Quá trình vận động hành lang của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang bắt đầu. Các chính trị gia đang tích cực thảo luận về Bitcoin, tiền điện tử và CBDC. Nhiều người quan sát nhận xét “đội quân chống tiền số” (Anti-crypto army) của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ là điểm khởi đầu của quá trình chính trị hóa tiền điện tử.
Vào ngày 20/3, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã công bố luật cấm sử dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) do liên bang kiểm soát. Ông Ron DeSantis là một ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông DeSantis thông báo luật này là một nỗ lực để “bảo vệ người dân Florida khỏi việc chính quyền Biden vũ khí hóa lĩnh vực tài chính thông qua CBDC”. Thống đốc bang Florida cho rằng CBDC được tạo ra để giám sát và kiểm soát người dân Mỹ.

Ngay sau đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã đưa ra luật cấm Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát triển CBDC. Luật này được đưa cũng do lo ngại CBDC có thể được chính phủ liên bang sử dụng làm công cụ giám sát tài chính của người dân. Ông Cruz sau đó tập trung vào tầm quan trọng của quyền riêng tư tài chính và sự thống trị toàn cầu của đồng đô la Mỹ như một vấn đề an ninh quốc gia.
Quan điểm của ông Cruz cũng lặp lại trong lập trường chống tiền điện tử của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bao gồm các dự luật chống rửa tiền mới và giảm bớt việc trốn tránh các lệnh trừng phạt. Vào tuần trước, bà Warren thông báo trên Twitter đang xây dựng “Đội quân chống tiền số”. Bà cho rằng các ngân hàng nên ủng hộ CBDC chứ không phải Bitcoin.
Lập trường của bà Warren được cho là sẽ thu hút sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa khác. Chiến dịch được quảng cáo là một biện pháp ngăn chặn rửa tiền. Tuy nhiên, vào năm ngoái, bà Warren chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC: “Thay vì Bitcoin, chúng ta có thể nói đến tiền kỹ thuật số vì nó là loại tài sản được chính phủ hậu thuẫn. Hãy thực hiện CBDC”.

Những người theo chủ nghĩa bảo thủ (conservatives) phản đối CBDC vì nó có thể cho phép chính phủ giám sát và theo dõi người dân Mỹ. Còn những người theo chủ nghĩa tự do (liberals) ủng hộ CBDC vì tiền điện tử tư nhân (phi chính phủ) tạo điều kiện cho hành vi rửa tiền và không cung cấp cùng một biện pháp hỗ trợ mà CBDC sẽ làm.
Khi nói đến Bitcoin và tiền điện tử trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gặp khó khăn, có một luồng tranh luận khác đang hình thành, mặc dù mơ hồ hơn so với CBDC. Khi các ngân hàng thất bại, Bitcoin đã nổi lên như một con đường tiềm năng để thoát khỏi hệ thống tài chính hiện tại. Nhiều người cho rằng vấn đề này được thúc đẩy bởi sự quản lý yếu kém của FED đối với nền kinh tế.

Ông Ted Cruz được cho là thích Bitcoin vì nó không thể bị kiểm soát bởi chính phủ. Nhưng nếu Bitcoin được xem là một phương tiện để không tham gia hệ thống ngân hàng truyền thống cũng như hệ thống đô la Mỹ; loại tiền tệ này có thể sẽ khiến nhiều người hiểu rằng nó được tạo ra để chống Mỹ. Quan điểm này là có cơ sở khi tính thời điểm hiện tại của năm 2023, chính phủ Mỹ bán lượng Bitcoin trị giá hơn 1 tỷ USD.
Trong thời gian sắp tới, các chính trị gia nhiều khả năng sẽ đặt ra câu hỏi sau về tiền điện tử: “Rốt cuộc, chúng ta sử dụng tiền kỹ thuật số để làm gì?”. Thời điểm một thành viên Đảng Dân chủ nói về CBDC, những người thuộc Đảng Cộng hòa sẽ chỉ trích Đảng Dân chủ vì muốn giám sát người dân Mỹ. Còn thời điểm một thành viên Đảng Cộng hòa nói điều gì đó tích cực về Bitcoin, Đảng Dân chủ nói rằng đồng tiền số đó đe dọa quyền bá chủ, sự thống trị và tồn tại của đồng đô la Mỹ.