Coinbase sắp ra mắt sàn giao dịch bên ngoài nước Mỹ
Theo đại diện Coinbase, công ty đang phát triển một sàn giao dịch tại Bermuda, lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Anh, nằm ở vùng Bắc Đại Tây Dương.
Kế hoạch này được công bố ngay sau thời điểm Coinbase chính thức xin được giấy phép hoạt động tại Bermuda. Cụ thể, đây là giấy phép “Loại F” từ cơ quan tiền tệ Bermuda (BME) theo Đạo luật kinh doanh tài sản kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Coinbase cũng tiết lộ Bermuda là điểm đến do cơ quan quản lý tài chính của họ có kinh nghiệm cao.
“Bermuda sẽ được xây dựng thành một trong những trung tâm tài chính đầu tiên của Coinbase. Môi trường pháp lý tại đây từ lâu đã nổi tiếng với sự nghiêm ngặt, minh bạch, tuân thủ quy định nhưng có mức độ hợp tác cao”, đại diện Coinbase chia sẻ.

Theo tờ Fortune, sàn giao dịch Coinbase sắp ra mắt trong tuần tới tại Bermuda sẽ cung cấp các sản phẩm phái sinh đến khách hàng. Chỉ vài ngày trước, tại sự kiện Fintech Week, đích thân Giám đốc điều hành Brian Armstrong cũng khẳng định Coinbase đang hướng đến thị trường bên ngoài nước Mỹ. Vị CEO người Mỹ nhấn mạnh các chính sách quản lý tại Mỹ đang không rõ ràng, do đó, chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Coinbase là điều tất yếu.
Ngoài ra, Brian Armstrong còn phản đối nhiều lệnh cấm khác của Chính phủ Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp tiền điện tử.
Các tác phẩm NFT của quỹ Three Arrows Capital bị mang ra đấu giá
Theo tờ Cointelegraph, nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s sẽ bán đấu giá một phần bộ sưu tập tác phẩm NFT của quỹ Three Arrows Capital (3AC).
Tháng 6 năm ngoái, quỹ đầu tư đình đám 3AC đã chính thức phá sản do ảnh hưởng từ khủng hoảng LUNA cũng như sự suy thoái của thị trường tiền điện tử. Trước thời điểm sụp đổ, 3AC từng quản lý tới 10 tỷ USD giá trị tài sản số. Hiện tại, CEO 3AC Su Zhu vẫn đang lẩn tránh quá trình điều tra của cơ quan chức năng.

Bộ sưu tập bị mang đấu giá thuộc khối tài sản còn lại bên trong 3AC sau thời điểm phá sản. Nhà đấu giá Sotheby’s mô tả, đây sẽ là những tác phẩm NFT đẹp và hiếm nhất trên thị trường, tiêu biểu có thể kể đến như NFT Zombie CruptoPunk, NFT Autoglyphs từ đội ngũ Larva Labs hay the Golden Goose của Dmitri Cherniak.
Công ty tư vấn tài chính Teneo, đơn vị phụ trách giải quyết phá sản của 3AC cho biết, họ đã có kế hoạch bán bớt các tác phẩm NFT từ tháng 2/2023. Đây là một phần trong quá trình tố tụng.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã tiến hành những quy trình nghiêm ngặt nhằm xác định và thu hồi tài sản của 3AC. Các tác phẩm NFT được chọn để đấu giá vì Teneo cho rằng chúng sẽ giúp tối đa hóa giá trị của khối tài sản còn lại bên trong quỹ”, đại diện Teneo chia sẻ.
Tesla vẫn giữ 184 triệu USD Bitcoin trong quý 1/2023
Theo tờ CryptoSlate, công ty xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã không tăng hay giảm số lượng Bitcoin nắm giữ ở đầu năm 2023. Đến hiện tại, tổng số Bitcoin công ty nắm giữ có giá trị tương đương 184 triệu USD, giống như dữ liệu trong báo cáo tài chính hồi quý 4/2022.
Tháng 2/2021, Tesla công bố mua 1,5 tỷ USD Bitcoin, đỉnh điểm, tổng số tiền điện tử công ty sở hữu đạt đến 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, quý 2/2022, Tesla đã gây bất ngờ cho cộng đồng đầu tư khi quyết định bán 75% kho dự trữ tài sản số của mình. Đáng nói, thông tin này chỉ được tiết lộ ở thời điểm các giao dịch bán tháo đã hoàn tất.

Trong phần còn lại của năm 2022, giá trị khối tài sản tiền điện tử của Tesla cũng tăng giảm với biên độ lớn do sự biến động từ thị trường. Mặc dù vậy, CEO Elon Musk khẳng định hành động thanh lý Bitcoin chỉ là giải pháp nhất thời nhằm giúp công ty cân đối danh mục đầu tư. Trên thực tế, Tesla chưa bán bất cứ đồng Dogecoin nào, đồng thời sẽ mua lại Bitcoin trong tương lai. Nói cách khác, tiền điện tử vẫn là tài sản đầu tư dài hạn mà công ty hướng đến.
Metamask phủ nhận cáo buộc ví điện tử bị lỗi trong vụ hack 5.000 ETH mới đây
Ngay sau sự kiện Shanghai quan trọng trên nền tảng Blockchain Ethereum, giới đầu tư tiền điện tử đã phải đón nhận tin tức tiêu cực từ một vụ hack lớn. Cụ thể, 5.000 ETH đã bị kẻ xấu bòn rút từ 11 chuỗi khác nhau kể từ tháng 12/2022. Hacker đã thực hiện hành vi này liên tục trong 4 tháng mà không bị phát hiện.
Theo Taylor Monahan, Giám đốc điều hành Mycrypto, những tin tặc trong vụ hack đã cố tính nhắm vào nhóm nhà đầu tư lớn, những người có nhiều kỹ năng bảo mật trong môi trường Blockchain.
“Đây không phải vụ hack tầm thường của những kẻ lừa đảo ngẫu nhiên. Chúng không nhắm vào những nhà đầu tư nhỏ lẻ và lựa chọn các ví lớn”, Taylor Monahan nói.

