Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản cho biết: “Các công nghệ kỹ thuật số phát triển đem lại lợi ích to lớn bao gồm thanh toán xuyên biên giới nhanh và rẻ hơn. Tuy nhiên các công nghệ mới cũng gặp nhiều thách thức do đó chúng tôi cần đảm bảo các yếu tố như tính minh bạch và có các quy định để quản lý phù hợp nhằm giải quyết những rủi ro từ CBDC”.
G7 là diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima. G7 có kế hoạch thắt chặt các quy định về tiền điện tử nhằm tăng tính minh bạch và bảo vệ người dùng.
“Sự sụp đổ của FTX là hồi chuông cảnh tỉnh về việc không có quy định nhất quán. Chính vì vậy phát triển những quy định về tiền điện tử và stablecoin là điều vô cùng quan trọng”, ông Fumio Kishida nói thêm.
Uỷ ban Ổn định Tài chính (FSB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã được giao nhiệm vụ đưa ra một bản tổng hợp các quy tắc về tiền điện tử vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Mới đây, JCB, thương hiệu thanh toán quốc tế duy nhất có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản đã thông báo về việc bắt đầu thử nghiệm dự án cơ sở hạ tầng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Dự án giả định sẽ chuẩn bị nền tảng thanh toán cho CBDC của quốc gia này hiện đang được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thử nghiệm.
Dự án này được công ty công bố trên các phương tiện truyền thông địa phương mang tên JCBDC, nhằm mục đích điều chỉnh cơ sở hạ tầng thẻ tín dụng hiện có của JCB cho các khoản thanh toán qua CBDC. Nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt IDEMIA và Malaysia Softspace có trụ sở tại Pháp sẽ hợp tác với JCB trong quá trình phát triển nền tảng này.
Trước đó, Lào cũng thử nghiệm đồng tiền số quốc gia nhờ công nghệ Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Lào đã ký kết biên bản ghi nhớ với Soramitsu, một công ty chuỗi khối của Nhật Bản hôm 6/2 để bước vào giai đoạn thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC). Được biết, bước đầu của tiến trình thử nghiệm, Lào sẽ đưa CBDC đến tay người dùng qua các ngân hàng thương mại trong nước. Tiếp đó, người dân chỉ việc thanh toán trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán thường ngày. Soramitsu đã có kinh nghiệm giúp Campuchia phát hành CBDC vào tháng 10/2020.
Để mở rộng hệ sinh thái của mình, đất nước triệu voi cũng sẽ đưa giao dịch CBDC xuyên biên giới với xứ sở chùa tháp Campuchia. Tờ Nikkei Asia đưa tin, những người đứng đầu thủ đô Viêng Chăn kỳ vọng đồng tiền số quốc gia sẽ đơn giản hóa việc tiếp cận dịch vụ tài chính của nước nhà.
Đến nay, chỉ có 30% người dân nước này có tài khoản ngân hàng. Không chỉ có vậy, đến hết năm 2022, nền kinh tế của Lào vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 cộng thêm lạm phát toàn cầu và chiến sự ở Ukraine. Nếu CBDC của đất nước Vạn Tượng phát triển thành công thì người dân sẽ không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn giao dịch nhanh chóng, dễ dàng. Giống như hầu hết các quốc gia đang chạy đua về CBDC, chính phủ Lào coi đây chính là chìa khóa vàng để mở ra con đường mới, tươi sáng hơn cho nền kinh tế còn nhiều khó khăn của họ.