Do Kwon được xem là người chịu trách nhiệm chính cho vụ khủng hoảng LUNA. Sau khi Terraform Labs cùng đồng stablecoin UST sụp đổ, khoảng 40 tỷ USD giá trị tài sản số bị bốc hơi, đồng thời có hàng trăm nghìn nhà đầu tư khắp thế giới chịu thua lỗ.
Tờ Cointelegraph đánh giá, đây là sự cố gây thiệt hại chưa từng có trong lịch sử ngành tiền điện tử.
Dù trở thành đối tượng bị truy nã gắt gao bởi cả chính phủ Hàn Quốc và Tổ chức Hình sự Quốc tế Interpol, phải mất gần 9 tháng, Do Kwon mới sa lưới pháp luật. Đến hiện tại, quá trình chạy trốn của anh vẫn còn nhiều chi tiết chưa được làm rõ.

Bị khủng bố tại quê nhà
Thời điểm Do Kwon quyết định trốn khỏi thủ đô Seoul vẫn chưa được làm rõ. Một số ý kiến cho rằng, anh cùng gia đình rời Hàn Quốc vào giữa tháng 5/2022, sau khi bị khủng bố bởi nạn nhân của dự án LUNA.
Cụ thể, một người đàn ông tìm đến chung cư nơi Do Kwon sinh sống. Nhờ trà trộn vào dòng người trong ngôi nhà, anh ta đã đến được căn hộ và gặp vợ của vị CEO. Không được đáp ứng yêu cầu trò chuyện trực tiếp cùng Kwon, người đàn ông đành bỏ đi.
Tự thú tại Sở Cảnh sát Seoul, nhà đầu tư cho biết anh đang lỗ khoảng 2-3 tỷ won (khoảng 35-47 tỷ đồng) vì sự kiện LUNA. Tất cả những gì anh muốn là Do Kwon xuất hiện trước cộng đồng và nói lời xin lỗi.

Theo ghi nhận của cảnh sát, đây không phải trường hợp duy nhất nạn nhân trong vụ khủng hoảng LUNA thực hiện những hành động điên rồ. Ngoài việc gửi thư đe dọa đến gia đình Do Kwon, một số người còn lựa chọn tự sát do chịu thua lỗ quá lớn.
Ví dụ hôm 28/6, cơ quan chức năng đã trục vớt một chiếc xe ô tô tại vùng biển gần đảo Wando, phía Tây Nam Hàn Quốc. Trong xe có thi thể của 3 người bao gồm cha, mẹ và con gái.
Quá trình điều tra cho thấy cha mẹ cô bé đã tìm hiểu và đầu tư vào dự án LUNA. Trước khi qua đời, cả gia đình gặp khó khăn nghiêm trọng về mặt tài chính. Bên cạnh các khoản thua lỗ trên thị trường tiền điện tử, họ còn nợ thẻ tín dụng hơn 100 triệu won (khoảng 1,8 tỷ đồng).
Đối mặt với những áp lực kể trên, Do Kwon lựa chọn di chuyển tới Singapore, nơi có trụ sở của công ty Terraform Labs. Thời điểm này, chính phủ Hàn Quốc chưa ra quyết định thu hồi hộ chiếu của vị CEO, do đó, anh có thể tự do di chuyển giữa các quốc gia.
Tự thanh minh cho bản thân ở Singapore
Tháng 8/2022, khoảng 3 tháng sau khi trú ẩn tại Singapore, Do Kwon tổ chức buổi phỏng vấn với tờ Coinage nhằm giải đáp thắc mắc của cộng đồng xung quanh vụ khủng hoảng LUNA. Đáng nói, Coinage là kênh truyền thông có mối quan hệ thân thiết với công ty Terraform Labs.
“Tôi và chỉ mình tôi phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Terra”, Do Kwon nói với Coinage.
Cũng tại buổi phỏng vấn, Do Kwon thừa nhận ý tưởng stablecoin UST của anh đã thất bại. Tuy nhiên, anh cho rằng có sự khác biệt giữa thất bại và lừa đảo. Nói cách khác, Kwon bác bỏ những cáo buộc gian lận đang nhắm vào bản thân.
Ngoài ra, Do Kwon tiết lộ khi giá LUNA và UST lao dốc, toàn bộ thành viên chủ chốt của Terraform Labs đang trên đường tới cuộc họp tại Singapore. Hành trình chuyến bay là thông tin chỉ được lưu hành nội bộ. Vì vậy, anh nghi ngờ có nội gián trong tập thể công ty. Chính kẻ này đã tiếp tay cho thế lực nào đó hãm hại dự án.

