G7 thảo luận về CBDC và luật tiền số gây tranh cãi
Gần đây, Ủy ban G7 đã họp tại thành phố Niigata, Nhật Bản để thảo luận về ý nghĩa của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) với tài chính toàn cầu cũng như những luật điều chỉnh việc chuyển giao tài sản tiền điện tử. G7 là nhóm diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới: Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy và Canada.
Trong một thông cáo tóm tắt các cuộc thảo luận, ủy ban đã nhắc lại sự ủng hộ đối với việc phát triển CBDC. Thông cáo đi kèm với lời cảnh báo cần phải điều tra thêm để đảm bảo CBDC được xây dựng dựa trên “bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng, sự minh bạch, tính pháp quyền và quản trị kinh tế lành mạnh”.

Thông cáo mô tả việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát triển “Sổ tay CBDC” là đáng hoan nghênh. Ngoài ra, ủy ban G7 đang mong chờ tập tài liệu đầu tiên được xuất bản bởi Nhóm Ngân hàng Thế giới và Hội nghị thường niên IMF năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Marrakesh, Maroc vào ngày 15/10.
Xem thêm: Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ ‘trình làng’ quy định tiền số vào tháng 9?.
Các thành viên của ủy ban cũng đã thảo luận về luật “Travel Rule” gây tranh cãi với tiền điện tử. Theo đó, ủy ban G7 yêu cầu bất kỳ tổ chức tài chính nào xử lý các giao dịch tiền điện tử lớn hơn 3.000 USD phải tiết lộ tên, địa chỉ và thông tin tài khoản của người gửi. Lập trường của ủy ban G7 chỉ rõ: “Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) nhằm đẩy nhanh việc thực hiện toàn cầu các tiêu chuẩn về tài sản kỹ thuật số”.
Nhà lập pháp Hàn Quốc từ chức vì bê bối tiền số
Các công tố viên ở Hàn Quốc đã đột kích văn phòng của 2 sàn giao dịch tiền điện tử địa phương do các cuộc điều tra xung quanh tài sản kỹ thuật số của nhà lập pháp Kim Namkook. Được biết, ông Kim Namkook rút lui khỏi chính trường trong bối cảnh bị cáo buộc bán hàng triệu đô la tiền điện tử trước khi luật mới được thi hành.
Theo một bài đăng trên Facebook từ cựu nhà lập pháp, ông không muốn tạo gánh nặng cho các thành viên trong đảng của mình với những tranh cãi xung quanh các giao dịch tiền điện tử của mình. Trong cùng một bài đăng, ông Namkook cũng tuyên bố các báo cáo buộc tội của giới truyền thông là không chính xác và sẽ tiết lộ sự thật.
Theo một báo cáo từ hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, một nhóm công tố viên từ Văn phòng Công tố Quận Nam Seoul đã đột kích các sàn giao dịch tiền điện tử Upbit và Bithumb để lấy hồ sơ giao dịch và các tài liệu khác. Ông Namkook được cho là vận hành ví tài sản kỹ thuật số của mình trên Upbit và Bithumb.
Cuộc đột kích của chính quyền diễn ra ngay sau khi ông Namkook từ chức khỏi đảng chính trị của mình vào ngày 14/5. Vào tháng 5 và tháng 11/2022, đã có một số cáo buộc chống lại ông Kim Namkook trong thời gian nhà lập pháp này làm việc về luật tài sản kỹ thuật số.
1 nhà phát triển Ethereum bị cấm xuất cảnh 10 năm
Mới đây, chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm xuất cảnh với lập trình viên và nhà phát triển Ethereum Virgil Griffith trong 10 năm. Dự kiến, lệnh này chỉ hết hiệu lực vào ngày 12/4/2032. Trước đó, vào tháng 4/2022, Virgil Griffith bị Tòa án quận Nam New York tuyên án 5 năm tù giam vì vi phạm các đạo luật về cấm vận quốc tế. Trong một chuyến đi tới Triều Tiên, ông Griffith đã thực hiện buổi diễn thuyết và cung cấp kiến thức liên quan tới Blockchain. Hành động này bị đánh giá vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận mà phía Mỹ đang áp đặt lên quốc gia Đông Bắc Á.
Luật sư Geoffrey S. Berman thậm chí còn cáo buộc Virgil Griffith có âm mưu rửa tiền, đồng thời hỗ trợ Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt. Kết quả, cựu lập trình viên Ethereum phải chịu 63 tháng tù, cùng với 3 năm thả tự do có giám sát. Bên cạnh đó, ông cũng phải nộp khoản tiền phạt hình sự lên đến 100.000 USD.
200 triệu USD “bốc hơi” khỏi thị trường tiền điện tử
Vào ngày 15/5, công ty đầu tư tiền điện tử CoinShares đã công bố “Báo cáo dòng tiền tài sản kỹ thuật số” mới nhất. Báo cáo của CoinShares tiết lộ các sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số đã trải qua một tuần liên tiếp bị rút tiền, với tổng số 54 triệu USD đã thoát khỏi thị trường. “Tổng số tiền thoát khỏi thị trường lên tới 200 triệu USD, chiếm 0,6% tổng tài sản được quản lý”, CoinShares báo cáo.

