AI là lý do cuộc đình công của gần 12.000 biên kịch diễn ra?
Ngày 2/5, hàng ngàn biên kịch phim truyền hình đã tổ chức cuộc đình công lớn ở Mỹ. Ngoài các yêu cầu quen thuộc như được trả mức lương cao hơn, Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) cũng đòi hỏi những studio và nền tảng phát trực tuyến lớn hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
15 năm trước, WGA đã kêu gọi đình công sau khi các nhà biên kịch không đạt được thỏa thuận về mức lương cao hơn với những hãng phim lớn như Disney và Netflix. Cuộc đình công kéo dài 100 ngày đã gây ra thiệt hại hơn 2 tỷ USD.
Tương tự như sự kiện diễn ra vào năm 2008, lần này WGA cũng đại diện cho khoảng 11.500 biên kịch ở Los Angeles, New York và các nơi khác. Mức lương trung bình của các biên kịch, theo WGA, đã giảm 4% trong thập kỷ qua.

Trưởng đoàn đàm phán Ellen Stutzman tuyên bố đề xuất của WGA là hợp lý và AI không nên được tích hợp trong công việc viết kịch bản phim và truyền hình. Một số thành viên của WGA thậm chí đã đặt tên cho AI là “cỗ máy đạo văn”.
Ngoài ra, các biên kịch cũng yêu cầu điều chỉnh việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Siêu AI ChatGPT kể từ khi ra mắt đã khiến sự quan tâm của công chúng dành cho AI ngày càng tăng. Đi cùng với sự bùng nổ về mức độ phổ biến, rất nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại trước viễn cảnh AI cướp mất “cần câu cơm” của họ. Các nhà biên kịch Hollywood cũng không phải ngoại lệ.
Tìm hiểu thêm: Sau kỳ nghỉ, một diễn viên lồng tiếng bỗng dưng mất việc vì AI.
Các hãng phim Hollywood phản ứng như thế nào?
Trong danh sách đề xuất, WGA yêu cầu cần quy định việc sử dụng AI trong các dự án tuân theo thỏa thuận Minimum Basic Agreement (MBA). Thỏa thuận thương lượng tập thể MBA bao gồm các vấn đề liên quan đến bồi thường, phúc lợi phụ (kế hoạch lương hưu và quỹ y tế), điều kiện làm việc, quy định sử dụng tài liệu văn học và thực thi các điều khoản hợp đồng.
WGA muốn cấm sử dụng AI trong việc viết lại các tài liệu văn học. Ngoài ra, các hãng phim cần cam kết không sử dụng tài liệu nguồn từ AI, đồng thời tài liệu tuân theo MBA sẽ không được sử dụng để đào tạo AI. Tuy nhiên, Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình Mỹ (AMPTP) chưa đáp ứng đề xuất của WGA bằng cách tổ chức các cuộc họp thường niên để thảo luận về những tiến bộ trong công nghệ.
Xem thêm các bài viết về đề tài: Trí tuệ nhân tạo.

WGA đã dành 6 tuần để đàm phán với các ông lớn như Amazon, Netflix, Apple, Disney, Sony... Tuy vậy, không có thỏa thuận nào đạt được trong thời gian qua. "Mặc dù chúng tôi đàm phán với mục đích xây dựng một thỏa thuận công bằng, phản ứng của các hãng phim là rất hời hợt. Họ không quan tâm đến việc các biên kịch đang ở tình trạng cùng đường. Lập trường bất di bất dịch của họ đã phản bội lại cam kết của công đoàn và hạ thấp giá trị của nghề viết lách", đại diện của WGA phát biểu.
Mối đe dọa AI cướp mất công việc của các đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch đang trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Vào tháng 12/2022, tập đoàn Apple giới thiệu công nghệ Digital narration, tạm dịch là "tường thuật kỹ thuật số". Công nghệ này cho phép các nhà xuất bản sách sử dụng giọng đọc AI để thuật lại nội dung quyển sách cho khách hàng. Hàng trăm diễn viên lồng tiếng đứng trước nguy cơ mất việc và rất nhiều người trong số họ là thành viên của WGA.
Trước những phản ứng tiêu cực, trang web của Apple tuyên bố Digital narration sẽ mang đến lợi ích cho những nhà văn độc lập cũng như các nhà xuất bản nhỏ. Theo lập luận của Apple, những tựa sách mới sẽ được tường thuật chuyên nghiệp hơn. Các công cụ AI hiện đang được áp dụng ở Hollywood trong công tác hậu kỳ, chỉnh sửa hình ảnh. Lập trường cởi mở của các hãng sản xuất phim bước đầu đã đem lại thành tựu đáng kể. Vào tháng 3, AI giúp bộ phim "Everything Everywhere All At Once" thắng giải thưởng Oscar danh giá.