Theo Yahoo News, Nhà Trắng đang cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua mức thuế mới nhắm vào doanh nghiệp khai thác tiền điện tử.
Cụ thể, các công ty đào tiền điện tử sẽ chịu thêm 30% thuế trên lượng điện họ đã tiêu thụ. Thông tin ban đầu cho thấy, đề xuất này nhằm mục đích bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu.
“Mức tiêu thụ điện rất cao của những trại đào tiền điện tử gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, chất lượng cuộc sống và hệ thống điện nơi họ tiến hành khai thác”, đại diện Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Biden chia sẻ trên trang web Nhà Trắng.
CEA cũng tiết lộ, loại thuế mới được xét vào nhóm thuế tiêu thụ đặc biệt, dành riêng cho lĩnh vực “Digital Asset Mining Energy” hay “Năng lượng khai thác tài sản số” (DAME). Đồng thời, mức đánh thuế cũng phù hợp với những gì ngành công nghiệp này đang tác động tới xã hội.
“Thuế DAME khiến các công ty phải tính đến tác hại mà họ gây ra, bao gồm ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và tăng giá điện”, đại diện CEA cho biết.

Theo báo cáo của Nhà Trắng công bố tháng 9 năm ngoái, hiện nhiều đồng tiền điện tử không còn khai thác bằng máy đào, tuy nhiên, tính riêng việc đào Bitcoin hàng năm đã tiêu tốn năng lượng nhiều hơn lượng điện năng mà nước Úc sử dụng. Tại Mỹ, nơi chiếm 1/3 hoạt động đào Bitcoin trên thế giới, lượng điện các công ty đào Bitcoin tiêu thụ cũng chiếm 0,9% - 1,7% cả nước.
Theo sự tăng trưởng của thị trường tài sản số, quy mô công ty đào Bitcoin cũng mở rộng. Hiện 34 trại đào Bitcoin hàng đầu nước Mỹ dùng điện tương đương 3 triệu hộ gia đình cơ bản. Đặc biệt tại Texas, 10 trại đào lớn kết nối với điện lưới của bang khiến nhà chức trách phải tính giá điện cao vượt trội nhằm đảm bảo cung cầu.
Nhà Trắng đề nghị các bang trong cả nước chấp nhận đề xuất thuế mới. Trên thực tế, không ít bang từng đưa ra các quy định nhằm kiểm soát ngành công nghiệp khai thác Bitcoin. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ tránh né bằng cách di chuyển trại đào đến nơi ít áp lực hơn.
Đề xuất thuế khai thác tiền điện tử ước tính sẽ giúp Mỹ tăng thu ngân sách thêm 3,5 tỷ USD trong 10 năm tới. Dự kiến, Nhà Trắng muốn tăng dần mức thuế trong 3 năm, với 10% ở năm đầu, 20% ở năm thứ hai và 30% từ năm thứ 3 trở đi.
Đề xuất của Nhà Trắng cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia. Chia sẻ với tờ Forbes, nhà kinh tế học James Broughel đánh giá quy định thuế mới có nhiều mâu thuẫn.
“Nước Mỹ hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Do đó, nên đánh thuế ngành khai thác tiền điện tử theo lượng khí thải nhà kính thay vì lượng điện họ tiêu thụ. Vì sao lại phạt các công ty trong khi họ vẫn sử dụng nguồn năng lượng sạch?”, ông James Broughel nói.
Mới đây, Nautilus Cryptomine, công ty đào Bitcoin thuộc sở hữu của TeraWulf đã cho kết quả kinh doanh tích cực khi sử dụng điện hạt nhân để khai thác tiền điện tử. Hiệu suất đào của Nautilus cao hơn đồng thời tốn ít điện hơn các trại đào sử dụng nguồn năng lượng khác.
Thêm về trại đào Bitcoin bằng điện hạt nhân đầu tiên tại Mỹ ở đây!
Theo tờ Bitcoinist, thành công ban đầu của Nautilus có thể mở ra triển vọng ứng dụng năng lượng xanh vào lĩnh vực đào Bitcoin. Trong trường hợp đề xuất thuế của Nhà Trắng được thông qua, Nautilus sẽ trở thành ví dụ điển hình cho thắc mắc của nhà kinh tế học James Broughel. Khi đó, trại đào Nautilus Cryptomine vẫn phải chịu thêm mức thuế tiêu thụ điện mặc dù đã cố gắng khai thác Bitcoin một cách thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng việc chính phủ Mỹ đơn phương tăng thuế với công ty tiền điện tử cũng không giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo tài khoản Twitter @nic_carter, tăng thuế chỉ khiến công ty khai thác di dời trại đào đến những quốc gia khác và lượng điện năng tiêu tốn vẫn giữ nguyên. Còn nhiều khu vực khác có thể trở thành điểm đến của thợ đào như Nga, Kazakstan, Iran, Canada, Malaysia,…