Theo báo cáo, các quỹ Bitcoin đã chứng kiến dòng tiền chảy ra ngoài thị trường là 38 triệu USD. Trong 4 tuần qua, tổng lượng Bitcoin rút ra có trị giá lên tới 160 triệu USD, chiếm 80% tổng số tiền rút ra. Những con số này cho thấy hoạt động của nhà đầu tư gần đây chủ yếu tập trung vào Bitcoin.
Báo cáo của CoinShares cũng lưu ý các khoản đầu tư đa tài sản đã bị rút 7 triệu USD trong tuần qua. Tuy nhiên, có một sự phát triển đáng chú ý khi dòng tiền đi vào thị trường đến từ trên 8 altcoin khác nhau. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên mạo hiểm và có chọn lọc hơn trong lựa chọn đầu tư của họ.
Tether công bố báo cáo tài chính quý I năm 2023
Nhà điều hành stablecoin USDT Tether Holdings đã rút hơn 4,5 tỷ USD khỏi các ngân hàng trong quý I năm 2023, giúp giảm đáng kể rủi ro đối tác. Thông tin này được công ty báo cáo trong một bài đăng trên website chính thức vào ngày 15/5.
Vốn hóa thị trường của Tether đã tăng từ 66 lên hơn 82 tỷ USD trong quý I, đồng thời công ty cũng giảm hơn 90% tiền gửi ngân hàng: từ 5,3 tỷ USD xuống còn 481 triệu USD. Tether cho biết số tiền gửi ngân hàng còn lại được phân bổ giữa một số ngân hàng và đề cập đến các đối thủ cạnh tranh đã bị thua lỗ sau sự sụp đổ của những ngân hàng tiền số trong thời gian qua.
Đồng thời, Tether đã tăng tín phiếu Kho bạc Mỹ lên mức cao mới hơn 53 tỷ USD, tương đương 64% dự trữ. Kết hợp với các tài sản khác, stablecoin USDT của Tether hiện được hỗ trợ bởi 85% tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn có thể được bán nhanh chóng để xử lý các giao dịch mua lại. Tether cũng tiết lộ lượng vàng và Bitcoin nắm giữ trong chứng thực của quý I để thể hiện cam kết minh bạch. Thành tựu tài chính trong quý I được Tether so sánh với các công ty lớn như BlackRock, Cash App, Netflix, PayPal và Starbucks.
Người dùng tiền số Việt Nam bị tin tặc Triều Tiên nhắm đến
Theo một nghiên cứu của công ty phân tích Blockchain Elliptic, Nhật Bản là quốc gia chịu tổn thất nhiều nhất về tiền điện tử từ tin tặc Triều Tiên. Ngoài Nhật Bản, tin tặc Triều Tiên đang sử dụng các cuộc tấn công mạng để nhắm đến người dùng tiền điện tử ở Việt Nam và Hồng Kông. Nghiên cứu, do ấn phẩm tài chính Nhật Bản Nikkei ủy quyền và báo cáo, đã xem xét các tổn thất về tiền điện tử do các cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ Bắc Triều Tiên từ năm 2017 đến 2022.
Nhật Bản đã chịu thiệt hại 721 triệu USD trong các cuộc tấn công đó, chiếm 30% trong tổng số hơn 2,3 tỷ USD của thế giới. Nikkei cho biết: “Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, 721 triệu USD bị đánh cắp từ Nhật Bản lớn hơn 8,8 lần so với giá trị xuất khẩu của Triều Tiên vào năm 2021”. Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia bị tấn công nhiều thứ hai, thiệt hại 540 triệu USD trong khoảng thời gian đó. Mỹ và Hồng Kông đứng thứ 3 và 4 với thiệt hại lần lượt là 497 và 281 triệu USD.
Amazon tuyển dụng kỹ sư AI lương “khủng”
Amazon đang chuẩn bị phát triển và triển khai chức năng “Tìm kiếm” mới có giao diện giống ChatGPT cho cửa hàng trực tuyến của gã khổng lồ này. Trang tin Bloomberg mô tả các kế hoạch của tập đoàn trong việc tuyển dụng kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI).
Xem thêm: CEO OpenAI gọi vốn 100 triệu USD cho dự án tiền số nào?.

Trong một danh sách công việc cho “Người quản lý chương trình kỹ thuật cấp cao”, Amazon tuyên bố: “Chúng tôi đang thực hiện một sáng kiến mới ưu tiên AI để tái cấu trúc và phát minh lại cách người dùng tìm kiếm. Amazon hướng đến việc sử dụng công cụ tìm kiếm chuyên sâu thế hệ tiếp theo có quy mô cực lớn”. Yêu cầu công việc đòi hỏi ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với các nhóm kỹ sư, mức lương dao động từ 119.000 đến 231.400 USD mỗi năm.
Công việc thứ hai “Sr SDE, Machine Learning (ML), Amazon Search” được trả từ 134.500 đến 261.500 USD mỗi năm. Mô tả công việc viết: “Chúng tôi đang thiết kế lại Amazon Search với trải nghiệm trò chuyện tương tác. Mục đích là giúp khách hàng tìm câu trả lời cho các câu hỏi về sản phẩm, thực hiện so sánh sản phẩm, nhận đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa để họ dễ dàng tìm thấy sản phẩm hoàn hảo phù hợp với nhu cầu”.