Mới đây, đại diện Metamask đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc cho rằng sản phẩm ví điện tử của họ là nguyên nhân của các tổn thất. Metamask chia sẻ, công ty vẫn đang nỗ lực xác định cách thức gây án của tin tặc.
“Các thông tin về việc ví Metamask có lỗ hổng bảo mật là không chính xác. Phương pháp tấn công được tin tặc xây dựng không dành riêng cho ví điện tử Metamask. Nhóm chúng tôi đang kết hợp cùng những đơn vị khác để điều tra. Như mọi khi, khách hàng nên lưu trữ cụm từ khóa khôi phục (12 seed phrase) ở nơi an toàn. Với khối lượng tài sản lớn, người dùng nên bảo vệ chúng bằng ví lạnh”, đại điện Metamask nói.
Stablecoin của hệ sinh thái Cardano đạt mốc phát triển quan trọng
Theo tờ CryptoGlobe, đồng tiền điện tử ổn định giá (stablecoin) DJED của nền tảng Blockchain nổi tiếng Cardano đã vượt mốc 4 triệu USD giá trị lưu hành. DJED là một loại stablecoin được thế chấp bằng ADA, đồng tiền điện tử đại diện cho hệ sinh thái Cardano.
Bất chấp hàng loạt bê bối sau sự kiện LUNA sụp đổ, các nhà phát triển IOG (công ty đứng sau Cardano) vẫn quyết định ra mắt stablecoin DJED. Một số ý kiến cho rằng, DJED có thể đi theo vết xe đổ của UST do nó cũng được bảo chứng bởi một đồng tiền điện tử khác. Tháng 5/2022, stablecoin UST bị bán tháo cũng khiến đồng LUNA mất gần như toàn bộ giá trị.

Không chỉ vậy, giới đầu tư còn không vừa ý với tiến độ phát triển của chính dự án Cardano (ADA). Trước chu kỳ tăng trưởng năm 2021, đội ngũ hứa hẹn sẽ đưa Cardano trở thành Blockchain nền tảng dẫn đầu thị trường, tuy nhiên, kết quả công ty đã hụt hơi so với những đối thủ khác như Solana (SOL), Fantom (FTM) hay Cosmos (ATOM),…Vì vậy, nhiều nhà đầu tư quyết định không quá kỳ vọng vào dự án stablecoin DJED do Cardano phát triển và COTI Group chịu trách nhiệm phát hành.
Nga sẽ sử dụng tiền điện tử cho các giao dịch xuyên biên giới?
Theo Elvira Naiullina, Giám đốc Ngân hàng Nga, quốc gia này đang nghiên cứu dự luật cho phép tiền điện tử được sử dụng trong các giao dịch xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Elvira cho biết các hình thức mua bán, thanh toán bằng tiền điện tử trong nước vẫn là hành vi bị cấm.
“Ngân hàng Trung ương Nga có kế hoạch xây dựng các đơn vị đặc biệt, họ sẽ chịu trách nhiệm khai thác tiền điện tử, ứng dụng tiền điện tử trong lĩnh vực thương mại quốc tế”, bà Elvira nói.

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga đang thảo luận với chính phủ để xác định các tổ chức tài chính đủ điều kiện tham gia quá trình thử nghiệm. Ở giai đoạn đầu, rất có thể những đơn vị này sẽ hoạt động dựa vào nguồn tiền do nhà nước tài trợ.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng tiền điện tử và công nghệ Blockchain là xu hướng tất yếu tại Nga. Sau thời điểm nổ ra xung đột với quốc gia láng giềng Ukraine, nước Nga đã bị hạn chế tiếp cận với các mạng thanh toán toàn cầu, tiêu biểu là SWIFT.
Tribe Capital gọi vốn 250 triệu USD để hồi sinh FTX
Theo tờ Bloomberg, Tribe Capital, một quỹ đầu tư trụ sở tại San Francisco đang dẫn đầu một chiến dịch gây quỹ nhằm tái khởi động sàn giao dịch FTX.
Các thông tin trước đây cho thấy, Tribe Capital từng đầu tư vào FTX trước thời điểm CEO Sam Bankman-Fried đệ đơn xin phá sản. Hiện tại, đề xuất khôi phục FTX của Tribe Capital bao gồm khoảng 9 triệu tài khoản khách hàng từ chi nhánh FTX US, FTX Australia, FTX Japan, FTX EU,…Ngoài ra, nếu kế hoạch thành công, sàn giao dịch vẫn giữ nguyên tên gọi FTX.

Tổng số tiền Tribe Capital kêu gọi đã đạt 250 triệu USD. Các chuyên gia đánh giá, cơ hội hồi sinh của FTX đang thực sự rõ ràng. Vừa qua, FTX tuyên bố thu hồi thành công 7,3 tỷ USD tài sản lưu động. Cùng với khối tài sản còn lại bên trong nền tảng, tổng tài sản FTX sở hữu đạt trên 10 tỷ USD.
Dự kiến, nếu mọi chuyện thuận lợi, FTX sẽ tái khởi động vào quý 2/2024, theo chia sẻ của đại diện công ty.