Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu tượng cho sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo. Trung Quốc cũng không bỏ lỡ “miếng mồi béo bở” này khi liên tục ban hành và xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI, cũng như nâng cao vị thế của quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, khi nhiều nền kinh tế lớn phải vật lộn vì đối mặt với đại dịch COVID-19, tổng khối lượng sản xuất của Trung Quốc vẫn cán mốc 3,8 nghìn tỷ USD, chiếm 1/3 tổng giá trị toàn cầu. Đó là lý do tại sao cho đến hiện tại, Trung Quốc vẫn được ví với danh hiệu “công xưởng thế giới”.
Theo Kai-Fu Lee, cựu CEO Google tại Trung Quốc và là chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu nước này cho biết, đà phục hồi ấn tương của Trung Quốc sau đại dịch ở Vũ Hán nhờ sự đầu tư mạnh tay cho công nghệ AI.

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu (IDC) dự đoán rằng, ngành công nghệp AI của Trung Quốc có thể vượt mốc 26 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng ngành trí tuệ nhân tạo nước này cũng lên tới hơn 20%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Theo IDC, chi tiêu cho AI của Trung Quốc trong năm nay đạt 14,75 tỷ USD, chiếm 10% tổng chi tiêu của cả thế giới. Trong 7 năm gần đây, các công ty AI ở Bắc Kinh đã thu hút được nguồn vốn hơn 1.000 tỷ USD và ở Thượng Hải là 641 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc cũng có hơn 600.000 công ty chuyên về AI, con số này tăng gấp đôi so với 7 năm trước. Việc áp dụng AI ở Trung Quốc có tỷ lệ cao nhất là trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ và công nghệ cao khi chúng đóng góp hơn một phần ba thị phần AI. Vào năm 2021, Trung Quốc cũng chiếm gần 20% nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu về AI, thu hút 17 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo.
Theo thông tin, người Trung Quốc ứng dụng vào AI vào công việc được khảo sát lên đến 75%. Đây là mức cao nhất thế giới (theo KPMG), trong khi đó Ấn Độ vào khoảng 66% và Brazil 50%.

Trung Quốc cũng có những bước tiến dài trong việc đặt ra các quy định liên quan đến đạo đức của việc phát triển và ứng dụng AI. Mặc dù vậy, sự phát triển trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc cũng đang gặp phải rất nhiều chỉ trích và lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân, hay việc ứng dụng AI để giám sát theo các mục tiêu của nhà nước. Ngày 10/4, tờ Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) của Trung Quốc đã đăng bài viết kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường giám sát và trấn áp đầu cơ trong lĩnh vực công nghệ AI.
“Lĩnh vực liên quan đến khái niệm ChatGPT có dấu hiệu của bong bóng với nhiều công ty được định giá rất cao nhưng chẳng có mấy đột phá trong lĩnh vực công nghệ”, theo Economic Daily. Tờ báo này cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp nên phát triển công nghệ còn các nhà đầu tư nên hạn chế đầu cơ.
Ngay sau bài báo, giá cổ phiếu AI của Trung Quốc đã bị bán tháo, điển hình là cổ phiếu của CloudWalk Technology Co. đã giảm tới 19% so với mức giá kỷ lục mọi thời đại. 360 Security Technology Inc. cũng giảm 10%, mức giảm sâu nhất trong 3 năm qua.
Cùng ngày, Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc cũng cảnh báo về nguy cơ rò rỉ dữ liệu khi sử dụng siêu AI ChatGPT.
"Nhân viên ngành thanh toán phải tuân thủ luật pháp và các quy tắc khi sử dụng những công cụ như ChatGPT và không nên đăng tải những thông tin mật liên quan tình hình đất nước và ngành tài chính”, cơ quan này cảnh báo.

Sự ra đời của ChatGPT, chatbot thông minh nhất hiện nay do công ty OpenAI của Mỹ phát triển đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ người dùng. Các ông lớn công nghệ của Trung Quốc cũng thi nhau ra mắt các dự án nhằm cạnh tranh với đối thủ ChatGPT. Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng công bố “ChatGPT phiên bản Trung Quốc” có tên Tongyi Qianwen vào hôm 7/4. Theo SCMP, Tongyi Qianwen được mô tả là "trợ lý năng suất và giúp tạo ý tưởng, dành riêng cho các mệnh lệnh của con người, thông qua mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)". AI này có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, tạo bài viết chi tiết, thậm chí lập trình.
Trước đó, “gã khổng lồ” tìm kiếm Baidu cũng phát triển chatbot Ernie Bot để cạnh tranh với ChatGPT. Tuy nhiên siêu AI này không hoạt động như kỳ vọng, khiến cổ phiếu của công ty bị sụt giảm đáng kể.
Mặc dù thu hút được 1 triệu người dùng chỉ sau 1 tuần phát hành và đạt 100 triệu người dùng sau 3 tháng ra mắt, tuy nhiên ChatGPT lại bị cấm ở Trung Quốc. Theo China Daily, chính phủ nước này đã cấm tất cả các công ty công nghệ trong nước cung cấp ChatGPT hoặc dịch vụ liên quan thông qua nền tảng của họ. Trung Quốc lo ngại chatbot này có thể hỗ trợ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch vì lợi ích địa chính trị.