Vừa qua, sàn giao dịch BingX đã hợp tác với nền tảng thanh toán quốc tế, Legend Trading trao đổi tiền điện tử sang tiền mặt và ngược lại bằng thẻ ngân hàng. Theo đó, người dùng có thể trải nghiệm quá trình giao dịch mua/bán tiền điện tử thông qua tài khoản ngân hàng.
BingX được thành lập vào năm 2017, ở Đài Loan, chuyên cung cấp các dịch vụ giao dịch giao ngay, phái sinh, … cho hơn 100 quốc gia. Còn Legend Trading là một tổ chức tài chính toàn cầu, mở rộng mạng lưới hoạt động tại hơn 150 quốc gia. Legend Trading chấp nhận trao đổi các loại tiền điện tử với tiền pháp định thông qua ngân hàng như: USD, GBP, CHF, EUR, JPY và CAD…

Tương tự, một ngân hàng ở Thụy Sĩ cũng đã hỗ trợ trao đổi tiền điện tử với tiền pháp định. Theo đó, ngân hàng Grow Bank có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ đang nắm giữ 64 tiền tệ pháp định và 20 tiền điện tử, chúng sẽ được trao đổi với nhau mà không có quá nhiều khoản phí chênh lệch.
Grow từ lâu đã có giấy phép kinh doanh tiền điện tử và ngân hàng truyền thống. Khách hàng có thể mở tài khoản tiền gửi của công ty hoặc cá nhân bằng ứng dụng di động của ngân hàng. Đồng thời, họ cũng có quyền truy cập thẻ ghi nợ và trao đổi giữa tiền tệ pháp định và tiền điện tử.
Là một nền tảng thanh toán quốc tế, ví điện tử MetaMask hôm tháng 2 cũng cho phép mua tiền điện tử thông qua thẻ ngân hàng. Cụ thể, MetaMask đã tích hợp nền tảng thanh toán Mercuryo, hỗ trợ người dùng mua tiền điện tử thông qua thẻ ngân hàng hoặc các phương thức Google Play, Apple Play,...
Hiện có 18 loại tiền điện tử được MetaMask hỗ trợ trả bằng thẻ ngân hàng và các phương thức giao dịch khác. Ngoài ra, người dùng còn có thể tìm thấy 20 đồng tiền pháp định như USD, Euro, Bảng Anh, Won Hàn Quốc và Naira Nigeria trên nền tảng. Bên cạnh đó, MetaMask cũng tích hợp với Onramp.money, hỗ trợ mua tiền điện tử ở Ấn Độ.

Hôm 14/3, ngân hàng quốc gia Australia (NAB) đã tiến hành thử nghiệm stablecoin do nhà nước phát hành qua Blockchain Ethereum. Stablecoin mà NAB định phát hành là AUDN, dùng làm token thanh toán giữa các bên giao dịch. Cách đây không lâu, công ty phát hành USDC Circle cũng hợp tác với ngân hàng Xapo ở Anh, mở dịch vụ trao đổi USDC sang USD theo tỷ lệ 1:1 với lãi suất 4,1%.
Tuy nhiên, trước tình hình bất ổn trên thị trường tiền điện tử trong năm qua, Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) yêu cầu các ngân hàng không được nắm giữ quá 2% tiền điện tử trong tổng số tài sản.
Cụ thể, các ngân hàng được yêu cầu phân loại tài sản tiền điện tử thành nhóm 1 và nhóm 2. Trong đó, nhóm 1 gồm các tài sản kỹ thuật số như tài sản truyền thống được mã hóa và stablecoin. Còn nhóm 2 “có độ rủi ro bổ sung và cao hơn” so với nhóm một, bao gồm các tài sản như tiền điện tử chưa được hỗ trợ.
Trong tiêu chuẩn 2, “mức độ tiếp xúc của ngân hàng đối với tiền điện tử thuộc nhóm 2 không được vượt quá 2% vốn cấp 1 của ngân hàng và thường thấp hơn 1%”.
BIS cho biết, đây là kết quả phản hồi cho cuộc tham vấn thứ hai của BIS về việc xử lý thận trọng các khoản tiếp xúc của các ngân hàng đối với tài sản tiền điện tử do Ủy ban Basel thực hiện vào tháng 6/2022.
Các tiêu chuẩn trên sẽ cung cấp một khung pháp lý toàn diện, chặt chẽ và thận trọng cho các ngân hàng hoạt động thương mại quốc tế tiếp xúc với tiền điện tử, nhằm thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm trong khi vẫn duy trì sự ổn định tài chính. Thời gian áp dụng các tiêu chuẩn trên bắt đầu từ ngày 1/1/2025.