Theo tờ Cointelegraph, một năm qua là quãng thời gian chưa từng có trong lịch sử ngành tiền điện tử. Ngay thời điểm Bitcoin giảm về 40.000 USD lần đầu tiên vào tháng 5/2022, dự án LUNA của đội ngũ Terraform Labs sụp đổ tiếp tục mang đến tin tức tiêu cực cho thị trường, kích hoạt xu hướng bán tháo của đám đông nhà đầu tư.
Kết quả, Bitcoin nhanh chóng giảm về mốc 30.000 USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình suy thoái kéo dài sau đó, gián tiếp khiến hàng loạt ông lớn trong ngành phải tuyên bố phá sản.
Các chuyên gia nhận xét, diễn biến giá Bitcoin trong quá trình lao dốc cũng có nhiều điểm khác biệt so với những chu kỳ giảm giá trước đây. Cụ thể, Bitcoin đã xác lập vùng đáy ở 15.800 USD (theo dữ liệu do sàn Binance cung cấp), thấp hơn mức đỉnh 20.000 USD của giai đoạn tăng trưởng năm 2018.
“Bitcoin đã xuống dưới 20.000 USD, giảm hơn 70% từ cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên Bitcoin có giá thấp hơn mức đỉnh của chu kỳ tăng trưởng liền trước đó”, cây viết Nicole Goodkind của tờ CNN Business nói vào tháng 6/2023.
Cũng vì diễn biến kỳ lạ này, các nhà đầu tư có tên tuổi bắt đầu đưa ra giả thuyết về việc bong bóng Bitcoin sắp vỡ. Tương tự bong bóng dotcom đầu những năm 2000, Bitcoin trở nên vô giá trị và chỉ những công ty lớn mới đủ sức tồn tại.

Thậm chí, cả những nhân vật làm việc trong ngành Blockchain cũng tỏ thái độ bi quan. Ông Jason Yanowitz, nhà đồng sáng lập kênh tin tức tiền điện tử Blockwork cho biết đà giảm giá sẽ không kết thúc ở mức 20.000 USD.
“Mọi thứ sẽ thực sự đổ vỡ khi giá Bitcoin về 10.000 USD. Ethereum, đồng tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới chỉ còn 750 USD. Rất nhiều doanh nghiệp Blockchain không còn hoạt động ở mức giá này”, Jason Yanowitz nói với tờ CNN Business.
Sự lo sợ được gia tăng bởi những phát ngôn từ cơ quan chức năng Mỹ. Đầu tháng 7/2022, Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ phải tổ chức cuộc họp với CEO các ngân hàng Phố Wall nhằm thảo luận về chủ đề “Đổi mới trách nhiệm trong quản lý tài sản kỹ thuật số”.
“Theo tôi, tài sản số là khoản đầu tư rất mạo hiểm. Nó không phải thứ tôi muốn giới thiệu cho những người có ý định tiết kiệm để nghỉ hưu”, bà Janet Yellen phát biểu.
Bất chấp vô số hoài nghi từ cộng đồng, Bitcoin đã chính thức tạo đáy ở vùng 15.000 – 16.000 USD vào cuối năm 2022, sau đó tăng trưởng nóng để cán mốc 30.000 USD như hiện tại.
Nhiều công ty Blockchain đã không thể chứng kiến Bitcoin một lần nữa đạt 30.000 USD
Giá Bitcoin đã không giảm về 10.000 USD như dự đoán của Jason Yanowitz. Tuy nhiên, mức 30.000 USD đã đủ để gây ám ảnh cho cộng đồng đầu tư khi nó đánh dấu thời điểm các doanh nghiệp Blockchain lớn nối nhau phá sản.

Sau khi dự án LUNA cùng đồng stablecoin UST của đội ngũ Terraform Labs gặp thất bại, khiến 40 tỷ USD vốn hóa thị trường bốc hơi, các đơn vị từng có tiếp xúc với công ty do CEO Do Kwon lãnh đạo cũng rơi vào cảnh khốn đốn. Three Arrows Capital, quỹ đầu tư tiền điện tử nổi tiếng là cây domino đầu tiên sụp đổ gây kích hoạt tình trạng khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tài sản số. Kết quả, đến tháng 11/2022, Sam Bankman-Fried, CEO sàn giao dịch lớn thứ 2 tại Mỹ FTX phải đệ đơn xin phá sản.
Làn sóng phá sản chỉ dừng lại khi Core Scientific, đơn vị khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới theo sức mạnh máy đào phải bán mình lại cho các quỹ lớn trong thị trường tài chính truyền thống vào tháng 12/2022. Đáng nói, ngay sau sự kiện này, Bitcoin bất ngờ tăng trưởng nóng từ vùng 16.500 USD.
“Chúng ta đang ở trong thời kỳ tiền điện tử suy yếu, nhưng tôi cho đó là tin tốt, nó giúp loại bỏ các thành phần xấu”, ông Betrand Perez, CEO Web3 Foundation chia sẻ với CNBC.
Các ngân hàng gục ngã khi Bitcoin tăng trưởng
Sau doanh nghiệp tiền điện tử, các ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với thị trường tài sản số là đối tượng tiếp theo lâm vào khủng hoảng. Đặc biệt, quá trình sụp đổ của những ngân hàng “tiền điện tử” lại xảy đến trong giai đoạn Bitcoin tăng giá.
Silvergate, ngân hàng quan trọng với giới đầu tư Bitcoin tại Mỹ phải dừng hoạt động vào đầu tháng 3/2022. Sau đó không lâu, lần lượt 2 cái tên lớn là Signature Bank và Silicon Valley Bank bị chính phủ Mỹ buộc đóng cửa.

Các chuyên gia đánh giá, sự suy thoái của Bitcoin trong năm 2022 ảnh hưởng mạnh đến những ngân hàng này. Bằng chứng bao gồm việc mã chứng khoán SI do Silvergate phát hành giảm 80% ngay thời điểm sàn FTX phá sản. Ngoài ra, báo cáo tài chính cho thấy Silvergate lỗ ròng 1 tỷ USD quý cuối năm 2022 và nợ hàng tỷ USD khác từ các nguồn bên ngoài. Mặc dù vậy, phải đến khi Cục Dự trữ Liên bang MỸ (FED) tăng lãi suất nhằm chống lạm phát và siết chặt các quy định quản lý ngân hàng, sự bất ổn của các ngân hàng “tiền điện tử” mới bộc lộ, sau đó dẫn tới sụp đổ.
Tuy nhiên, một lần nữa Bitcoin thể hiện mức tăng giá ấn tượng bất chấp khủng hoảng trong giới ngân hàng. Từ ngày 10/3, Bitcoin đã liên tục tăng 50% từ vùng 20.000 USD và chính thức đạt 30.000 USD vào ngày 11/4, 1 ngày trước nâng cấp Shanghai.