Khách hàng của Signature Bank chỉ còn 1 tuần để 'cứu vớt' tài khoản tiền số

Thời hạn cuối cùng để khách hàng rút tiền tại ngân hàng Signature đã phá sản là 5/4, tức là chỉ chưa đầy 1 tuần nữa.
Khách hàng của Signature Bank chỉ còn 1 tuần để 'cứu vớt' tài khoản tiền số
avata
Cryptoday
29/03/2023
06:05
Cryptoday trênGoogle News

Khách hàng sở hữu tài sản tiền điện tử trong ngân hàng Signature còn thời hạn đến ngày 5/4 để rút tiền và tìm kiếm một ngân hàng khác. Sau thời hạn này, cơ quan quản lý liên bang sẽ đóng băng tài khoản của họ. Vào ngày 28/3, người phát ngôn của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo đang liên hệ với những người gửi tiền từ ngân hàng Signature. 

Những người gửi tiền đã đóng tài khoản sẽ nhận được séc gửi đến địa chỉ họ sử dụng để đăng ký. Bất kỳ ai có tiền được giữ bởi Signature nhưng không thể chuyển chúng ra sẽ phải cập nhật địa chỉ đã đăng ký. Vào ngày 12/3, ngân hàng Signature đóng cửa trong bối cảnh các nhà quản lý New York lo ngại ảnh hưởng dây chuyền đến hệ thống tài chính của nền kinh tế Mỹ. Sau đó, FDIC được lựa chọn là cơ quan tiếp nhận Signature và được giao nhiệm vụ quản lý tài sản và các quỹ liên quan đến ngân hàng này. 

Ngân hàng Signature
Khách hàng của ngân hàng Signature chỉ còn thời hạn đến 5/4 để rút tiền.

FDIC đã yêu cầu các ngân hàng có mong muốn mua lại tài sản của Signature nộp hồ sơ dự thầu trước ngày 17/3 và phải chứng minh không có liên hệ với tiền điện tử. Ngày 18/3, “tiểu Warren Buffett” Bill Ackman tuyên bố Signature sớm muộn sẽ về tay Bank of America, ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Mỹ có trụ sở tại Bắc Carolina.

Vào ngày 19/3, FDIC đã chấp nhận cho Flagstar Bank, một chi nhánh của ngân hàng NYCB phụ trách tiếp quản Signature. Thỏa thuận mua lại 40 chi nhánh của ngân hàng Signature trị giá 2,7 tỷ USD. Việc mua lại của Flagstar không bao gồm mảng kinh doanh tiền điện tử trước đây của Signature. Đây là điều kiện duy nhất mà Flagstar phải tuân thủ khi nhận trách nhiệm tiếp quản. 

Nội dung thỏa thuận cho thấy, toàn bộ các khoản tiền gửi và một số danh mục cho vay của Signature sẽ do Flagstar Bank phụ trách. Hơn 1/3 tổng số tài sản tại thời điểm phá sản của Signature, tức 38,4 tỷ USD, cũng thuộc về Flagstar. Tuy nhiên, thỏa thuận của Flagstar Bank với FDIC không bao gồm khoảng 4 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. Số tiền này liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng Signature trước khi sụp đổ. Signet, nền tảng thanh toán của Signature, cũng không nằm trong thỏa thuận mua lại. Signet sử dụng công nghệ Blockchain cho phép khách hàng thanh toán theo thời gian thực mà không mất phí hay bị giới hạn giao dịch.

Ngân hàng Signature
Signature được Flagstar Bank mua lại với giá 2,7 tỷ USD.

Trong thời gian qua, ban lãnh đạo của Signature cũng dính vào vô số rắc rối. Vào ngày 14/3, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại các ông lớn của ngân hàng Signature. Cựu giám đốc tài chính Stephen Wyremski, giám đốc điều hành Joseph DePaolo và giám đốc điều hành Eric Howell đã bị cáo buộc phạm tội lừa đảo. 

Các cổ đông cáo buộc Signature tuyên bố sai sự thật là “có tình hình tài chính ổn định” chỉ 3 ngày trước khi bị cơ quan quản lý nhà nước tịch thu. Vụ kiện tập thể nhằm xác định những thiệt hại đối với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu từ ngày 2 đến 12/3. Vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Brooklyn và ông Matthew Schaeffer là người đại diện cho các cổ đông. Các nguyên đơn cho rằng ngân hàng Signature đã che giấu tình hình tài chính bằng cách đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Vụ kiện đã được đệ trình bởi công ty luật Rosen Law Firm.

Ngân hàng Signature
Các sếp lớn của Signature dính vào cáo buộc lừa đảo.

Vào ngày 13/3, Rosen Law Firm đã kiện SVB Financial Group (công ty mẹ của ngân hàng SVB) cũng như giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của tập đoàn này. Cùng ngày, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Barney Frank nhận định việc đóng cửa ngân hàng Signature thể hiện thông điệp mạnh mẽ chống tiền điện tử của chính phủ Mỹ. 

Ông Barney Frank, người từng là thành viên ban quản trị Signature Bank, giải thích: “Tôi cho rằng những động thái này của chính phủ Mỹ đang muốn gửi đi thông điệp tiền điện tử là lĩnh vực có hại”. Ông Frank từng là nghị sĩ Quốc hội Mỹ và là Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ từ 2007 đến 2011. Ông cũng là người soạn thảo đạo luật Dodd-Frank sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trước khi sụp đổ, Signature đã có 24 năm phát triển, ban đầu là ngân hàng chuyên cho vay bất động sản và cung cấp nhiều dịch vụ cho các công ty luật. Những năm gần đây, Signature mở rộng sang lĩnh vực tiền điện tử. Tính đến hết năm 2022, ngân hàng có 88,6 tỷ USD tiền gửi và 110,4 tỷ USD tài sản. Vào tháng 12/2022, Signature đề xuất giảm 10 tỷ USD tiền gửi để giảm lãi từ mức 23% xuống dưới mức 15% của tiền điện tử. 

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload