Tỷ phú CZ cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo Justin rằng nếu anh ta có ý định farm SUI, chúng tôi sẽ có hành động chống lại. Binance LaunchPool có nghĩa là những airdrop dành cho cộng đồng người dùng cá nhân của chúng tôi, chứ không chỉ dành cho một số cá voi”.
Ngay sau đó, Justin Sun đã đáp trả rằng anh hoàn toàn không có ý định farm SUI và mục đích của Tron DAO trong quyết định này là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập thị trường TUSD trên Binance chứ không phải để tham gia bất kỳ chiến dịch ưu đãi nào của sàn.
Xem thêm: SUI ra mắt trên Binance, trở thành dự án Launchpool thứ 33

Farming hay Yield Farming là thuật ngữ dùng để chỉ hình thức tạo thu nhập thụ động thông qua hoạt động cung cấp thanh khoản. Người dùng sẽ gửi coin/token đang nắm giữ vào các pool trên nền tảng DeFi hoặc tham gia staking và nhận tiền lãi theo giá trị crypto đã khóa.
Tuy nhiên, đã có một số thành viên không rõ mục đích sử dụng của số tiền này nên “vô tình” tham gia vào sự kiện của sàn. Sun đã ngay lập tức liên hệ với sàn để hoàn trả. Tỷ phú Justin Sun ngay sau đó đã gửi lời xin lỗi chân thành đến CEO sàn Binance, Changpeng Zhao.
Pepe coin được nhiều sàn giao dịch tiền số “săn đón”
Ngày 1/5 sàn giao dịch tiền điện tử OKX thông báo sẽ niêm yết memecoin Pepe và mở giao dịch rút tiền vào lúc 4 giờ chiều (giờ Việt Nam) ngày 2/5. Giá của Pepe coin đã tăng vọt 80% trong vài giờ sau khi thông tin niêm yết được công bố. Vốn hóa thị trường của nó cũng đạt hơn 450 triệu USD, lọt top 100 đồng coin lớn nhất thị trường.
“Ếch Pepe là một nhân vật hoạt hình và là meme đang gây sốt trên mạng xã hội do họa sĩ truyện tranh Matt Furie tạo ra. Pepe là hình ảnh một con ếch xanh với cơ thể giống người. Đây là một trong những meme phổ biến nhất trên thế giới”, nhân viên OKX chia sẻ.

Tìm hiểu thêm: Pepe coin lọt top 100 đồng coin lớn nhất thị trường
Trước đó, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử như MEXC Global, Bitget, Gate.io và Huobi cũng thông báo cho phép giao dịch Pepecoin.
Các vụ hack tiền điện tử vào tháng 4 gây thiệt hại hơn 100 triệu USD
Theo dữ liệu từ công ty bảo mật tiền điện tử CertiK ngày 30/4, tổng số tiền bị mất trong các vụ khai thác, lừa đảo tiền điện tử trong tháng 4 là 103,7 triệu USD. Báo cáo chỉ ra rằng, chỉ riêng tháng 4, tổng số tiền bị hack do khai thác tiền điện tử và DeFi lên tới 74,5 triệu USD. Con số này chiếm khoảng 50% tổng số tiền bị hack là 145 triệu USD trong 4 tháng qua.

Dữ liệu cho thấy, có khoảng 20 triệu USD bị đánh cắp do các cuộc tấn công Flash Loan. Trong đó, vụ hack của Yearn Finance chiếm một nửa số tiền bị hack là 10 triệu USD. Ngoài ra, các vụ exit scam cũng lên tới 9,4 triệu USD trong tháng 4.

“Chợ” Blur trình làng nền tảng lending NFT
Mới đây, sàn Blur đã ra mắt nền tảng lending NFT có tên Blend. NFT Lending là một hình thức cho vay tiền bằng cách sử dụng NFT làm tài sản thế chấp. Blend cho phép người dùng nắm giữ NFT thế chấp tài sản của mình để vay ETH từ người khác. Nền tảng này sẽ kết nối người vay tiền và người cho vay theo phương thức P2P.

Người cho vay có thể chọn mức lãi suất cũng như bộ sưu tập NFT mà họ mong muốn để cho vay. Các khoản vay qua Blend sẽ không có kỳ hạn và duy trì mức lãi suất cố định được đề ra ban đầu. Ngoài ra, người vay sẽ có quyền chấm dứt khoản vay ở bất kỳ thời điểm nào mà họ mong muốn.
Sàn Poloniex “đóng phạt” 7,6 triệu USD vì vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ
Ngày 1/5, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố sàn giao dịch tiền điện tử Poloniex vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ và phải đóng khoản phạt 7,6 triệu USD. Theo cơ quan này, sàn tiền số đã cho phép người dùng tại các khu vực bị áp dụng lệnh trừng phạt như Crimea, Cuba, Iran, Sudan và Syria thực hiện các giao dịch gửi và rút tài sản kỹ thuật số trị giá hơn 15 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2019.

Theo OFAC, Poloniex đã không sàng lọc kỹ người dùng tại các khu vực trừng phạt này kể từ khi sàn ra mắt vào tháng 1/2014 cho đến khi áp dụng lệnh trừng phạt vào tháng 5/2015, do đó đã dẫn đến sai phạm này.
“Mặc dù Poloniex đã nỗ lực xác định và hạn chế các tài khoản tại Iran, Cuba, Sudan, Crimea và Syria để tuân thủ lệnh trừng phạt, tuy nhiên, một số khách hàng ở các khu vực pháp lý này vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng của Poloniex để giao dịch tài sản kỹ thuật số”, OFAC cho biết.
Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới âm thầm khai thác Bitcoin
Một báo cáo địa phương tiết lộ rằng, Bhutan đã tận dụng các con sông ở dãy núi Himalaya để tạo ra năng lượng khai thác Bitcoin. Theo Forbes, các quan chức của Bhutan xác nhận rằng, việc khai thác tiền điện tử của vương quốc này bắt đầu từ khi giá của Bitcoin ở mức khoảng 5.000 USD vào tháng 4/2019. Sau đó, giá Bitcoin đã tăng vọt lên mức khoảng 28.000 USD vào thời điểm hiện tại.

Bhutan cũng “bắt tay” với công ty Bitdeer, sử dụng 100 megawatt điện cho trung tâm khai thác Bitcoin. Sự hợp tác này đã giúp công suất khai thác của Bitcoin tăng khoảng 12%.
Hoạt động khai thác của Bhutan vẫn còn là một ẩn số với rất ít thông tin về vị trí, quy mô và lợi nhuận của các trang trại khai thác. Trước đó, có thông tin rằng công ty DHI do chính phủ Bhutan hậu thuẫn đã “rót” hàng triệu USD vào tiền điện tử. Tuy nhiên cho đến nay vẫn không rõ tại sao chính phủ Bhutan lại không tiết lộ việc đầu tư và khai thác vào tiền điện tử cho người dân hoặc các đối tác quốc tế.
Đọc thêm: Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới âm thầm ‘rót’ hàng triệu USD vào tiền điện tử
70% người Nhật Bản lo ngại về trí tuệ nhân tạo AI
Theo báo cáo của tờ Kyodo News, có đến 69,4% người ở độ tuổi trưởng thành của Nhật Bản muốn chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ về việc phát triển AI. Báo cáo cho biết rằng, người dân đại phương đã bày tỏ sự lo lắng về mức độ phát triển của công nghệ AI.
Ngày 10/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ đang cân nhắc việc tích hợp AI vào các hệ thống của mình. Tuy nhiên, quyết định này sẽ được triển khai trong trường hợp các vấn đề về quyền riêng tư và an ninh mạng được giải quyết triệt để.