Khung pháp lý tài sản số ở Việt Nam: Bao giờ triển khai?

Khung pháp lý tài sản số đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng để quản lý, bảo vệ các ý tưởng và sự đổi mới trong tất cả các lĩnh vực.
Khung pháp lý tài sản số ở Việt Nam: Bao giờ triển khai?
avata
Cryptoday
16/05/2023
04:21
Cryptoday trênGoogle News

Khung pháp lý cho tài sản số là điều cần kíp

Tại tọa đàm “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia” hôm 12/5, ông Phan Hồng Quân, chuyên gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã đề cập đến những vấn đề đáng chú ý về Blockchain và tài sản số trong nước.

Theo ông Quân, tài sản số không chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế, mà nó còn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông đã ban hành khung pháp lý rõ ràng để quản lý tài sản số. Quản trị công nghệ kết hợp giữa tập trung (central) và phân tán (decentral) đang trở thành xu hướng mới, được gọi là Regulation Techs. Một khi tài sản số nhận được nhiều hơn sự quan tâm ở các quốc gia,  Regulation Techs sẽ trở thành xu hướng chính của thời đại.

Nhận biết rõ về tầm quan trọng của tài sản số, VBA đã có những cuộc thảo luận với các cơ quan lập pháp như Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (SBV), Bộ Tài chính,... để tìm ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành Blockchain trong nước.

Xem thêm: Vì sao 90% dự án chuyển đổi số sụp đổ?

 tọa đàm về chuyển đổi sổ quốc gia
 Tọa đàm về chuyển đổi sổ quốc gia.

Tài sản số là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam, khung hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên rủi ro là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ ai khi tham gia. Dữ liệu từ công cụ “Cổng báo cáo các dự án có dấu hiệu lừa đảo” của VBA cho thấy, 20 dự án Blockchain có dấu hiệu lừa đảo, trong số đó có 70% dự án do các lập trình viên Việt Nam phát triển. Do đó, việc ban hành các văn bản, hướng dẫn liên quan đến các vấn đề về tài sản số là điều cần thiết. 

Một số kiến nghị của đại diện VBA đối với việc này gồm:

- Ban hành một khung pháp lý chung cho tài sản số, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về quyền sở hữu tài sản số và sở hữu trí tuệ;

- Các quy định, chính sách cần xây dựng hợp lý, cởi mở và thân thiện với lĩnh vực công nghệ mới để tạo lợi thế cạnh tranh với các cường quốc, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang thay đổi từng ngày;

- Tham khảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như cách tiếp cận tài sản số của các quốc gia khác, ban hành thí điểm trong phạm vi lĩnh vực cụ thể trước khi nó được ban hành rộng rãi.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng IDS cho biết, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi số là ngành ngân hàng. Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã triển khai các ứng dụng công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), Open API, Blockchain,...

Đơn cử như 3 Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã cùng hợp tác với Công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thử nghiệm mô hình chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain.

Năm ngoái, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ra mắt AI BOT (trợ lý ảo thông minh), có khả năng tương tác với khách hàng. AI BOT này có tốc độ phản hồi khoảng 0,5 giây và hoạt động 24/7. Được biết, chỉ sau 1 tuần ra mắt, trợ lý ảo của ABC đã hỗ trợ lên đến 4.000 lượt tương tác với khách hàng mỗi ngày.

Đọc thêm: Các ngân hàng Việt ‘đua nhau’ thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain

xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện cho ngân hàng số phát triển
Xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện cho ngân hàng số phát triển.

Dù có nhiều tiến bộ trong công cuộc đổi mới với tài sản số, song khung pháp lý về lĩnh vực này tại Việt Nam chưa được chú tâm tới là điều hạn chế để phát triển công nghệ. Hiện Chính phủ đã bổ sung vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) những nội dung cần thiết cho chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng như: Thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN; Điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; Chính phủ quy định các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng,...

Điều đáng lưu tâm là ngân hàng Việt Nam chưa có ngân hàng số, chưa có dự thảo luật quy định về việc này, mặc dù nó mang lại tiện ích cho người dùng cũng như bảo mật dữ liệu. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng chưa tạo cơ hội cho các công ty công nghệ tài chính hợp tác với ngân hàng.

Do đó, ông Dương Quốc Anh kiến nghị, Chính phủ cần bổ sung những quy định về nguyên tắc chung trong dự thảo luật, quy định cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh trong hoạt động tài chính ngân hàng với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính. Song song với đó bổ sung quy định về khái niệm tiền ngân hàng số, nguyên tắc chung để Chính phủ, NHNN quy định cụ thể việc cấp phép và thành lập ngân hàng số tại Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Phương Tuấn, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội cho biết, công tác xây dựng và thực thi chính sách chuyển đổi số còn một số vướng mắc. Việc áp dụng giao dịch tiền điện tử vẫn còn khó khăn, gặp nhiều cản trở do thiếu quy định cụ thể về hành lang pháp lý, nhất là ở cấp độ văn bản luật.

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload