốc điều hành lại nghĩ rằng đây chính là cách để họ duy trì hoặc kiếm thêm lợi nhuận.

Thay vì coi việc chuyển đổi số là cách thức mới để đưa doanh nghiệp của mình đi lên thì họ lại coi đó giống như khoản đầu tư an toàn, ông Đỗ Danh Thanh nói. Đại diện Deloitte Việt Nam tiết lộ, trung bình các doanh nghiệp sẽ chi ra khoảng 30% số vốn họ có cho các dự án chuyển đổi số. Tại sự kiện, ông Đỗ Danh Thanh sẵn sàng chia sẻ cách thức tiếp cận chuyển đổi số của Deloitte là: xác định trạng thái tương lai, chiến lược - lộ trình chuyển đổi số và triển khai các Quick wins (lợi ích thấy ngay). 

Xem thêm: 380.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước ứng dụng nền tảng chuyển đổi số

Cộng đồng “Digital Transformation – Chuyển đổi số Việt Nam” được thành lập vào năm 2018 bởi TS. Phạm Anh Tuấn. Tổ chức này hoạt động với mục tiêu là nơi cập nhật cũng như chia sẻ những xu hướng mới nhất về chuyển đổi số. Song song với điều này, các thành viên của cộng đồng Chuyển đổi số Việt Nam cũng sẽ chia sẻ quan điểm, góc nhìn liên ngành về chuyển đổi số. Họ mong muốn có thể gắn kết và giải quyết được các bài toán khó nhằn của doanh nghiệp. Tính đến nay, cộng đồng này đã có 10.500 thành viên hoạt động thường xuyên. 

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload