Theo người này, “virus thông minh” dựa trên LLM tương tự như ChatGPT sẽ xuất hiện và nó sẽ thống trị thế giới. Trong những năm gần đây, có một số báo cáo về việc nhiều phần mềm độc hại sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tránh bị hệ thống phát hiện và lây nhiễm. Do đó, sự xuất hiện của virus có thể học hỏi, phát triển và tự nhân bản bằng AI có thể là một thảm họa đối với loài người.
Dòng tweet ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng giới công nghệ, đặc biệt là tỷ phú Changpeng Zhao (CZ), CEO của sàn Binance. CZ đã trả lời dòng trạng thái của Javi Lopez, chia sẻ rằng công nghệ Blockchain và tiền điện tử là những công nghệ trung lập, nhằm cải thiện hiệu quả và giảm chi phí giao dịch.

Nói về trí tuệ nhân tạo AI, CEO sàn Binance bày tỏ sự lo ngại rằng AI có thể tiếp quản thế giới, khiến con người dần trở nên “mất giá trị”. Tỷ phú CZ cũng nhấn mạnh rằng cần có sự cân bằng và quy định để đảm bảo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI phù hợp với các giá trị và ưu tiên của chúng ta.
CEO Binance không phải là người duy nhất lo sợ về những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo AI có thể đem đến cho con người. Trước đó vào ngày 22/3, tỷ phú Elon Musk cùng các chuyên gia AI, các nhà nghiên cứu công nghệ đã ký vào một bức thư của Viện Future of Life, kêu gọi ngừng phát triển AI vì lo ngại AI sẽ thay thế con người, gây rủi ro về an ninh kinh tế và chính trị.
Mặc dù là một trong những người sáng lập ra OpenAI, cha đẻ của siêu chatbot thông minh ChatGPT gây bão mạng xã hội trong mấy tháng qua, nhưng Elon Musk luôn cảnh giác AI. Thậm chí ông còn coi công nghệ này là mối hiểm họa lớn nhất của con người và ví như việc triệu hồi những con quỷ dữ từ địa ngục.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden cũng tuyên bố rằng, trí tuệ nhân tạo AI có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc giải quyết các vấn đề như bệnh tật, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, AI vẫn đem lại nhiều rủi ro đối với xã hội, an ninh quốc gia và nền kinh tế đất nước. Theo Tổng thống Joe Biden, các công ty công nghệ cần phải đảm bảo sản phẩm AI của họ được kiểm soát một cách an toàn trước khi phát hành nó ra công chúng.
Tháng 11/2022, sự xuất hiện của ChatGPT, chatbot được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới do công ty OpenAI phát triển đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dùng trên toàn thế giới. ChatGPT có hiểu các chủ đề phức tạp, như vật lý, toán học và viết mã. Nó có thể giải quyết các nhiệm vụ cấp đại học cũng như viết toàn bộ bài đăng trên blog, lời bài hát, trang HTML…
Theo Forbes, chỉ sau vài tuần ra mắt, ChatGPT đã được ứng dụng rộng rãi với hơn một triệu người đăng ký mới. Tuy nhiên, ông Sam Altman, cũng là giám đốc điều hành OpenAI, cho biết ông thực sự sốc khi ChatGPT quá phổ biến. Các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và giáo dục cũng thừa nhận rằng chatbot như ChatGPT có thể gây bất lợi cho nền giáo dục trong tương lai.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát Liên minh Châu Âu (Europol) cũng bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề đạo đức và pháp lý xoay quanh trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT. Cơ quan này cũng cảnh báo về khả năng AI bị lợi dụng để lừa đảo, lan truyền thông tin sai lệch và tội phạm công nghệ cao.