Các cơ sở khai thác tiền số ở một đô thị phía bắc Kosovo đã bị cảnh sát và chính quyền chọn làm mục tiêu lục soát. Theo báo cáo, gần 200 máy khai thác tiền điện tử đã bị cảnh sát Kosovo tịch thu. Hoạt động khai thác tiền điện tử trên thế giới đang có những chuyển biến mới và dự kiến, Nga sẽ vượt Mỹ trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Kosovo Artane Rizvanolli, cảnh sát đã thu giữ 174 máy đào tiền số. Tất cả đều chưa được đăng ký với chính quyền và được sử dụng để khai thác tiền điện tử. Cảnh sát đến khám xét vì không ai trả hóa đơn tiền điện. Kosovo đã gặp nhiều khó khăn khi thanh toán tiền điện cho người dân Serb ở phía bắc Kosovo trong 23 năm qua, kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Serbia.
Mặc dù 2% trong tổng số 1,8 triệu cư dân của thành phố sống ở 4 đô thị phía bắc, họ sử dụng 6% năng lượng của thành phố. Không những vậy, mức sử dụng điện đang tăng lên, từ 214 GWh năm 2011 lên 267 GWh năm 2017 và 372 GWh năm 2021. Được biết, các hóa đơn điện nước chưa thanh toán tại 4 đô thị của người Serb ở phía bắc Kosovo gần 330 triệu USD.

Thông báo về vụ tịch thu trên phương tiện truyền thông xã hội, bà Rizvanolli nhận xét việc không thanh toán hóa đơn tiền điện tạo điều kiện cho những hoạt động khai thác tiền điện tử bất hợp pháp và cản trở việc thực hiện thỏa thuận năng lượng với Serbia. Trong nỗ lực ngăn cản việc sử dụng năng lượng không trả tiền, chính phủ Kosovo đã tuyên bố lệnh cấm khai thác tiền điện tử cho đến cuối năm 2021 và triển khai một cuộc đàn áp đối với thiết bị nhập lậu.
Theo ông Adriatik Stavileci, phát ngôn viên của cục hải quan Kosovo, các quan chức hải quan đã tịch thu khoảng 700 card xử lý đồ họa (GPU) và 336 máy Antminers tốc độ cao với giá trị ước tính hơn 167.000 euro trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/3/2022. Hành động này có khả năng làm gia tăng căng thẳng ở bang Balkan vốn bị chia rẽ sắc tộc. Chính quyền ở Pristina và Belgrade đã có những lời lẽ gay gắt về vấn đề này. Theo Belgrade, vụ tịch thu máy đào tiền số là một cuộc đàn áp làm gia tăng căng thẳng ở khu vực ly khai.
Tổ chức điều phối của chính phủ Serbia cho Kosovo và Metohija cho biết vụ tịch thu nhắm vào người Serbia trong một ngày linh thiêng của Nhà thờ chính thống Serbia. Hoạt động của cảnh sát được mô tả là sự tiếp nối của hành vi quấy rối người dân Serbia. Kosovo, chủ yếu là người Albania sinh sống, đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Serbia vẫn coi Kosovo là một phần quyền tài phán của mình, do đó họ không thừa nhận nền độc lập của đất nước.

Ngoài Kosovo thì vào tháng 2, cảnh sát Abkhazia tịch thu 396 máy đào Bitcoin. Abkhazia là vùng đất tranh chấp nhưng tự nhận là một quốc gia. Abkhazia có diện tích khiêm tốn, khoảng 8.500 km2, giáp Georgia và Nga. Sau khi Nga tuyên bố cấm các máy đào tiền điện tử, Bitcoin được hoạt động và những hoạt động giao dịch tiền số bị ngăn chặn, xu hướng rút khỏi Nga của các thợ đào Bitcoin đã sang các vùng đất, quốc gia lân cận và Abkhazia là điểm đến lý tưởng vì đây là vùng đất có chi phí nhiên liệu thấp.
Tuy nhiên, đời không như là mơ, những người khai thác Bitcoin đã bị chính quyền Abkhazia đổ lỗi vì làm thiếu điện, mất điện trong nhiều năm. Sự việc xảy ra khi người dân ở một ngôi làng biểu tình, buộc các công ty khai thác Bitcoin rời đi vì làm mất điện trong nhiều ngày liền. Đây là lý do để chính quyền Abkhazia ngăn cấm khai thác BTC. Chernomorenergo, nhà cung cấp điện chính của Abkhazia, nhận định việc khai thác tiền điện tử đã làm sập hệ thống điện: “Lượng tải tăng mạnh là do kết nối bất hợp pháp của thiết bị khai thác tiền điện tử. Nếu không giảm tải nguồn điện, dòng điện sẽ tự tắt”.
Thủ tướng Alexander Ankvab đã kêu gọi tiết kiệm điện vì “toàn bộ dân số Abkhazia đang khổ sở do chủ sở hữu của các trang trại khai thác tiền điện tử”. Sau đó, chính quyền đã ra sức dập tắt các công ty khai thác tiền điện tử. Cảnh sát ở Abkhazia đã tịch thu 396 giàn khai thác tiền điện tử chỉ trong vòng 48 giờ. Bất chấp những diễn biến tiêu cực ở Kosovo và Abkhazia, hoạt động khai thác tiền điện tử vẫn sẽ phát triển trên toàn cầu. Với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) dự kiến là 12,90% từ năm 2023 đến năm 2032, thị trường khai thác tiền điện tử trên toàn thế giới dự kiến sẽ mở rộng từ mức định giá hiện tại là 1,92 tỷ USD vào năm 2022 lên 7 tỷ USD vào năm 2032.