Theo cây viết Yashu Gola của tờ Cointelegraph, kể từ đầu năm 2023, giá Bitcoin đã tăng trưởng khoảng 60%. Đáng nói, quá trình tăng giá này gắn liền với diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu.
Sau khi không thể vượt qua mốc 30.000 USD, giá Bitcoin giảm về vùng 25.000 USD. Cùng lúc đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch dừng tăng lãi suất sau hàng loạt vụ sụp đổ của ngân hàng. Một lần nữa, giá Bitcoin bị tác động bởi tình hình kinh tế thế giới.
Theo tờ Cointelegraph, nếu kế hoạch của Fed được thực hiện, rất có thể giá Bitcoin sẽ tiếp tục giảm sâu. Sau đây là 4 cảnh báo sớm cho nhận định trên.
Xem thêm: 60 tỷ USD 'bốc hơi' khỏi thị trường và những tác động sau khi Bitcoin giảm giá
Đồng USD tiếp tục tăng sức mạnh
DXY hay chỉ số đô la Mỹ là dữ liệu thống kê giúp so sánh sức mạnh của đồng USD với một nhóm những ngoại tệ hàng đầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, chỉ số DXY đã tăng 1,4% để cán mốc 102,7. Đặc biệt, đây là mức tăng trưởng lớn nhất (tính theo phiên giao dịch tuần) của DXY kể từ tháng 9/2022.
Ngoài mức tăng trưởng lớn, đồ thị DXY phiên tuần cũng tạo thành mẫu hình “đáy đôi”. Theo Cointelegraph, mẫu hình này đánh dấu sự đảo chiều tăng giá. Dự kiến, chỉ số DXY có thể tăng lên mức 105,85 trong vài tháng tới.

Thống kê từ đầu năm 2023, chỉ số DXY luôn biến động trái chiều với giá Bitcoin. Trong trường hợp Fed dừng tăng lãi suất, DXY tăng sẽ khiến giá Bitcoin sụt giảm.
“Khả năng dừng tăng lãi suất của Fed đã bị các nhà giao dịch trên thị trường cường điệu hóa thành một sự “chắc chắn ảo”. Tuy nhiên, ít nhất cũng có 84% khả năng điều này trở thành sự thật”, nhà phân tích John Authers của Bloomberg nhận xét.
Giá vàng gần điểm đảo chiều quan trọng
Hàng loạt ngân hàng sụp đổ, nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng và Bitcoin như loại hình đầu tư an toàn giúp bảo vệ tài sản.
Nếu Bitcoin tăng trưởng đến 30.000 USD, thì vàng cũng tăng gần 15% để tiếp cận mốc cao nhất mọi thời đại ở 2.076 USD (theo thống kê từ Tradingview). Tuy nhiên, diễn biến giá cho thấy giá vàng đang có dấu hiệu đảo chiều ở vùng cản quan trọng này.

Trước đó, vào tháng 8/2020, giá vàng lần đầu đạt trên 2.000 USD và ngay lập tức giảm 19% về 1.673 USD. Tương tự vào tháng 3/2022, vàng một lần nữa không thể vượt qua 2.000 USD và quay đầu giảm hơn 20%.
Theo Cointelegraph, hiện tại giá vàng có lần thứ 3 đứng trước cơ hội phá vỡ mốc 2.000 USD. Mặc dù vậy, một kịch bản giảm giá đang ngày càng rõ rệt. Cointelegraph dự đoán vàng sẽ giảm về hỗ trợ EMA 50 khung tuần ở 1.805 USD, đồng thời tác động tiêu cực tới giá Bitcoin.
Lượng tiền mặt trên thị trường giảm
M2 là chỉ số đo lường lượng tiền mặt (bao gồm cả USD) có trong các ngân hàng và thị trường ngoại hối. Khi tổng cung tiền lớn, lượng tiền đổ vào thị trường tài chính càng nhiều sẽ giúp các tài sản đầu tư như tiền điện tử, vàng, chứng khoán tăng giá.
Cụ thể, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, chỉ số M2 đã tăng nóng hơn 40%. M2 đạt mức cao kỷ lục ở 21,84 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2022.

Kể từ đó, M2 bắt đầu sụt giảm. Hiện M2 đang duy trì ở 20,81 nghìn tỷ USD, giảm 4% so với mức đỉnh. Trong lịch sử, 4 lần chỉ số M2 giảm hơn 2% đều báo hiệu diễn biến xấu cho nền kinh tế, bao gồm 3 lần suy thoái và 1 lần bán tháo.
Nói cách khác, M2 giảm có thể báo trước một mức đáy mới của giá Bitcoin, loại tài sản đang đi “song song” cùng chỉ số chứng khoán Mỹ. Thống kê chỉ ra, hệ số tương quan (khung tuần) giữa Bitcoin và chỉ số Nasdaq100 đang đạt mức 0,92.
Bitcoin đang hình thành mẫu hình giảm giá
Theo Cointelegraph, trên đồ thị khung tuần, Bitcoin sắp kết thúc mẫu hình “nêm tăng”. Sự giảm giá sẽ bắt đầu sau khi mẫu hình này bị phá vỡ.
Với các nhà giao dịch, đây là mẫu hình báo trước sự giảm giá đáng kể. Trước đó, biên độ dao động của Bitcoin thường giảm dần và bất ngờ lao dốc mạnh về vùng giá thấp hơn.

Dự kiến, Bitcoin sẽ hướng tới vùng 20.000 USD và thấp nhất ở 15.000 USD. Mức giá đáy phụ thuộc vào vị trí phá vỡ của mô hình “nêm tăng”. Với những nhà đầu tư dài hạn, họ có thể chờ đợi mua Bitcoin khi giá giảm 45% so với hiện tại.