Nga gần đây đã tăng thứ hạng để trở thành quốc gia có hoạt động khai thác Bitcoin lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhiều người dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục và có khả năng Mỹ sẽ bị soán ngôi trong thời gian tới. Bất chấp những lời đồn đoán, Mỹ vẫn đang phát triển những sáng kiến mới trong hoạt động khai thác tiền số. Gần đây, Mỹ ra mắt trại đào Bitcoin bằng điện hạt nhân đầu tiên.

Trong quá khứ, ngoài Mỹ, Trung Quốc từng là trung tâm khai thác tiền điện tử ưu việt của thế giới khi chiếm từ 65% đến 75% tổng tỷ lệ băm của mạng Bitcoin. Tuy nhiên vào năm 2021, trong khi lĩnh vực tiền điện tử đang phát triển, chính phủ nước này đã đóng cửa một số cơ sở khai thác lớn nhất thế giới. Các quốc gia khác đã gia nhập trào lưu khai thác tiền điện tử, trong đó có Kazakhstan. Ở thời điểm đó, các công ty khai thác tiền điện tử ở Mỹ đã tăng cường công suất để đáp ứng nhu cầu, giúp quốc gia này khẳng định vị trí dẫn đầu.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng và Mỹ có thể không duy trì được vị trí dẫn đầu. BitRiver là một công ty công nghệ của Nga vận hành các cơ sở khai thác tiền điện tử chạy bằng thủy điện. Theo báo cáo của BitRiver, công suất khai thác của Nga đạt 1 gigawatt trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2023. Con số này đưa Nga lên vị trí thứ 2 sau Mỹ.
Giám đốc điều hành BitRiver Igor Runets giải thích việc Nga leo lên top 2 trong bảng xếp hạng là do tốc độ khai thác ở Mỹ bị chậm lại. Việc này xảy ra vì 2 nguyên nhân chính là giá điện tăng và việc chính phủ Mỹ bãi bỏ các ưu đãi thuế. “Ngoài ra, phần lớn thiết bị được các công ty khai thác Mỹ mua dưới dạng tín dụng. Vì vậy, nhiều công ty sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao đang trong quá trình phá sản hoặc đã phá sản”, ông Igor nói thêm.

Trong thời gian qua, môi trường pháp lý và thuế mà các công ty khai thác tiền điện tử của Mỹ phải đối mặt đã trở nên kém thân thiện hơn đáng kể. Chính phủ Mỹ đã hủy bỏ quyền miễn trừ cho phép các cơ sở máy tính quy mô lớn và đủ điều kiện nhận được mức thuế giảm ở bang Montana. Trong ngân sách năm 2023 của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt 30%. Thuế được đánh vào chi phí cung cấp năng lượng cho các cơ sở khai thác tiền điện tử. Theo đề xuất, các công ty khai thác cũng sẽ được yêu cầu báo cáo lượng điện và các nguồn năng lượng họ sử dụng.
Vào tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ xuất bản “Sách xanh” (Greenbook). Greenbook lập luận rằng sự tăng trưởng của hoạt động khai thác tài sản kỹ thuật số có tác động tiêu cực đến môi trường và làm tăng giá năng lượng. Động thái này rõ ràng nhằm hạn chế sự phát triển của hoạt động khai thác tiền điện tử. Tài liệu cũng nhận định mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc sử dụng điện của các công ty khai thác kỹ thuật số có thể làm giảm các hoạt động khai thác cũng như tác động xấu đến môi trường.

Các nhà lập pháp liên bang Mỹ đang xem xét tăng thuế như một biện pháp kiềm chế lĩnh vực tiền điện tử. Trong khi một số bang đã thực hiện một cách tiếp cận trực tiếp hơn để ngừng khai thác tiền điện tử, hạt Buncombe ở bang North Carolina đang bàn thảo để áp dụng lệnh cấm một năm đối với tất cả các hoạt động khai thác. Nhiều người hẳn sẽ quan tâm đến lý do vì sao bang North Carolina cấm khai thác tiền số trong vòng 1 năm tới.
Điều này nhằm cung cấp cho chính quyền địa phương thời gian để viết lại các chính sách phân vùng để phù hợp với các cơ sở khai thác tiền điện tử. Thượng viện Texas mới đưa ra một dự luật điều chỉnh cách thức những người khai thác Bitcoin tương tác với lưới điện nhà nước và cách thu nhập của họ bị đánh thuế.
Trong khi đó, Nga đang tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc cạnh tranh giữa 2 quốc gia khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới. Chính phủ Nga sẽ trợ cấp cho một trung tâm khai thác 100 megawatt mới ở phía đông Siberia. Hiện đang được xây dựng bởi BitRiver, trang trại tiền điện tử mới sẽ không phải trả thuế đất hoặc thuế tài sản. Ngoài ra, trang trại sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế thu nhập và nhận được điện trợ giá ở mức 50% so với giá hiện hành.