Vừa qua, ZachXBT, nhà phân tích dữ liệu Blockchain đã phát hiện một kẻ chuyên lừa đảo bằng cách phát hành meme coin. Trước đó, ZachXBT nổi tiếng với nhiều lần đưa những chiêu trò gian lận và hacker ra ánh sáng.
Kẻ xấu trục lợi từ 114 meme coin lừa đảo bằng cách nào?
Theo ZachXBT, trong gần 2 tháng qua, một cá nhân ẩn danh đã âm thầm tạo 114 meme coin và tung ra thị trường. Mỗi lần phát hành meme coin, người này thường đẩy giá lên rất cao nhằm thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Khi đám đông lao vào mua cũng lúc hắn bán tháo và tìm cách tẩu tán tài sản.

Hành động của kẻ lừa đảo cho thấy hắn lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước, đồng thời luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc do bản thân đặt ra. Cụ thể, với mỗi dự án meme coin được niêm yết, cá nhân này thường đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 2,5 – 3 ETH (tương đương 4.500 – 5.500 USD). Bất cứ khi nào lượng tiền chảy vào dự án đạt mốc trên, hắn sẽ thẳng tay rug-pul và rời đi.
Đáng nói, dữ liệu thống kê bởi ZachXBT chỉ ra, kẻ lừa đảo chỉ chuyển tiền đến một tài khoản duy nhất thuộc sàn giao dịch Coinbase, mỗi lệnh giao dịch cũng xấp xỉ mức 2,5 – 3 ETH.
“Quá trình được lặp đi lặp lại. Kẻ xấu rút cạn bể thanh khoản của dự án meme coin, sau đó chuyển tiền đã chiếm đoạt tới Coinbase. Vì sao đội ngũ điều hành sàn không thể nhận ra điều này?”, tài khoản @AureaAlder bình luận trong bài đăng của ZachXBT.

Ước tính, lượng tiền chuyển đến địa chỉ ví Coinbase “0x739c58807B99Cb274f6FD96B10194202b8EEfB47” đạt 315 ETH, tương đương 600.000 USD ở thời điểm giao dịch được thực hiện. Tuy nhiên, ZachXBT đánh giá, không loại trừ trường hợp kẻ lừa đảo còn sở hữu những ví Coinbase khác, do đó, tổng lượng tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, 114 meme coin kể trên chỉ bao gồm những dự án có liên quan tới địa chỉ ví Coinbase đã bị ZachXBT phát hiện. Trên thực tế, kẻ chủ mưu hoàn toàn có khả năng sử dụng những sàn giao dịch tiền điện tử khác nhằm tẩu tán tài sản.
Sau khi báo cáo của ZachXBT lan truyền trên mạng xã hội Twitter, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về trách nhiệm của sàn Coinbase trong vụ việc. Do hoạt động chủ yếu tại thị trường Mỹ, nhiều năm qua, Coinbase nổi tiếng với các quy định chặt chẽ khi lập tài khoản mới và KYC (xác minh danh tính khách hàng). Theo ZachXBT, Coinbase đủ khả năng tìm ra người đứng sau địa chỉ ví trên.
“Nếu các tuyên bố về quy trình KYC của Coinbase là chính xác, họ sẽ tìm ra cá nhân sở hữu chiếc ví”, ZachXBT nói.
Vì sao Coinbase chưa thể tìm ra kẻ lừa đảo meme coin?
Mặc dù vậy, các chuyên gia tiết lộ vẫn có những trường hợp phương pháp KYC của Coinbase bị vượt mặt. Ví dụ, kẻ xấu có thể trả tiền cho một người ngẫu nhiên trên đường. Người này cung cấp giấy tờ, thông tin cá nhân và bán lại cho kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, thị trường chợ đen mua bán tài khoản đã KYC cũng rất nhộn nhịp, mỗi tài khoản Coinbase KYC có giá chưa tới 200 USD. Tóm lại, những kẽ hở này khiến đội ngũ điều hành Coinbase không thể xác định chủ nhân thực sự của địa chỉ ví “0x739c58807B99Cb274f6FD96B10194202b8EEfB47”.
ZachXBT cho biết thêm, các lệnh chuyển ETH tới ví Coinbase có khối lượng khá nhỏ nên ít thu hút sự chú ý. Đồng thời, các nạn nhân của loạt meme coin lừa đảo chưa khiếu nại với cơ quan chức năng về vụ việc. Thậm chí, nhiều người hoàn toàn ý thức được các nguy cơ khi đầu tư meme coin, tuy nhiên, với tâm lý “rủi ro cao, lợi nhuận nhiều”, họ chấp nhận đánh đổi.

Xem thêm về vụ lừa đảo meme coin "Math Lady" tại đây!
Sau bài đăng của ZachXBT, tài khoản Twitter @CoinGurruu tiết lộ một địa chỉ ví khác cũng lừa đảo bằng phương pháp phát hành meme coin những với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Cụ thể, ví số hiệu “d646f” đã tiến hành tổng cộng 5.500 giao dịch và trục lợi từ hơn 1.000 meme coin khác nhau. Ước tính trong 2 năm, số tiền ví này kiếm được đạt 14-20 triệu USD. Tất cả các giao dịch đều chuyển tới ví sàn Kucoin, tuy nhiên, danh tính người sở hữu chiếc ví vẫn chưa được tiết lộ.
“Người này tự tạo và phát hành meme coin mỗi ngày trong nhiều năm trời”, tài khoản @CoinGurruu nói.