M7 Holding đã giành chiến thắng trong cuộc đấu giá để mua lại LedgerX với giá 50 triệu USD. Tổng số tiền FTX thu được từ thương vụ này dự kiến sẽ được sử dụng để trả cho các chủ nợ. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn cần sự chấp thuận của Tòa án Phá sản Mỹ trong phiên tòa điều trần được ấn định vào ngày 4/5 tới.
Tòa án đã phê duyệt việc bán LedgerX và các tài sản khác của FTX vào tháng 1 vừa qua. Các tài sản được mang bán đấu giá là Embed, LedgerX, FTX Japan và FTX Europe. Đã có 117 bên bày tỏ sự quan tâm đến những tài sản đó.
Giám đốc điều hành của FTX, John Ray III cho biết rằng, thương vụ này là một ví dụ về những nỗ lực không ngừng của FTX trong việc bán tài sản để trả nợ.
“Chúng tôi rất vui khi đạt được thỏa thuận này với MIH, đây là một ví dụ về những nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc kiếm tiền từ tài sản để mang lại sự phục hồi cho các bên liên quan”, John Ray III cho biết.
Đọc thêm các bài viết về sàn FTX tại đây

Trước đó, FTX cũng mở bán tất cả các thiết bị văn phòng từ 13 kho hàng tại Bahamas cùng dàn xe từng phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân viên trị giá 2,4 triệu USD để trả nợ.
FTX.US đã mua LedgerX, sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử được quản lý bởi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) vào tháng 8/2021. Thương vụ này được chốt với giá 298 triệu USD, sau đó đổi tên LedgerX thành FTX.US Derivatives.
LedgerX là một trong những tài sản có giá trị lớn, được đánh giá có tính thanh khoản cao nhất và bắt đầu được giao bán từ đầu tháng 12/2022.
Tháng 11/2022, FTX đệ đơn xin phá sản theo chương 11 Luật phá sản của Mỹ, không lâu sau khi sàn giao dịch Binance xác nhận sẽ không mua lại FTX. FTX group nộp đơn phá sản cho khoảng 130 công ty liên kết bao gồm Alameda Research, công ty kinh doanh tiền điện tử FTX.US cũng đã nộp đơn phá sản. Đây là dấu chấm hết cho đế chế tiền mã hóa từng có giá trị 40 tỷ USD. Tài sản của Sam Bankman-Fried cũng "bốc hơi" 14,6 tỷ USD, tạo nên kỷ lục buồn khi trở thành tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong một ngày.
Đọc thêm: Sàn giao dịch FTX chính thức đệ đơn xin phá sản

FTX cũng gửi email thông báo cho người dùng về kế hoạch trả nợ. Đây là động thái đầu tiên trong việc hoàn trả tiền cho khách hàng bị kẹt tài sản kế từ khi sàn này sụp đổ. Theo đó, sàn sẽ cung cấp cho mỗi chủ nợ một Unique Customer Code (mã khách hàng), khi nào tòa án thông qua lịch trình cụ thể, tất cả các chủ nợ sẽ được thông báo về thời gian và hướng dẫn để gửi bằng chứng về số dư của mình.
Mới đây, sàn FTX Nhật Bản thông báo đã có thể xác nhận số dư tài khoản của mình trên nền tảng và sẽ hoàn trả lại số tiền này chậm nhất vào cuối tháng 2/2023. Ngoài xem được số dư, khách hàng cũng có thể chuyển tài sản của mình sang nền tảng trao đổi tiền điện tử của Nhật Bản là Liquid. FTX Nhật Bản có khoảng 19,6 tỷ yên (138 triệu USD) tiền gửi tính đến ngày 10/11, theo cuộc phỏng vấn được NHK đưa tin.
Tính đến giữa tháng 1/2023, đơn vị tiếp quản FTX cho biết, đã thu hồi được 5,5 tỷ USD , bao gồm 1,7 tỷ USD tiền mặt, 3,5 tỷ USD tiền điện tử và 300 triệu USD chứng khoán.