Số dư ví Spot của nhiều khách hàng sàn Gate bất ngờ giảm về 0
Vừa qua, một sự cố trên sàn giao dịch Gate.io đã khiến khách hàng “phát hoảng”. Theo đó, hàng loạt tài khoản đã gặp lỗi khiến số dư ví Spot (Giao ngay) giảm về 0.
Trang Twitter chính thức của Gate.io nhanh chóng đăng bài trấn an khách hàng. Đại diện sàn cho biết sự cố kể trên chỉ là lỗi hiển thị không quá nghiêm trọng. Nó xảy ra trong quá trình trang web cập nhật bản nâng cấp cho chế độ giao dịch Spot.

Tuy nhiên, theo WuBlockchain, các ví người dùng bị mất hết số dư trong gần 10 phút. Đồng thời, quãng thời gian này không trùng với khoảng thời gian nâng cấp từ 14:05p-14:20p (giờ UTC) như thông báo của sàn. Do đó, cộng đồng đầu tư vẫn nghi ngờ nguyên nhật thực sự phía sau sự cố.
Phản hồi trong bài đăng của đội ngũ điều hành Gate.io, một số khách hàng xác nhận đây không phải lần đầu họ gặp tình trạng tương tự. Thậm chí, mới đây, sự cố kể trên diễn ra 2 lần chỉ trong 1 tuần.
Kẻ lừa đảo kiếm bộn tiền nhờ những token trùng tên meme coin nổi tiếng
Theo WuBlockchain, cùng với xu hướng meme coin đang nở rộ, những kẻ lừa đảo lại kiếm lợi nhuận lớn từ phương pháp cũ. Cụ thể, chúng liên tiếp phát hành token trùng tên với meme coin nổi tiếng trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX), sau đó “rug-pull” để chiếm đoạt tài sản.
WuBlockchain chia sẻ ví dụ về địa chỉ ví điện tử “0xBc…8Faa”. Chủ nhân chiếc ví đã phát hành một loạt token giả mạo như PEPE, POGAI, TURBO,…trên DexScreener. Với mỗi token vừa niêm yết, người này sẽ mua đi bán lại nhằm tạo khối lượng giao dịch giả, đẩy giá lên cao thu hút sự chú ý.
Đồng thời, kẻ lừa đảo cũng bơm thêm tiền vào bể thanh khoản để khiến nhà đầu tư yên tâm giao dịch. Khi giá tăng đến mức nhất định, chúng sẽ “chốt lời” và rời đi.

Hiện địa chỉ ví kể trên đang sở hữu lượng tài sản số tương đương 7.162 triệu USD. Trong đó có 2.293 triệu USD thuộc mạng lưới BNB Chain và 4,868 triệu USD thuộc mạng lưới Arbitrum.
Các chuyên gia đánh giá, thời gian qua số lượng dự án lừa đảo trên hệ sinh thái Arbitrum gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nguyên nhân có thể đến từ chi phí giao dịch rẻ hơn khi so với Blockchain Ethereum và sức hút sau sự kiện airdrop ARB. Hiện tại, phí giao dịch trung bình trên Arbitrum xấp xỉ 0,368 USD, trên Blockchain Ethereum là hơn 10 USD.
Kazakhstan thu 7 triệu USD thuế từ công ty đào tiền điện tử trong năm 2022
Theo tờ Cointelegraph, Chính phủ Kazakhstan nhận về 3,07 tỷ tenge (khoảng 7 triệu USD) tiền thuế từ các đơn vị khai thác tiền điện tử trong năm 2022.
Dữ liệu trong năm 2023 cho thấy, tính đến ngày 27/4, chính phủ mới chỉ thu về 240 triệu tenge (khoảng 541.000 USD). Thấp hơn nhiều con số 652 triệu tenge (xấp xỉ 1,5 triệu USD) cùng kỳ năm ngoái. Sự chênh lệch này có thể đến từ các quy định sửa đổi, giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp đào tiền điện tử.
Nhiều chính sách ưu đãi đã giúp Kazakhstan trở thành một trong các trung tâm khai thác Bitcoin của thế giới. Thống kê hồi tháng 1/2022 chỉ ra quốc gia Trung Á đóng góp 13,22% tỷ lệ băm Bitcoin, xếp thứ 3 toàn cầu chỉ sau Mỹ (37,84%) và Trung Quốc (21,11%).
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính phủ và giới đào Bitcoin tại Kazakhstan bị đánh giá đang xấu đi do hàng loạt gian lận về thuế. Cuối năm 2021, ước tính có đến 87.849 giàn máy đào Bitcoin được chuyển tới Kazakhstan sau thời điểm Trung Quốc cấm thợ đào. Những người này vướng phải cáo buộc sử dụng mạng lưới điện quốc gia một cách thiếu kiểm soát, đồng thời cố tình trốn thuế.
DEUS Finance bị tin tặc đánh cắp 6 triệu USD
Theo tờ Cointelegraph, giao thức tài chính phi tập trung (DEFI) DEUS vừa mất 6 triệu USD do lỗ hổng bảo mật liên quan tới stablecoin DEI.
Đơn vị bảo mật Blockchain PeckShield cho biết, tin tặc đã tấn công DEUS Finance trên cả 2 mạng lưới BNB Smart Chain (BSC) và Arbitrum. Tuy nhiên, mạng BSC bị tấn công trước vào ngày 5/5, gây khoản lỗ 1,3 triệu USD. Cặp ARB/ETH trên mạng Arbitrum bị tấn công sau và gây tổn thất hơn 5 triệu USD.

