Mua siêu xe bằng Bitcoin nhận cái kết đắng?
Một người dùng tiền điện tử mua 1 ô tô sang trọng bằng Bitcoin ở Ma-rốc hiện đang phải đối mặt với khoản tiền phạt 3,4 triệu USD cùng bản án 18 tháng tù giam. Được biết, Tòa phúc thẩm Casablanca vẫn giữ nguyên bản án của Thomas Clausi, một công dân Pháp 21 tuổi, về tội gian lận và sử dụng trái phép tiền điện tử.
Theo ông Mohamed Aghanaj, luật sư của Clausi, cho biết tòa án đã xác nhận phán quyết vào tuần trước. Ma-rốc là 1 trong những quốc gia vẫn coi việc sử dụng tiền điện tử là bất hợp pháp. Quyết định của tòa án chứng minh lập trường dứt khoát chống lại việc sử dụng tiền điện tử ở Ma-rốc.
Tìm hiểu thêm: Vì sao 400 công ty tiền điện tử ở Estonia buộc phải đóng cửa?.
Vào năm 2021, việc sử dụng Bitcoin để mua 1 chiếc siêu xe Ferrari đã khiến thanh niên người Pháp này bị bắt. Tháng 12/2021, Clausi phải vào tù với tội danh sử dụng ngoại tệ để thanh toán trong lãnh thổ Ma-rốc và lừa đảo.
Cụ thể, một phụ nữ Pháp sống ở thành phố Casablanca cáo buộc Thomas Clausi lừa đảo sau khi thanh niên này sử dụng Bitcoin để thanh toán siêu xe trị giá 437.000 USD. Theo luật sư Aghanaj, thân chủ của ông vẫn còn hơn 1 tháng ngồi tù.
Ngoài ra, Clausi cũng bị 1 công dân Ma-rốc buộc tội sử dụng 1 tấm séc giả dạng danh nghĩa của người thứ 3 để mua 3 chiếc đồng hồ xa xỉ. Tòa án đã yêu cầu khoản tiền phạt trị giá 3.900 euro. Theo cha của Clausi, chàng trai trẻ đến từ miền đông nước Pháp và đến Ma-rốc với giấc mộng thành lập một ngân hàng mới ở châu Phi.

Ngoài trường hợp của Thomas Clausi thì từ đầu năm 2023, chính quyền Ma-rốc đã dẫn độ một công dân Pháp khác sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến tội phạm mạng. Sébastien Raoult bị nghi ngờ là thành viên của nhóm tin tặc tiền số ShinyHunters. Nhóm hacker mũ đen này bị cáo buộc đánh cắp và bán dữ liệu từ nhiều công ty lớn.
Xem thêm tất cả các bài viết về chủ đề: Tin tặc tiền số.
Ma-rốc từng dẫn đầu về giao dịch Bitcoin?
Trong năm 2021, Ma-rốc được ca ngợi là quốc gia số một về giao dịch Bitcoin trên khắp Bắc Phi. Theo Triple A, công ty phân tích tiền điện tử đến từ Singapore, khoảng 900.000 người Ma-rốc, tương đương với khoảng 2,4% toàn bộ dân số, sở hữu tiền điện tử ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, Ma-rốc không có thay đổi nào về luật tiền điện tử trong những năm qua. Văn phòng Ngoại hối Ma-rốc thông báo không chấp nhận tiền điện tử với lý do đây là “hệ thống thanh toán không được hỗ trợ bởi bất kỳ tổ chức tài chính nào trên thế giới”. Mặc dù luật có hiệu lực vào năm 2017, nhưng lệnh cấm đã không cản trở việc sử dụng của những người đam mê tiền điện tử ở Ma-rốc.