Sự thất bại của bộ 3 ngân hàng Signature, SVB và Silvergate có tác động gì đối với thị trường tiền số?

Các công ty tiền điện tử có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận dòng tiền từ các ngân hàng truyền thống khi 3 ngân hàng lớn thân thiện với tiền điện tử đóng cửa chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần. Silvergate và Signature là hai ngân hàng chính rót vốn cho các công ty tiền điện tử, trong khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) có rất nhiều công ty khởi nghiệp tiền điện tử và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).
Sự thất bại của bộ 3 ngân hàng Signature, SVB và Silvergate có tác động gì đối với thị trường tiền số?
avata
Cryptoday
16/03/2023
12:15
Cryptoday trênGoogle News

Cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ với sự sụp đổ của 3 ngân hàng thân thiện với tiền điện tử đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường thời gian gần đây. Silvergate Capital, một đơn vị cho vay lớn của ngành công nghiệp tiền điện tử, cho biết vào ngày 8/3 rằng họ sẽ ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý ngân hàng Silvergate của mình. Ngân hàng Silicon Valley đã sụp đổ vào ngày 10/3 trước làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi lên tới hơn 42 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Động thái này diễn ra sau tuyên bố của ngân hàng Silvergate vào 2 ngày trước đó rằng họ cần huy động 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối tài chính. Ngân hàng ủng hộ tiền điện tử lớn thứ 2 là Signature đã bị đóng cửa vào tối 12/3, theo tờ CNBC. Quyết định đóng cửa ngân hàng trên của chính quyền New York đưa ra cùng với Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ nhằm mục đích bảo vệ nền kinh tế và củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

khủng hoảng ngân hàng Mỹ
Cú sập liên hoàng của 3 ngân hàng thân thiện với tiền điện tử nhất nước Mỹ là tổn thất rất lớn đối với ngành.

Chính phủ liên bang đã phải can thiệp vào tối ngày 12/3 để đảm bảo thanh khoản cho các yêu cầu rút tiền gửi của khách hàng SVB và Signature, cả Bitcoin và Ether tăng cao hơn gần 10% ngay sau khi đóng cửa Signature. 

Silvergate và Signature - Hai ngân hàng thân thiện nhất với tiền điện tử

Mike Brock đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội phi tập trung Damus: “Đây là hai ngân hàng thân thiện với Bitcoin nhất, hỗ trợ phần lớn thanh toán tiền pháp định cho các giao dịch Bitcoin giữa các đối tác thương mại ở Mỹ". Ông Mike Brock là Giám đốc điều hành của TBD tại Block, một đơn vị tập trung vào tiền điện tử và tài chính phi tập trung.

Vào cuối tháng 9/2022, Silvergate có khoảng 13 tỷ USD tiền gửi, hầu hết số tiền đến từ các công ty tiền điện tử. Trong số các khách hàng của nó có các sàn giao dịch tiền điện tử lớn, bao gồm cả sàn FTX đã phá sản vào tháng 11/2022. Tại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi sàn và ngân hàng Silvergate đã không có đủ tiền mặt để đáp ứng tất cả các yêu cầu rút tiền này. Vì vậy, ngân hàng đã phải bán lỗ khoảng 6 tỷ USD tài sản trong danh mục tài sản của mình và chịu lỗ khoảng 1 tỷ USD trong quý IV/2022.

khủng hoảng ngân hàng Mỹ
Silvergate là một trong hai ngân hàng thân thiện với Bitcoin nhất.

Đến cuối tháng 12/2022, tiền gửi tại ngân hàng đã giảm xuống còn 3,9 tỷ USD. Silvergate đã phải bán thêm danh mục đầu tư chứng khoán của mình vào tháng 1 và 2/2023, chịu thêm khoản lỗ mới. Đầu tháng này, ngân hàng đã đình chỉ sản phẩm chủ lực của mình, mạng trao đổi Silvergate Exchange Network (SEN). Đây là nền tảng cho phép khách hàng của mình thực hiện chuyển khoản tiền pháp định 24/7.

Sự sụp đổ của Silvergate đánh dấu lần đầu tiên một ngân hàng truyền thống phá sản sau sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử. Sự kiện là kết quả của việc quản lý rủi ro kém. Theo bà Caitlin Long, nhà sáng lập Avanti Financial Group, nếu Silvergate nắm giữ tất cả dự trữ bằng tiền mặt, thì ngân hàng vẫn có thể trụ vững. Sự sụp đổ của Silvergate có khả năng gây thêm áp lực lên các ngân hàng khác của Mỹ. Điều đó đã xảy đến với Signature khi ngân hàng đã bị đóng cửa vào tối ngày 12/3. 

Signature là nạn nhân thứ hai từ cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ. Ngân hàng có 40 chi nhánh trên khắp New York, California, Connecticut, North Carolina và Nevada. Tính đến ngày 31/12/2022, ngân hàng có tổng tài sản là 110,4 tỷ USD và tổng tiền gửi là 82,6 tỷ USD. Khoảng 30% tiền gửi của ngân hàng đến từ ngành công nghiệp tiền điện tử. 

khủng hoảng ngân hàng Mỹ
Ngân hàng Signature bị cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa vào tối 12/3.

