Khủng hoảng ngành ngân hàng tác động tâm lý nhà đầu tư
Theo dữ liệu trên Google Trends, số lượt tìm kiếm về “How to buy gold” (cách mua vàng) trên toàn thế giới chiếm 60% trong vòng 6 tháng qua. Tương tự, từ khóa “How to buy Bitcoin” cũng chiếm đến 43% lượt truy cập.
Đỉnh điểm, trong ngày 6/4 lượt truy cập “How to buy gold” đạt đỉnh 100%. Còn tìm kiếm liên quan đến Bitcoin đạt 69% vào hôm 19/3. Đến thời điểm hiện tại, số lượt quan tâm về “How to buy gold” chiếm khoảng 31% và Bitcoin chiếm khoảng 40%.

Con số này cho thấy mức độ tìm kiếm của người dùng có nhiều thay đổi theo từng ngày, từng giờ tùy theo biến đồng trên thị trường. Trong đó, mức độ quan tâm của người dân tại 2 nước Nigeria và Israel về Bitcoin đều chiếm 100%, ở Mỹ chiếm khoảng 52% trong thời gian qua.
Mối quan tâm của người dân đa phần liên quan đến vụ sụp đổ của 3 ngân hàng hàng đầu tại Mỹ, như: Ngân hàng Silvergate; Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature vào giữa tháng 3. Chúng là những doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Theo sau các đơn vị này, Ngân hàng First Republic cũng đang trong tình cảnh báo động đỏ khi giá cổ phiếu tính từ đầu năm giảm hơn 93%.
Sự kiện phá sản đã làm gia tăng lượt tìm kiếm trên Google Trends về các từ khóa “banking crisis” (khủng hoảng ngân hàng) hay “bank runs” (rút tiền hàng loạt). Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho 2 từ khóa về Bitcoin và vàng được chú ý đến vậy.
Đọc thêm: Khủng hoảng tài chính toàn cầu: ‘Hệ quả domino’ khi ngân hàng tiền số sụp đổ
Bitcoin và vàng là kênh đầu tư an toàn?
Giữa lúc thị trường chứng khoán chao đảo, giá cổ phiếu giảm từ 40 - 80% sau hàng loạt tin chấn động, Bitcoin lại có cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục. Liên tiếp từ ngày 11 - 14/3, Bitcoin đã tăng trưởng từ 19.800 USD và rồi cán mốc lên 24.000 USD. Theo dữ liệu từ Binance cung cấp, đây là tốc độ tăng giá lớn nhất được ghi nhận trong suốt 2 năm qua của Bitcoin.
Nhìn chung, có 3 nguyên nhân khiến Bitcoin vẫn trụ vững trước tình hình tài chính bất ổn như sau:
Thứ nhất, theo tạp chí Reuters, để hạn chế tổn thất mà Silicon Valley gây ra, chính quyền Mỹ đã thực hiện một số biện pháp có lợi cho nhà đầu tư. Nhà chức trách cam kết, khách hàng của Silicon Valley sẽ được rút tiền của mình vào ngày 13/3. Các ngân hàng được chính phủ hỗ trợ thanh khoản, giúp bình ổn giá stablecoin USDC của Circle. Nhờ sự vững vàng của stablecoin lớn thứ 2 thế giới này, thị trường tiền điện tử đã dễ thở hơn rất nhiều.
Thứ 2, tờ CoinDesk cho hay tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đối với ngân hàng truyền thống đã lung lay. Do đó mới dẫn đến việc ồ ạt rút tiền và tìm đến các kênh đầu tư khác để bảo vệ tài sản. Lúc này, các loại tài sản như vàng và Bitcoin được xem là nơi trú ẩn an toàn, đáng tin cậy. Giá vàng đã tăng nóng đến 5,6% trong 3 ngày kể từ khi các ngân hàng sụp đổ.
Cuối cùng, sự kiện Changpeng Zhao, CEO sàn Binance quyết định chi 1 tỷ USD trong quỹ cứu trợ thị trường Industry Recovery Initiative (IRI) để mua Bitcoin, Ethereum và Binance Coin. Sau tuyên bố trên, giá Bitcoin đã tăng thêm 11%, Ethereum tăng 8,2% và Binance Coin tăng 9,3%.
Đến thời điểm giữa tháng 3, khối lượng giao dịch trung bình trong 7 ngày của Bitcoin tăng khoảng 24 tỷ USD trên các sàn giao dịch. Khối lượng hợp đồng tương lai Bitcoin cũng đạt mức cao với gần 1 nghìn tỷ USD kể từ tháng 9/2021. Bên cạnh đó, khối lượng thị trường quyền chọn Bitcoin cũng tăng mạnh, đạt gần 25 tỷ USD. Giới đầu tư lựa chọn Bitcoin trong những hoạt động giao dịch nhằm phòng tránh những rủi ro biến động về giá.
Cập nhật dữ liệu trên Coinmarketcap ngày 27/4, giá Bitcoin đang ở ngưỡng 29.480 USD, tăng 1,37% và khối lượng giao dịch trong 24 giờ là 24.380 triệu USD. Từ tối 26/4, giá Bitcoin bật tăng mạnh mẽ và gần cán mốc 30.000 USD.

Tìm hiểu thêm: Bitcoin trở lại 30.000 USD, chuyện gì đang xảy ra?
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered, ông Geoff Kendrick Bitcoin tin rằng, Bitcoin có thể tăng giá lên 100.000 USD vào năm 2024, khi chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đối với các tài sản rủi ro đã gần kết thúc. Bên cạnh đó, sự kiện Bitcoin halving sẽ diễn ra vào tháng 3/2024, có thể trở thành chất xúc tác cho đà tăng trưởng của Bitcoin. Theo tính toán, sẽ có tất cả 32 sự kiện Bitcoin halving diễn ra. Với nguồn cung 21 triệu Bitcoin, ước tính đến năm 2140 các thợ đào mới khai thác được hết lượng này.
Dự tính, tỷ lệ lạm phát từ năm 2024 trở đi sẽ ngang với tỷ lệ lạm phát vàng theo năm khoảng 1,6% và từ 2025 trở đi sẽ giảm hơn hẳn. Bitcoin được xem là “vàng kỹ thuật số" một phần vì yếu tố này, với mức độ lạm phát siêu thấp sẽ khiến nguồn cung rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu sở hữu và tích luỹ của người dùng càng lớn.
Ở diễn biến khác, khi đồng USD mất giá, vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ có dịp phát huy sức mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, sau khi Silicon Valley đóng cửa giá vàng giao ngay tăng 37,2 USD/ounce, tương đương với mức tăng 2% và chốt ở ngưỡng 1.869,1 USD/ounce. Những ngày tiếp theo của tháng 3, giá vàng đã tăng hơn 7% và đạt mức cao hơn 2.000 USD/ounce.
Sáng 28/4, giá vàng trên thị trường quốc tế có chút giảm nhẹ. Ghi nhận vào hồi 8h30 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay quanh ngưỡng 1.985 USD/ounce, giảm gần 8 USD/ounce so với giao dịch vào sáng qua.
Số liệu báo cáo ở Mỹ cho thấy, trong quý I/2023 mức tăng trưởng kinh tế (GDP) ở cường quốc này chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, so với quý IV/2022 đang ở mức 2,6%, chỉ số này thấp hơn rất nhiều mức 2% dự báo trước đó.
Ngược lại, chỉ số tiêu dùng cá nhân của người dân Mỹ trong quý I/2023 lại tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 1% so với quý IV/2022. Chuyên gia kinh tế cho rằng, Mỹ đã thoát khỏi nền kinh tế suy thoái, dẫn đến nhu cầu bán kim loại quý để đầu tư vào các tài sản sinh lời.
Chuyển sang tài sản kỹ thuật số để chống lạm phát
Hiện nay, một số quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh đang dần chuyển sang sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán. Báo cáo của Deel Lab cho hay, người lao động tại Mỹ Latinh mong muốn nhận lương bằng tiền điện tử thay vì tiền mặt. Bitcoin là đồng tiền điện tử được yêu thích tại Mỹ Latinh, chiếm 64% tổng số giao dịch.
El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ vào năm 2021. Venezuela và Argentina, 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề vì lạm phát cũng tìm đến tiền điện tử để đầu tư và coi đó là sự lựa chọn an toàn.
Thuộc khu vực Trung Đông, người dân Israel cũng đang thay đổi thói quen từ thanh toán sử dụng tiền mặt sang tiền kỹ thuật số như stablecoin và CBDC (tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương). Chính quyền Israel đã soạn thảo bộ khung pháp lý về tiền điện tử, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng và xử lý luật tài sản kỹ thuật số.

Tại một nước có nền chính trị và kinh tế bất ổn như Nigeria, tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin là lựa chọn tốt nhất khi đồng tiền nội tệ mất giá. Báo cáo từ sàn giao dịch Kucoin vào tháng 8/2022, có đến 86% người dân Nigeria coi tiền điện tử là một phương tiện đầu tư. Lượng giao dịch Bitcoin hiện nay tại Nigeria nhiều hơn bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Tháng 10/2022, Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) ra mắt đồng eNaira kỹ thuật số sau một năm thử nghiệm. Đồng thời, chính phủ cũng yêu cầu người dân Nigeria đổi sang tiền mới và gửi tiết kiệm tiền mặt vào ngân hàng, cùng với chính sách không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chính sách này đang tồn tại không ít bất cập, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.