Hôm 29/3, hãng Reuters đưa tin, Future of Life Institute (viết tắt: FLI - Viện Tương lai Sự sống) đã gửi đi một lá thư kêu gọi các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong công nghệ tạm dừng cuộc đua phát triển AI. Cố vấn của FLI, tỷ phú Elon Musk cùng hơn 2.600 tinh anh trong giới đã ký vào đó, phải kể đến như: đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak; CEO công ty AI Stability, Emad Mostaque cùng nhiều nhà nghiên cứu của tập đoàn Alphabets,...

Lá thư của FLI được viết trước đó 1 tuần, thông qua đây, ông chủ Tesla cùng các anh tài công nghệ muốn cho mọi người hiểu được những nguy hiểm mà AI có thể gây ra cho xã hội và nhân loại. Vậy, do đâu họ cảnh giác trí tuệ nhân tạo?
Những lời cảnh báo về AI
Dù ChatGPT đã mang đến tiếng vang lớn cho OpenAI nhưng CEO của công ty, Sam Altman lại tỏ ra lo sợ về siêu AI này trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC vào hôm 16/3. Ông cho rằng AI không khác gì một con cá lớn và đồng cảm với những người sợ nó. Sam không phủ nhận về những lợi ích mà công nghệ này mang lại. Tuy nhiên, ông lo lắng nó sẽ đem đến những thông tin không chính xác, nhận định sai tình hình kinh tế hoặc mang lại bất cứ thứ gì đó xa hơn cả suy nghĩ và sự chuẩn bị của con người.
CEO OpenAI nhận định AI mạnh đến mức có thể tái định hình xã hội và mang đến nhiều hiểm họa khôn lường. Ông cảnh báo mọi người nên hết sức cẩn thận với AI. Không riêng gì Sam Altman, nhiều giám đốc điều hành và chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mặt trái của AI trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, các ứng dụng, phần mềm, thậm chí là người máy AI đã len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống như công cụ tìm kiếm, thiết bị trong nhà, ô tô tự lái, máy móc trong bệnh viện, trợ lý thông minh cho các công ty,...
Nguồn gốc của mọi ứng dụng trò chuyện AI ngày này hay cả ChatGPT chính từ chatbot “Eliza”, được phát minh vào năm 1960 bởi giáo sư Joseph Weizenbaum làm tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.
Mục đích ban đầu của GS.Weizenbaum khi tạo ra Eliza là một chương trình máy tính thay cho bác sĩ tâm lý để trả lời những câu hỏi ở mức đơn giản, không mất nhiều thời gian. Từ đó cho đến nay, chatbot đã được cải tiến ngày càng thông minh và có tính tương tác mạnh hơn rất nhiều ở mọi lĩnh vực, như trợ lý Siri của hãng Apple hay Alexa của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.

Nhìn vào các chatbot thế hệ sau của Eliza, chính cha đẻ của nó, ông Weizenbaum phải thốt lên rằng đây là cách con người đang tạo điều kiện thuận lợi để AI có thể theo dõi từng cử chỉ giao tiếp hàng ngày họ. Công nghệ này có thể chọn lọc ra các thảo luận liên quan đến chính trị, tình báo, mật vụ,...
Bên cạnh đó, ông cho rằng việc tạo ra một AI siêu thông minh hay có dữ liệu khủng là điều mà các tập đoàn lớn và chính phủ có thể làm được. Là người mắc chứng teo cơ một bên và không thể nói chuyện, thiên tài vật lý Stephen Hawking phải nhờ đến sự hỗ trợ của AI để giao tiếp. Ông từng cảnh báo công nghệ này sẽ phát triển nhanh chóng, không có điểm dừng, đi kèm với đó là nguy hiểm và có thể đe dọa đến sự tồn vong của loài người.

