Việt Nam: VBA kết nối công nghệ Blockchain với Singapore
Sự kiện hot của ngành Blockchain Việt trong tuần qua đó chính là "The Connect" - hoạt động của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức diễn ra từ ngày 20 đến 22/4 tại Singapore. Tại đây, VBA đã có 1 loạt chương trình gặp gỡ, hội đàm với các tổ chức tài chính, công nghệ hàng đầu ở Singapore,bao gồm: Phòng Thương mại Quốc tế Singapore (SICC); Hiệp hội Blockchain Singapore; Hiệp hội Fintech Singapore; Hiệp hội Thương mại hàng đầu cho ngành công nghệ của Singapore (SGTECH); Hiệp hội Công nghiệp Blockchain & Tiền điện tử Singapore (ACCESS); Quỹ Đầu tư UOB (United Overseas Bank Venture Management),... Nhờ sự kiện, VBZ mở ra vòng tay lớn trong mối quan hệ kết nối networking cùng nước bạn. Điểm đặc biệt trong chuyến đi lần này đó chính là ban lãnh đạo và nhóm chuyên gia VBA có dịp đồng hành cùng đại diện từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện của những startup công nghệ Việt đầy triển vọng như Verichains, LocaMos, DecomWings, TrustKeys Network và AIT Labs.

Trong tuần qua, đêm chung kết cuộc thi Busitech Bootcamp quy tụ sự tham dự của 129 trường đại học trên cả nước đã được tổ chức. Điểm đặc biệt của cuộc thi đó chính là những phần training và đào tạo chuyên sâu liên quan đến các lĩnh vực như ứng dụng AI, Robot& IoT, Blockchain, bảo mật,... đã được lên ý tưởng và biến thành các vòng thi. Cuối cùng, sau bao tháng ngày chờ đợi, đội giành giải vô địch và á quân là đội S.A.T.I.S và đội DreamFlare. Đây đều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Song song với những tin tích cực, một chia sẻ khiến cộng đồng mạng lo lắng đó chính là việc Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á tấn công mã độc. Theo hãng bảo mật Kaspersky, số vụ tấn công mã độc vào Việt Nam năm 2022 dù đã thuyên giảm, vậy nhưng nước ta vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số. Những vấn đề như lừa đảo trực tuyến, đánh cắp thông tin, ăn trộm tiền mã hoá,... vẫn xảy ra như cơm bữa. Bản thân hãng bảo mật Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn số vụ tấn công bằng phần mềm độc hại tại Đông Nam Á là 207.506 vụ, điều đáng nói trong số đó Việt Nam chiếm 15.499 vụ, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Quy mô lẫn mức độ thiệt hại của các vụ này ngày càng mở rộng, dấy lên nỗi lo ngại đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là khi những ứng dụng về ChatGPT, Metaverse, AI,... đang ngày càng thân thuộc và được sử dụng phổ biến.
Không chỉ vậy, ở thời điểm hiện tại, nhân lực về mảng công nghệ thông tin tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tuyển dụng, một trong những thử thách "khó nhằn" nhất đối với lực lượng lao động này đó chính là tiếng Anh. Trong tình thế này, bắt buộc nhiều trường đại học cần có chính sách, phương án hỗ trợ cùng hợp tác doanh nghiệp. Mới đây nhất, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức ngày hội công nghệ thông tin 2023 để kết nối với các đơn vị CNNT trong cả nước. Đánh giá cao sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ: "Những sự kiện như ngày hội công nghệ thông tin cũng là mô hình cụ thể hóa cơ chế hợp tác 3 nhà là nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp nhằm truyền cảm hứng và thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng trong ngành CNTT và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Điều đó cho thấy được trách nhiệm và sứ mệnh của các bên trong bối cảnh triển khai chuyển đổi số toàn diện, góp phần hình thành, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao cho thành phố”.
Thế giới: Nga "đe doạ" Mỹ trong lĩnh vực Bitcoin, Binance "xù kèo" mua lại Voyager
Những năm qua, Mỹ trở thành cường quốc trong lĩnh vực khai thác Bitcoin. Vậy nhưng giờ đây thứ hạng đó đã bị Nga lăm le xâm chiếm. Chỉ vì những điều chỉnh trong hoạt đông khai thác tiền điện tử ở nhiều nơi, Mỹ khiến các nhà đầu tư e dè. Nga đã giành vị trí thứ hai trên toàn cầu về công suất khai thác từ tháng 1 đến tháng 3, ở mức 1 gigawatt (GW). Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu với công suất khai thác 3-4 GW. Các quốc gia khác trong top 10 còn có Vịnh Ba Tư với 700 MW, Canada với 400 MW và Malaysia với 300 MW.
Thông tin "hot hit" trong tuần qua liên quan đến việc Binance hủy thương vụ mua lại Voyager trị giá hơn 1 tỷ USD. Lý do Binance đưa ra chính là việc môi trường pháp lý của Mỹ quá lỏng lẻo, gây ảnh hưởng đến thị trường tiền số trong tương lai. Ngoài ra, Binance đang muốn tập trung tạo ra 1 nền tảng an toàn cho khách hàng, tuy nhiên mọi lý do mà sàn giao dịch hàng đầu thế giới này đưa ra khiến cộng đồng "dậy sóng". Nhiều ý kiến cho rằng, đây hoàn toàn là 1 lý do không hợp lý so với tầm ảnh hưởng cũng như kinh nghiệm mà Binance bao năm qua xây dựng.

Trong khi Binance "xù kèo" mua Voyager thì ở 1 diễn biến khác, "đối thủ 1 thời" của Binance là FTX đã quyết định bán sàn LedgerX với giá 50 triệu USD. M7 Holding là người dành được chiến thắng trong cuộc đua này. Được biết, từng có 117 đơn vị đặt sự quan tâm và chú ý cao độ khi FTX công bố bán tài sản (trong đó có LedgerX).
Liên quan đến mặt trận Metaverse, báo cáo cho biết, Meta - công ty mẹ của Facebook thông báo khoản lỗ lên đến 4 tỷ USD. Doanh thu từ dịch vụ của Meta chỉ rơi vào khoảng gần 340 triệu USD, không đủ sức gồng lỗ cho loạt hạng mục mà "ông lớn truyền thông" này bỏ ra. Đây quả là thông tin buồn cho "mẹ đẻ" Facebook trong cuộc đua đang dần nguội lạnh này.

Thêm 1 thông tin nữa liên quan đến Yuga Labs và vụ kiện tranh chấp bản quyền NFT "Vượn mặt buồn". Theo thông tin mới nhất từ phía Toà án quận phía Bắc California, sau gần 1 năm theo đuổi vụ việc, Yuga Labs đã thắng vụ kiện sao chép, bán phá giá từ 2 nghệ sĩ NFT là Ryder Ripps và Jeremy Cahen (nhà sáng lập sàn giao dịch NFT Not Larva Labs).
Cuối cùng, về cơn sốt Meme coin vừa qua, dân tình đang xôn xao trước thông tin 1 meme coin mới mang tên Math Lady Coin (MATH) vướng lùm xùm lừa đảo. Sau khi nhận được 110.000 USDT tiền ETH gửi đến MATH, những kẻ đứng sau dự án này đã lấy hết số tiền và "cao chạy xa bay", để lại sự khó hiểu, bực tức cho nhà đầu tư.