Đến tháng 9/2022, chính phủ Hàn Quốc chính thức phát lệnh truy nã CEO Terraform Labs. Theo các nguồn tin, Do Kwon đã nhanh chóng rời Singapore trước thời điểm này. Cộng đồng đầu tư tỏ ra bất bình vì cơ quan chức năng không thể xác định được vị trí của Kwon tại Singapore và để anh trốn thoát.
Đến tháng 10/2022, Hàn Quốc tuyên bố thu hồi hộ chiếu để ngăn Do Kwon di chuyển tới quốc gia khác. Đồng thời, họ cũng nhờ Interpol giúp đỡ trong quá trình truy bắt vị CEO.
Di chuyển tới Dubai?
Sau khi rời Singapore, không ai biết chính xác nơi trú ẩn của Do Kwon. Theo tờ Forkast, các công tố viên Hàn Quốc nghi ngờ anh đã di chuyển tới Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ở giai đoạn này, Do Kwon thường xuyên xuất hiện trên các buổi livestream và chia sẻ quan điểm cá nhân lên mạng xã hội Twitter. Đặc biệt, anh vẫn giữ thái độ bình tĩnh và trả lời mạch lạc các câu hỏi liên quan tới cuộc khủng hoảng LUNA.
Hôm 18/10, Do Kwon chấp nhận trả lời phỏng vấn với kênh Unchained Podcast và phóng viên Laura Shin. Do Kwon cho rằng lệnh truy nã đỏ của Interpol đối với anh là giả vì anh không thể tìm thấy nó trên trang chủ của cơ quan này. Thậm chí, CEO Terraform Labs còn cáo buộc ngược lại phía cơ quan chức năng Hàn Quốc, anh đánh giá cuộc điều tra nhắm vào bản thân mình có dấu hiệu của động cơ chính trị.
“Phía công tố viên không có quyền tạo ra các luật mới thông qua những thủ tục tố tụng hình sự. Đặc biệt là những vấn đề liên quan tới tiền điện tử, nó không nằm trong phạm vi của họ. Bất kỳ hình phạt nào tôi phải nhận vì vi phạm Đạo luật Thị trường vốn đều là bất hợp lý và có động cơ chính trị”, Do Kwon nói với Unchained Podcast.

Do Kwon vẫn khẳng định mình là người chịu trách nhiệm cho sự kiện LUNA sụp đổ, nhưng anh có xu hướng tránh trả lời các câu hỏi về việc bù đắp cho nạn nhân của vụ khủng hoảng.
Đến tháng 11/2022, ngay thời điểm Sam Bankman-Fried đang đối mặt với làn sóng rút tiền của khách hàng FTX toàn cầu, Do Kwon tiếp tục có buổi giao lưu trực tuyến cùng nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành tài chính. Khi được Shkreli, cựu quản lý quỹ đầu tư từng bị Mỹ kết án 7 năm tù cho biết điều kiện tại trại giam cũng không quá khắc nghiệt, đồng thời đi tù không phải điều tồi tệ nhất, Do Kwon chỉ mỉm cười và đáp: “Thế thì tốt”.
Sa lưới ở Montenegro
Sang tháng 12/2022, một số tin tình báo cho thấy Do Kwon đã tới Serbia và thực hiện rút 9,64 Bitcoin (khoảng 120.000 USD). Ngay lập tức, chính phủ Hàn Quốc đã gửi phái đoàn tới quốc gia vùng Đông Nam Âu để truy bắt nhưng không thành công.
Cũng trong khoảng thời gian này, Do Kwon lên tiếng cáo buộc CEO Sam Bankman-Fried cùng đội ngũ FTX là nguyên nhân chính khiến dự án LUNA sụp đổ.
Cụ thể, thông qua các công ty trung gian, Sam nắm trong tay khoảng 1 tỷ USD đồng stablecoin UST. Sau đó, CEO người Mỹ đã bán tháo 500 triệu đồng UST trong vài phút, khiến nó không thể duy trì mức ngang giá 1 USD. Đây cũng là quân cờ domino đầu tiên kích hoạt sự đổ vỡ của toàn bộ hệ sinh thái Terra.
“Những việc làm trong bóng tối rồi sẽ bị đưa ra ánh sáng”, Do Kwon nói.
Vấn đề liên quan tới nguyên nhân khủng hoảng LUNA là một trong những nội dung cuối cùng được Do Kwon chia sẻ tới cộng đồng đầu tư trước khi sa lưới pháp luật.

Hôm 23/3, cảnh sát đã bắt giữ Do Kwon tại sân bay Podgorica, Montenegro, quốc gia có chung đường biên giới với Serbia. Như vậy, tin tình báo mà chính phủ Hàn Quốc nhận được hồi tháng 12/2022 là chính xác.
Đến ngày 27/3, chính quyền Montenegro có quyết định quan trọng khi gia hạn tạm giam Do Kwon từ 72 giờ lên 30 ngày. Theo tờ Cointelegraph, khoảng thời gian này đủ để Hàn Quốc hoặc Mỹ hoàn tất thủ tục dẫn độ CEO Terraform Labs về nước xét xử.
Về phía công tố viên, họ lý luận Do Kwon là đối tượng có nguy cơ trốn chạy cao. Trên thực tế, anh đã di chuyển qua nhiều quốc gia để lẩn tránh quá trình điều tra. Thời điểm bị bắt, Kwon cũng chuẩn bị lên máy bay để quay trở về Dubai. Những bằng chứng này đã thuyết phục được tòa án Montenegro gia hạn tạm giam Do Kwon thêm 1 tháng.
Hiện tại, đội ngũ luật sư bào chữa cho CEO người Hàn Quốc đang cố gắng kháng cáo quyết định kể trên của tòa. Theo chia sẻ của luật sư, Do Kwon khẳng định bản thân không sử dụng giấy tờ giả như thông báo của cảnh sát địa phương.