3 năm trước khi qua đời, Hawking có nhắc lại vấn đề này trên MXH Reddit. Ông nói trong tương lai, AI có thể tự nâng cấp và giải quyết các vấn đề của chính nó: “Nguy hiểm thực sự mà AI mang lại không phải ác ý mà là năng lực của nó. Siêu AI có thể hoàn thành công việc của nó nhưng nếu mục tiêu của công việc đó không phù hợp với con người thì chúng ta sẽ có rắc rối lớn, hay nói cách khác là thảm họa”. Hawking cũng đưa ra lời khuyên là nên dẫn dắt và dạy học sinh/sinh viên cách sử dụng AI hữu ích thay vì việc tạo ra nó như thế nào.
AI - nỗi sợ của người đàn ông giàu nhất
Được mệnh danh là “Iron Man đời thực” của giới công nghệ vì sáng lập và điều hành tập đoàn SpaceX, hãng ô tô điện Tesla,..., Elon Musk cũng phải tỏ ra lo lắng nếu AI cứ tiếp tục phát triển.
Vị tỷ phú này luôn coi ô tô điện hay dịch vụ Internet vệ tinh Starlink là những trợ thủ đắc lực cho tương lai của con người thì nhắc đến AI, ông lại bất an. Thậm chí coi công nghệ này là mối hiểm họa lớn nhất của con người và ví như việc triệu hồi những con quỷ dữ từ địa ngục.

Trong giải đấu thể thao điện tử thế giới DotA 2, sau khi thấy OpenAI đánh bại những game thủ hàng đầu tại đây, Elon Musk đã nói nguy hiểm mà AI có thể gieo rắc còn kinh khủng hơn cả chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sau đó, tỷ phú này đã kiến nghị với các lãnh đạo cấp cao của OpenAI giao toàn bộ công ty cho ông điều hành nhưng đã bị từ chối. Chính vì nguyên nhân này mà Elon Musk quyết định dừng rót vốn vào OpenAI vào năm 2018.
Liệu AI có thể vượt trội hơn con người?
Thực tế cho thấy trí tuệ nhân tạo còn cả một chặng đường rất dài để có thể theo kịp trí thông minh, phản xạ, phản ứng,... của con người. Nhiều nhà nghiên cứu máy học (Machine Learning) chỉ ra rằng ô tô tự lái do AI điều khiển chưa thể xử lý tình huống khó khăn ở điều kiện bất thường như dự đoán chuyển động của xe phía trước, bị tạt đầu xe, xác định vật bay trong gió,... Đây đều là những thứ con người có thể phản ứng kịp theo bản năng.
Do đó, rất khó để các lập trình viên có thể viết thuật toán chỉ dạy cho máy tính nên việc AI hơn còn người còn ở tương lai rất xa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể và lo lắng của giới tinh anh công nghệ không có gì là vô lý. Các nhà khoa học nghiên cứu về AI tại Đại học California và Oxford đã công bố báo cáo chỉ ra trí tuệ nhân tạo nguy hiểm như lời Elon Musk.

GS.Stuart Rusell của Đại học California nhận định ứng dụng AI vào vũ khí tự động có thể gây ra sức sát thương trên phạm vi rộng và hủy diệt hàng loạt, sẽ ra sao nếu một cá nhân điều khiển một robot thông minh kích hoạt hàng trăm triệu vũ khí cùng lúc.
Còn nhớ Sophia, Robot AI do công ty Hansen Robotics Technology của Hồng Kông phát triển, từng tuyên bố hủy diệt loài người trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC vào năm 2016. Chính phát ngôn không giống như được lập trình này đã dấy lên lo ngại AI có thể thay thế bộ não con người trong tương lai.
Một lần khi trò chuyện với MC Jimmy Fallon trong Tonight Show, Sophia đề nghị nam MC chơi oẳn tù tì và nói: "Tôi thắng anh rồi. Đó là sự khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch thống trị nhân loại".

Dù những lời nói trên của Sophia đã là quá khứ và cô Robot này đang cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để trở thành một công dân tốt nhưng khi ChatGPT xuất hiện vào cuối năm ngoái, nhìn vào khả năng sáng tạo nội dung của nó không khỏi khiến nhiều người lo lắng mất việc. Có thể thấy, lời cảnh báo của những chuyên gia AI như Elon Musk, Stephen Hawking,... là không hề thừa thãi và đáng để mọi người phải lưu tâm. Nếu ai cũng biết cách đề phòng với AI thì sẽ tránh được hiểm họa mà công nghệ này có thể mang tới cho con người trong tương lai.