Giao thức cho vay Spark của MakerDAO
Tối 8/5, thông báo trên Twittter, đội ngũ MakerDAO cho biết giao thức Spark sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 9/5 và áp dụng cho tất cả người dùng DeFi (tài chính phi tập trung). Giao thức này hỗ trợ các khoản vay gồm ETH, sETH, DAI và sDAI.
Phiên bản đầu tiên của Spark Protocol là Spark Lend, thị trường cung cấp và cho vay tiền điện tử dành cho người dùng stablecoin DAI. Spark Lend cho phép người dùng tương tác trực tiếp vào nền tảng để kết nối với tính thanh khoản của MakerDAO. Dịch vụ của Spark Lend là những tài sản có thanh khoản cao, vốn hóa thị trường lớn nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dùng.

Spark Lend kết nối với D3M, một sản phẩm của MakerDAO. D3M được gọi là mô-đun gửi tiền trực tiếp giữa hệ sinh thái MakerDAO với bên thứ 3. Mô-đun này giúp dự án kiểm soát lãi suất cho DAI trong các nhóm vay (pool lending) trên Aave, trong đó mức vốn sẽ biến động tùy thuộc vào nhu cầu vay của người dùng.

Bên cạnh đó, đội ngũ MakerDAO cho biết, thông qua Spark Lend, người dùng có thể vay DAI với lãi suất hàng năm ban đầu là 1,11%, bởi thanh khoản trực tiếp từ Maker. Đơn vị này cam kết, tỷ lệ sẽ không gia tăng trong quá trình sử dụng, bất kể quy mô khoản vay là bao nhiêu.
Thông qua cơ chế Dai Saving Rate (DSR), người dùng có thể gửi stablecoin DAI trên Spark Lend để kiếm lợi nhuận. DSR hỗ trợ nhà đầu tư thu lời tự động, ổn định tỷ giá DAI cho hệ sinh thái MakerDAO.
Trong trường hợp giá DAI cao hơn 1 USD, chủ sở hữu token MRK (MakerDAO) có quyền bỏ phiếu để giảm lãi suất trong DSR và giảm nhu cầu sở hữu DAI. Còn giá DAI dưới 1 USD, người nắm giữ MRK có thể bỏ phiếu để tăng lãi suất trong DSR, tăng nhu cầu sở hữu DAI để kích cầu tăng giá. Tỷ lệ phần trăm của DSR hiện tại là 1% và nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào kết quả bỏ phiếu, theo MakerDAO.
Hoạt động nổi bật của MakerDAO trong tháng 3
MakerDao là một tổ chức tự trị phi tập trung, được thành lập vào năm 2014 bởi CEO Rune Christensen. Tổ chức này hoạt động giống như một ngân hàng, cho phép người dùng gửi tài sản thế chấp để nhận về tiền mặt.
MakerDAO phát triển stablecoin DAI, chạy trên blockchain Ethereum. Stablecoin này có tỷ lệ quy đổi 1:1 với USD Mỹ, thông qua việc khóa các tài sản tiền điện tử trong smart contract (hợp đồng thông minh). Khi người vay muốn lấy số ETH đã bị khóa này, họ sẽ phải trả lại cho DAI một khoản phí.
Vào tháng 4/2021, MakerDAO và Aave đã ra mắt D3M nhằm bổ sung hoặc rút DAI từ Aave để đảm bảo lãi suất DAI ở Aave trong khoản nhất định.
Xem thêm: MakerDAO ban hành đề xuất khẩn cấp để hạn chế rủi ro từ USDC
Trước sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ và đơn vị phát hành USDC Circle mất peg hồi tháng 3, MakerDAO đã đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro với stablecoin này. Được biết, khi đó MakerDAO nắm giữ 3,1 tỷ USD tài sản thế chấp bằng USDC trong dự án của DAI.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, cộng đồng MakerDAO đã thông qua kế hoạch Endgame, nhằm bảo vệ quyền quản trị của Maker. Endgame này cho phép những người nắm giữ token MRK tham gia quản trị thay vì độc quyền như trước.
Kế hoạch Endgame đã được vạch ra từ tháng 6/2022. Mục đích của Endgame là phân MakerDAO thành các đơn vị nhỏ hơn (MetaDAO). Những đơn vị nhỏ này vẫn nằm trong hệ sinh thái của MakerDAO, song nó sẽ là các thực thể hoạt động và có token tự quản của riêng mình.
Vai trò của Endgame giúp cho MakerDAO tăng trưởng về doanh thu, thông qua đầu tư một phần trong thanh khoản dự trữ của nền tảng vào các tài sản trong thế giới thực và quỹ thị trường tiền tệ. Endgame cũng tạo ra sự phân cấp rõ rệt trong DAI nhằm bảo vệ stablecoin khỏi sự kiểm duyệt và lệnh trừng phạt.
Đọc thêm: Cộng đồng MakerDAO chuyển hướng hoạt động với kế hoạch ‘Endgame’
Song song với đó, Endgame cũng tái thiết lập hoạt động quản trị của DAO bằng cách thành lập các nhóm mới như Ủy ban Cử tri Hiến pháp (CVC), Đại biểu Hiến pháp (CD) và Người bảo vệ Hiến pháp (CC). Cộng đồng MakerDAO cũng đã thành công trong đề xuất mua thêm 750 triệu USD trái phiếu kho bạc Mỹ, nâng tài sản của tổ chức này lên 1,25 tỷ USD.