Thứ trưởng Nguyễn Thành Lâm: 'Bảo vệ chủ quyền thông tin mạng rất quan trọng'

Tại Diễn đàn Quốc gia chiều ngày 24/4, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền thông tin trên mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Lâm: 'Bảo vệ chủ quyền thông tin mạng rất quan trọng'
avata
Cryptoday
26/04/2023
06:11
Cryptoday trênGoogle News

Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ truyền thông số chưa có chuyên môn về sáng tạo nội dung số trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Việc triển khai nội dung số trở thành năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, đơn vị trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Diễn đàn Quốc gia "Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số" hướng tới giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền số với 2 phiên thảo luận chính, gồm các chủ đề: "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số""Khai thác thương mại, kinh doanh quảng cáo trên các nền tảng số". 

Sự kiện diễn ra vào chiều ngày 24/4, tại tòa nhà VTC, 23 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Diễn đàn được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) kết hợp với Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) chủ trì và tổ chức. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là đơn vị đồng chủ trì sự kiện. 

Toàn cảnh Diễn đàn Sáng tạo nội dung số
Toàn cảnh Diễn đàn Quốc gia "Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số". Ảnh: CryptodayVN.

Mời bạn đọc thêm: Ông Vũ Kiêm Văn: 'Sáng tạo nội dung số là mảnh đất tiềm năng'

Theo thống kê của nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường Status, ngành quảng cáo Việt Nam đang xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ phát triển nhanh thứ 2 chỉ sau Malaysia. Doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Tiktok của nước ta trong năm 2022 cán mốc khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình vào năm 2023, theo Media Việt Nam

Hiện nay, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 72 triệu người, theo báo cáo của Mat Tech. 80% người sử dụng thiết bị di động để truy cập mạng xã hội. Mức độ phổ cập Internet ở Việt Nam tương đương với các nước quốc gia phát triển, với 54 triệu dân truy cập được vào không gian mạng. Kinh tế số đã đóng góp vào GDP quốc gia 10%, cũng theo báo cáo này. 

Đứng trước sức nóng của thông tin, truyền thông số, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Truyền thông & Thông Tin khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền thông tin trong phóng sự được phát trực tiếp tại sự kiện: "Chúng ta phải kiểm soát được chủ quyền của mình về mặt thông tin báo chí ở trên không gian mạng, chứ không để thông tin phát tán trên đây phụ thuộc vào bên thứ ba, đặc biệt là các nền tảng công nghệ xuyên biên giới của nước ngoài"

Phóng sự ông Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Truyền thông & Thông Tin khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền thông tin trong phóng sự được phát trực tiếp tại sự kiện. Ảnh: VTC Now.

Vi phạm bản quyền hiện đang là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam. Theo khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP), số người sử dụng trái phép nội dung số lên đến 15,5 triệu người vào năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không có giải pháp kiểm soát, dự báo đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19.5 triệu người, dẫn đến lượng doanh thu thất thoát khoảng 456 triệu USD. 

Đọc thêm về những kẽ hở về bản quyền tài sản số tại đây.

Tại diễn đàn, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: "Bảo vệ bản quyền số được cung cấp trên nền tảng xuyên biên giới vấp phải nhiều thách thức. Bảo vệ bản quyền bản chất đã khó, đối với sản phẩm số được phân phối trên Internet lại càng khó hơn"

Ông Vũ Kiêm Văn phát biểu tại sự kiện
Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: CryptodayVN. 

Trong phiên thảo luận "Sáng tạo Nội dung số và Bảo vệ bản quyền số" trong khuôn khổ sự kiện, ông Hoàng Đình Chung, Ủy viên Ban Thường vụ VDCA đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC) đã chia sẻ về phương án bảo vệ bản quyền số: "Trên môi trường số, những người xâm phạm bản quyền nội dung dùng công nghệ để xâm phạm. Vì vậy, chủ sở hữu nội dung số phải gắn với các yếu tố công nghệ để đủ biện pháp ngăn chặn các vi phạm đó".

"Người sáng tạo nội dung có thể tạo ra vài chục, vài trăm nội dung mới hàng ngày dưới sự hỗ trợ của các công cụ của bên trung gian. Vì vậy, bảo vệ bằng biện pháp thủ công rất khó, tương tự với vấn đề đăng ký bản quyền. Hành vi ăn cắp bản quyền tràn lan trên không gian mạng, đăng ký bằng chứng điện tử cho các tác phẩm số cũng khá tốn kém, khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp e ngại khi triển khai. Pháp luật đang xem xét công nhận bằng chứng điện tử để xử lý các vi phạm bản quyền trong môi trường số, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc chơi toàn cầu", ông Chung nói thêm. 

Ông Hoàng Đình Chung chia sẻ tại sự kiện
Ông Hoàng Đình Chung, Ủy viên Ban Thường vụ VDCA đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: CryptodayVN.

Về các chính sách để phát triển công nghệ nội dung số, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT&TT cho biết: "Để phát triển ngành nội dung số, chúng ta phải có các chính sách đặc thù chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cá nhân thay vì miễn thuế nhập khẩu linh kiện hay giảm thuế doanh nghiệp, để thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi con người"

"Hàn Quốc là một quốc gia đi đầu về ngành công nghiệp nội dung số. Họ sở hữu hệ thống đánh mã sản phẩm nội dung số tự động, khi tác giả đăng một sản phẩm số lên (game, video,...) thì hệ thống sẽ phân tích nội dung, cấp mã. Mã này đánh dấu chính sản phẩm đó, liên kết nội dung số này với cơ sở dữ liệu sản phẩm online lớn nhất thế giới UPC", ông Nghĩa cho biết thêm, lấy ví dụ về một ứng dụng kiểm soát thông tin số thành công. 

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa phát biểu tại sự kiện
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT&TT phát biểu tại sự kiện. Ảnh: CryptodayVN.

Khi được hỏi về cơ chế bảo vệ bản quyền số nào cho các công ty khởi nghiệp (startup) có nguồn vốn ít ỏi để sở hữu hệ thống công nghệ kiểm soát thông tin, ông Nghĩa đề cập đến khái niệm khu công nghệ thông tin tập trung, đóng vai trò là mặt bằng làm việc cho các doanh nghiệp trong ngành. "Về lâu dài, khu công nghệ thông tin sẽ bao gồm chuỗi các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành công nghệ thông tin, trong đó có các bộ phận pháp lý chuyên biệt", ông Nghĩa nói. 

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hội Truyền thông số Việt Nam ra mắt Trục bản quyền số quốc gia. Đây là giải pháp công nghệ toàn diện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ khai thác và phân phối bản quyền nội dung số được xây dựng phát triển và vận hành bởi trung tâm bản quyền số. 

Lễ ra mắt trục bản quyền số quốc gia
Lễ ra mắt Trục bản quyền số quốc gia. Ảnh: CryptodayVN.

Hệ thống đáp ứng toàn bộ nhu cầu cần thiết để hoạt tất quy trình từ Hỗ trợ đăng ký bản quyền phát hiện và cảnh báo vi phạm cho các chủ sở hữu nội dung số là các tổ chức cá nhân tham gia chụp bản quyền số quốc gia. 

Tags
logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload