Chiều 5/4, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo bên lề "Công nghệ Blockchain: Khởi tạo tiến trình thương mại quốc tế".
Tại phiên tọa đàm "Cách Blockchain tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế: Phân tích thực nghiệm", ông Quyết Vũ, CEO LocaMOS chia sẻ về giải pháp chăm sóc khách hàng bằng hệ thống tích điểm trên nền tảng Blockchain. Công ty ông đã có voucher có tích hợp trên công nghệ Blockchain dành riêng cho khách hàng thân thiết, giúp giữ chân và chăm sóc họ tốt hơn.

Ông Eric Hưng, CEO Spores Network cho biết hiện nay, nhiều tổ chức tài chính truyền thống đã tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử, Web3 như Goldman Sachs, Bank of America. Theo ông, Blockchain giờ đây không còn là công nghệ xa lạ, quan trọng là giải pháp các doanh nghiệp đưa ra có thực sự đem đến giá trị.
Ông nói: "2021, 2022 nổi lên với NFT trên Blockchain vì đây là tài sản số trên môi trường digital (kỹ thuật số). Người mua ở khắp nơi trên thế giới có thể mua được mà không gặp rào cản vật lý và giao dịch kết thúc ở đó. Còn về khía cạnh thương mại quốc tế, đối với tài sản vật lý, một container hàng từ Mỹ sang Việt Nam sẽ gặp nhiều vấn đề pháp lý, luật pháp của Mỹ và Việt Nam chẳng hạn".
Bên cạnh truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi cung ứng, CEO Spores Network nhấn mạnh Blockchain cũng giúp nâng cao hiệu quả các chương trình loyalty (chăm sóc khách hàng thân thiết): "Hiện nay, có nhiều startup Web2 đã làm chương trình loyalty rất tốt. Khách hàng có thể sử dụng thẻ loyalty đi spa, mua vé máy bay Vietnam Airlines...".

"Tích hợp Blockchain trong Web3 chỉ thực sự có hiệu quả khi nhiều doanh nghiệp ngồi lại, chia sẻ lợi ích chung với nhau. Ví dụ, cùng thẻ loyalty đó có thể dùng ở nhiều nhà hàng khác nhau trên thế giới hay tôi đi nhà hàng A có voucher 100.000 đồng, không sử dụng có thể trao đổi với người khác hoặc đổi điểm thưởng. Blockchain đóng vai trò như một chợ kỹ thuật số, giúp tài chính hóa các mặt hàng, vật phẩm và mua bán được với người khác", ông Eric Hưng chia sẻ.
Vào tháng 12/2022, gã khổng lồ cà phê Starbucks đã ra mắt phiên bản beta của Starbucks Odyssey, cho phép người dùng thu thập NFT, mở khóa những lợi ích và trải nghiệm mới. Khi tham gia các trò chơi trong không gian ảo này, người dùng được trải nghiệm các chuyến tham quan ảo đến các trang trại, biết về lịch sử thương hiệu thông qua các trò chơi tương tác. Phần thưởng thu được là các NFT có thể quy đổi thành các vật phẩm vật lý, cũng như vé mời tham gia các sự kiện của cửa hàng Starbucks. Các NFT giống như các voucher kỹ thuật số, hoàn toàn có thể mua bán lại trên các nền tảng số nếu không có nhu cầu hay điều kiện để sử dụng.
Trong phiên tọa đàm "Kỷ nguyên 4.0 và tiềm năng đối với ngành xuất nhập khẩu", ông Quang Thông, Giám đốc NHĐT Nam Á Bank cũng đồng tình về sự ưu việt của hệ thống tích điểm trên Blockchain: "Ngân hàng rất mong có một giải pháp có thể liên kết nhiều dịch vụ khác như bán lẻ, bảo hiểm,... Blockchain sẽ là phương tiện luân chuyển loyalty point (điểm thưởng) công bằng, phù hợp cho tất cả doanh nghiệp".

Vào tháng 10/2022, ứng dụng mua sắm hoàn tiền ShopNEXT hợp tác với Visa ra mắt nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết trên nền tảng công nghệ Blockchain. Khi khách hàng mua sắm, họ sẽ được hoàn tiền và tích thêm điểm thưởng đối với mỗi hơn hàng thành công. Dự án được phát triển bởi đội ngũ Việt Nam với hơn 5 năm kinh nghiệm trong mảng mua sắm, hoàn tiền. Sở hữu hơn 600 đối tác tại 6 thị trường Đông Nam Á ở thời điểm ra mắt, người dùng có thể đổi điểm thưởng để sử dụng các dịch vụ khác trên các đất nước trong cùng khu vực.
Theo dữ liệu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố vào ngày 23/9, thương mại hàng hóa thế giới đã giảm 14% khối lượng, 21% giá trị trong quý II/2020 trong bối cảnh phong tỏa đại dịch Covid-19. Khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 14,3% trong quý II/2020 so với cùng kỳ trước do các biện pháp ngăn chặn đại dịch đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Chịu ảnh hưởng chung của sự suy thoái kinh tế toàn cầu hậu Covid-19, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp nhất trong vòng 13 năm là 3,32%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế là một nước xuất siêu. Theo số liệu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Việt Nam xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD vào năm 2020. Đây là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu, đồng thời là điểm mạnh mà Việt Nam tiếp tục phát huy trong tương lai.
Công nghệ Blockchain sẽ trợ thủ đắc lực cho Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết: "Công nghệ Blockchain là chìa khóa cho thương mại quốc tế. Đây là đột phá công nghệ lớn giúp Việt Nam và các nước khác hoàn thiện nền thương mại quốc tế tiên tiến, hiệu quả. Blockchain vừa là thách thức và là cơ hội đối với Việt Nam, giúp doanh nghiệp quản lý, trao đổi hàng hóa một cách minh bạch, chính xác và hiệu quả".