Martin Gruenberg, Chủ tịch của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), cho biết cơ quan này có kế hoạch trả lại khoảng 4 tỷ USD tiền gửi liên quan đến hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số của ngân hàng Signature vào đầu tháng 4. Khách hàng sở hữu tài sản tiền điện tử trong ngân hàng Signature có thời hạn đến ngày 5/4 để rút tiền và tìm kiếm một ngân hàng khác. Sau thời hạn này, cơ quan quản lý liên bang sẽ đóng băng tài khoản của họ. Vào ngày 28/3, FDIC thông báo đang liên hệ với những người gửi tiền từ ngân hàng Signature. Những người gửi tiền đã đóng tài khoản sẽ nhận được séc gửi đến địa chỉ họ sử dụng để đăng ký. Bất kỳ ai có tiền được giữ bởi Signature nhưng không thể chuyển chúng ra sẽ phải cập nhật địa chỉ đã đăng ký.
Phát biểu tại phiên điều trần ngày 29/3 của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, ông Gruenberg thông báo nền tảng thanh toán Signet của Signature cùng với tiền gửi tài sản kỹ thuật số (không nằm trong thỏa thuận mua lại của Flagstar Bank), hiện đang được “chào mời” cho những người mua tiềm năng. Sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silvergate và Silicon Valley (SVB) thì vào ngày 12/3, FDIC đóng cửa ngân hàng Signature do lo ngại rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ. Ngay sau đó, một loạt các sếp lớn của Signature dính phốt cáo buộc gian lận.

Trong phiên điều trần ngày 28/3, các quan chức từ FDIC, Cục Dự trữ Liên Bang (FED) và Bộ Tài chính Mỹ đã làm chứng. Ông Gruenberg bắt đầu phần trình bày khi đề cập đến việc ngân hàng Silvergate đóng cửa vào ngày 8/3. Theo ông, sàn FTX là một phần nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Silvergate: “FTX chiếm chưa đến 10% tổng số tiền gửi của Silvergate, nhưng ngân hàng này đã mất 68% tiền gửi sau khi FTX phá sản. Những rắc rối mà Silvergate gặp phải đã chứng minh mức độ rủi ro của ngân hàng truyền thống khi không được quản lý đầy đủ”.
Sau đó, FDIC đã được thông báo về việc SVB ngừng hoạt động vào tối ngày 9/3. SVB đóng cửa vào ngày 10/3 và FDIC đã tiếp quản ngân hàng này. Ông Gruenberg nhận xét cũng giống như ngân hàng Silvergate, SVB đã tập trung các hoạt động vào một lĩnh vực duy nhất: những quỹ đầu tư mạo hiểm. Đối với số tiền mà Quỹ bảo hiểm tiền gửi phải chi trả để giải quyết các tổn thất của SVB và Signature Bank, ông Gruenberg đưa ra ước tính sơ bộ là 22,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ông nhận định: “Tình trạng của hệ thống tài chính Mỹ vẫn ổn định bất chấp những sự kiện gần đây”. Ở một diễn biến khác, nhiều chuyên gia đánh giá khủng hoảng tài chính toàn cầu là hệ quả domino khi ngân hàng tiền số sụp đổ.

FDIC sẽ công bố một báo cáo toàn diện về hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra, Giám đốc rủi ro của FDIC sẽ công bố báo cáo về hoạt động giám sát đối với ngân hàng Signature trước ngày 1/5. Cũng trong tháng 5, FDIC sẽ đưa ra đề xuất về việc xây dựng quy tắc mới đối với đánh giá rủi ro. Mặc dù một số cơ quan quản lý và các nhà lập pháp đã chỉ ra mối quan hệ của SVB hay Signature với những công ty tiền điện tử, nhưng nhiều người đã phản đối quan điểm này.
Vào ngày 13/3, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Barney Frank nhận định việc đóng cửa ngân hàng Signature thể hiện thông điệp mạnh mẽ chống tiền điện tử của chính phủ Mỹ. Ông Barney Frank, người từng là thành viên ban quản trị Signature, giải thích: “Tôi cho rằng những động thái này của chính phủ Mỹ đang muốn gửi đi thông điệp tiền điện tử là lĩnh vực có hại”.
Nellie Liang, Thứ trưởng phụ trách bộ phận “Tài chính trong nước” của Bộ Tài chính Mỹ, phủ nhận ảnh hưởng trực tiếp của tiền điện tử đối với sự sụp đổ của Signature hay SVB: “Các ngân hàng như Signature và SVB có các giao dịch liên quan đến tài sản kỹ thuật số, nhưng theo tôi, chúng không phải là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự sụp đổ”.