Đại diện DEUS Finance đã xác nhận thông tin về sự cố trên mạng xã hội Twitter. Hiện đội ngũ điều hành đã đình chỉ mọi giao dịch và tiến hành đốt token DEI nhằm tránh có thêm các thiệt hại đáng tiếc.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu sự cố”, đại diện DEUS Finance chia sẻ.
Đồng thời, chủ dự án khẳng định sẽ có kế hoạch bồi thường cho khách hàng thông qua chụp ảnh số dư ví trước thời điểm diễn ra vụ hack. Dữ liệu từ chuyên trang CoinmarketCap cho thấy, giá DEI đang giao dịch quanh mức 0,2 USD, giảm khoảng 30% chỉ trong 24h sau sự cố. Đáng nói, vào tháng 5 năm ngoái, stablecoin DEI mất mốc 1 USD do vụ khủng hoảng Terraform Labs và vẫn chưa thể hồi phục về mức 1 USD cho đến hiện tại.
CEO sàn Coinbase khẳng định tiếp tục bám trụ thị trường Mỹ
Trong cuộc họp cổ đông hôm 5/5, Brian Armstrong, CEO sàn giao dịch lớn nhất nước Mỹ Coinbase khẳng định sẽ bám trụ tại quốc gia này.
“Chúng tôi cam kết hoạt động hết 100% công suất tại Mỹ. Tôi thành lập Coinbase tại Mỹ và tôi cho rằng Mỹ có các ưu thế về mặt pháp lý. Yếu tố này rất quan trọng và tôi lạc quan về quyết sách của Chính phủ Mỹ trong tương lai”, CEO Brian Armstrong chia sẻ.

Armstrong cho rằng Lưỡng viện của hai đảng phái tại Mỹ đều ủng hộ việc xây dựng khung pháp lý cụ thể cho ngành tài sản số. Ngoài ra, ông cũng có một chút lo lắng về thái độ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). CEO Coinbase đánh giá quan điểm của SEC về tiền điện tử thường mang tính ngẫu hứng và tiêu cực.
Xem thêm: CEO Coinbase từng dọa đưa công ty rời khỏi nước Mỹ
Hồi tháng 3/2023, Gary Gensler, Chủ tịch SEC đương nhiệm tuyên bố mọi loại tiền điện tử, ngoài trừ Bitcoin đều là chứng khoán. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, khi bị chất vấn bởi Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện McHenry, Gensler lại không dám khẳng định Ethereum là chứng khoán.
“Thật khó để đoán khi nào Coinbase sẽ tiếp tục phải đối mặt với các vụ kiện từ SEC”, CEO Brian Armstrong nói.
Kế hoạch bán mình cho Binance US đổ vỡ, Voyager Digital muốn tự thanh lý tài sản
Tờ Coindesk cho biết, Voyager Digital, gã khổng lồ cho vay tiền điện tử của Mỹ lên kế hoạch tự thanh lý tài sản sau khi thương vụ bán mình cho Binance US đổ bể.
Nội dung kể trên được nhắc tới trong hồ sơ gửi lên tòa án vào ngày 6/7, khoảng 10 ngày sau khi Binance US đột ngột rút khỏi thỏa thuận mua lại trị giá 1 tỷ USD.
Các chuyên gia đánh giá, tác động tiêu cực từ Chính phủ Mỹ là một phần nguyên nhân khiến thương vụ này dừng lại. Trước đó, Voyager Digital cũng dự định bán lại cho FTX. Tuy nhiên, sàn FTX đã phải đệ đơn xin phá sản hồi tháng 11 năm ngoái.

Cũng theo hồ sơ, nếu Voyager Digital tự thanh lý thành công, chủ nợ của công ty chỉ có thể thu hồi tối đa 36% tài sản ban đầu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với việc Voyager Digital được ông lớn khác mua lại. Các báo cáo trước đây chỉ ra, khách hàng của Voyager từng có cơ hội thu hồi 70% tài sản mắc kẹt trong nền tảng.
Nhà đầu tư bỏ 263 USD vào meme coin PEPE và thu về 9 triệu USD
Theo dữ liệu thống kê bởi Arkam Blockchain, một nhà giao dịch tiền điện tử ẩn danh vẫn nắm giữ hàng triệu USD giá trị token PEPE sau khi gặt hái lợi nhuận khổng lồ.
Cụ thể, hôm 14/4, tài khoản Dimethyltryptamine.eth mua 5,907 nghìn tỷ token PEPE trên sàn UniSwap với số vốn 263 USD. Anh chỉ cần bỏ ra khoản phí giao dịch xấp xỉ 17 USD.
Cùng với sự tăng trưởng của meme coin PEPE, khoản tiền nhỏ đã thành gia tài tương đương 9 triệu USD. Dữ liệu Blockchain ghi nhận, nhà đầu tư đã chốt lời khoảng 3,8 triệu USD, trong đó, có 2,4 triệu USD được chuyển đi trong 24 giờ qua.

Chuyên trang Lookonchain đánh giá, việc số ít “cá mập” gặt hái siêu lợi nhuận từ PEPE cũng là lời cảnh báo với cộng đồng. Lookonchain cung cấp bằng chứng về 5 tài khoản nhận trực tiếp token PEPE từ hợp đồng triển khai mã thông báo. Những địa chỉ này mua hơn 8,87 tỷ token PEPE với chi phí chỉ 385 USD.
Tìm hiểu thêm: Pepe coin tăng vọt 90% trong 24h, lý do là gì?
Đính kèm trong thông báo về sự kiện niêm yết token PEPE, sàn giao dịch Binance cũng nhấn mạnh đây là dự án mang nhiều rủi ro. Do đó, Binance không chịu trách nhiệm nếu khách hàng thua lỗ khi tham gia đầu tư meme coin này.