Petr Kozyakov, nhà đồng sáng lập và CEO nền tảng cơ sở hạ tầng thanh toán toàn cầu Mercuryo cho biết: “Sự thất bại của ngân hàng có thể sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực trong dài hạn. Bên cạnh khả năng giảm vốn hóa thị trường tài sản kỹ thuật số, các sự kiện gần đây có thể sẽ làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức tài chính thân thiện với tiền điện tử, làm chậm sự phát triển của mối quan hệ giữa giới tài chính truyền thống và người chơi tiền điện tử”

Francesco Melpignano, Giám đốc điều hành của Kadena Eco, nói với TechCrunch: “Việc đóng cửa của Ngân hàng Signature tạo ra một lỗ hổng quan trọng có thể làm phức tạp thêm việc tiếp cận thị trường tiền điện tử và gây hại cho các khoản đầu tư khởi nghiệp”

Một số người trong ngành đặt câu hỏi về động cơ của các cơ quan quản lý trong việc đóng cửa ngân hàng Signature. Theo ông Dave Weisberger, CEO kiêm nhà đồng sáng lập của CoinRoutes, cho biết: “Các quyết định đóng cửa ngân hàng của cơ quan quản lý đã được thực hiện quá đột ngột. Nhiều người trong ngành cho rằng những quyết định này được thực hiện một cách có chủ đích để ngăn cản mọi người đầu tư vào tiền điện tử”.

Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược của công ty quản lý tài sản số Coinshares, cho rằng SEN và Signet là 2 nền tảng khó thay thế nhất trong ngành. Signet là nền tảng tận dụng công nghệ Blockchain, cho phép các khách hàng thương mại của ngân hàng Signature thanh toán bằng đô la Mỹ 24/7 tương tự như mạng SEN của Silvergate.

Đồng tình với tầm quan trọng của mạng SEN và Signet, cố vấn của quỹ đầu tư Castle Island Ventures Nic Carter nói: “Tính thanh khoản của Bitcoin và tiền điện tử nói chung sẽ bị suy giảm phần nào vì Signet và SEN là chìa khóa để các công ty có được tiền pháp định vào cuối tuần”

Silicon Valley - ngân hàng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp

Được thành lập vào năm 1983 tại Santa Clara, California, ngân hàng Silicon Valley (SVB) nhanh chóng trở thành ngân hàng cho lĩnh vực công nghệ. Theo tuyên bố của ngân hàng, một nửa số công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi liên doanh của Mỹ tính đến năm 2021. Ngân hàng này cũng là đối tác ngân hàng của nhiều công ty đầu tư mạo hiểm tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đó. SVB tự gọi mình là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới”

khủng hoảng ngân hàng Mỹ
Việc ngân hàng thân thiện với tiền điện tử Silicon Valley đóng cửa gây nhiều khó khăn cho các công ty tiền số.

Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm và các đối tác của họ quay cuồng, bao gồm cả các nhà tài chính truyền thống với các giao dịch tiền điện tử. Hơn 80 tỷ USD vốn hóa thị trường tiền điện tử đã "bay màu". 

Theo Vox, SVB có hơn 200 tỷ USD tài sản khi phá sản, ít hơn nhiều so với 3,31 nghìn tỷ USD của JPMorgan Chase. Tuy nhiên, SVB là ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời, đây là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong hệ thống ngân hàng nước Mỹ từ trước đến nay. SVB sẵn sàng hợp tác với các công ty khởi nghiệp công nghệ theo cách mà các ngân hàng khác có thể miễn cưỡng hơn, chẳng hạn như giúp những nhân viên đầu tiên đảm bảo các khoản vay cá nhân để mua nhà.

Vấn đề cấp bách nhất bây giờ là các công ty công nghệ, trong đó có các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiền điện tử vẫn chưa nhận được tiền cho các chi phí hoạt động như trả lương cho nhân viên. Sean Byrnes, một nhà sáng lập và nhà đầu tư khởi nghiệp, người đã tin dùng ngân hàng SVB trong nhiều năm cho biết: “Nếu bạn là một công ty mới thành lập, bạn sẽ không giống một doanh nghiệp bình thường. Hầu hết các ngân hàng, nếu bạn đến gặp họ và hỏi vay, họ sẽ cười nhạo bạn”. SVB cũng thường sẵn sàng làm việc với những người sáng lập không phải là công dân Mỹ, điều này sẽ là một trở ngại đối với các ngân hàng truyền thống hơn.

Nhà đầu tư tiền điện tử Scott Melker, hay còn được gọi là The Wolf Of All Streets (tạm dịch: “Sói Già của mọi phố”) tin rằng sự sụp đổ của 3 ngân hàng sẽ khiến các công ty về cơ bản không có lựa chọn ngân hàng nào. “Silvergate, Silicon Valley và Signature đều đóng cửa. Những người gửi tiền sẽ được thanh toán toàn bộ, nhưng về cơ bản sẽ không còn ngân hàng nào cho các công ty tiền điện tử ở Mỹ”, ông nói. 

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload