Vừa qua, tại Diễn đàn Úc-Việt Nam về Chuyển đổi năng lượng, Công ty công nghệ thương mại năng lượng Powerledger của Úc công bố mối quan hệ hợp tác với Tổng công ty Điện lực miền Trung Việt Nam (EVNCPC), ra mắt dự án thương mại năng lượng ngang hàng (P2P). Theo đó, dự án sẽ trải qua đợt thử nghiệm kéo dài 6 tháng, sử dụng công nghệ của Powerledger sản xuất điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam.
Theo Chủ tịch của Powerledger, Tiến sĩ Jemma Green, dự án với công nghệ phù hợp có thể giải quyết được tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn về mạng lưới điện, thông qua năng lượng tái tạo. Công nghệ của Powerledger cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao tính minh bạch về giá nhờ thiết lập Thị trường năng lượng địa phương hoặc LEM.

Đồng thời, quá trình thử nghiệm sẽ hỗ trợ thiết kế các cơ chế giá phù hợp cho các mạng P2P ở Việt Nam, dựa trên cấu trúc biểu giá hiện có và giúp các giao dịch trên Blockchain an toàn. Được biết, Powerledger có hơn 30 dự án tại 12 quốc gia như châu Âu, châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ…
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN. Để bắt kịp xu thế thời đại, Việt Nam đang nghiên cứu các chuyển đổi cơ cấu năng lượng tái tạo cùng với đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc chuyển đổi năng lượng như trên sẽ đem đến giá trị vững bền, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ năng lượng, tạo công ăn việc làm mới và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski cho biết, Úc là một trong những đối tác năng lượng lớn của Việt Nam, từng hỗ trợ truyền tải 500kV cho 3 miền Bắc - Trung - Nam từ những năm 1990. Dự án năng lượng ngang hàng P2P cũng là nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở rộng nền kinh tế xanh và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế của cả hai nước.

Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, với mục tiêu vươn lên trở thành một trong những thị trường năng lượng phát triển ở châu Á. Dự kiến, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gần 8% - 10%/năm, đây cũng là lý do để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.
Phái đoàn Năng lượng Úc bao gồm: Ardexa, Entura, Gentrack, Magellan Power, Powerledger, Reclaim Energy, Ultra Power System, Village Energy. Phái đoàn còn có đại diện Văn phòng Chính phủ 2 bang Tây Úc và Nam Úc. Sứ mệnh của phái đoàn chính là hỗ trợ doanh nghiệp 2 bên tiếp cận, trao đổi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần hỗ trợ giảm phát thải carbon và phát triển chuỗi cung ứng, trao đổi năng lượng giữa 2 nước.
Với những ưu thế vượt trội, ngành điện lực có thể ứng dụng công nghệ Blockchain để xây dựng cơ sở hạ tầng giao dịch năng lượng để phi tập trung hóa lưới điện. Blockchain tạo lợi thế cho việc buôn bán năng lượng giữa những người dùng P2P trên lưới điện. Đặc biệt, kiến trúc hệ thống mới này không cần có đơn vị trung gian nào hỗ trợ an ninh hoặc sổ các giao dịch. Nhờ có sổ cái kỹ thuật số của Blockchain, dữ liệu từ các giao dịch tài chính đến các tín hiệu hệ thống điện sẽ được lưu trữ thành khối.
Nhìn chung, công nghệ Blockchain giúp mở đường cho các công ty điện lực trong việc lập kế hoạch và xây dựng mạng lưới tương lai, chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng mới. Nó hỗ trợ các nỗ lực phân quyền lưới điện bằng cách cung cấp một kiến trúc hệ thống phân tán và an toán. Tuy nhiên, các công ty điện lực cũng cần tính đến cơ sở hạ tầng giao dịch năng lượng, khả năng vận hành và quy trình ra quyết định phi tập trung.