Valeria Balashova, một phụ nữ 28 tuổi đến từ thành phố Odessa, miền nam Ukraine, đã trốn sang Bucharest vào tháng 3 năm ngoái để thoát khỏi cuộc xung đột chính trị. Sau đó, cô được giới thiệu đến một chương trình thực tế ảo nhằm hỗ trợ những người dân Ukraine bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột và đangtrải qua ngày tháng khó khăn giống cô.
Chương trình được thiết kế bao gồm một pháo đài và những bức tường trang trí công phu. Ở giữa quảng trường là một khu vực hình tròn sẫm màu, bao quanh bởi những chiếc ghế dài màu xanh lam, loại mà bạn có thể thấy trong văn phòng của nhà trị liệu. Những người Ukraine dù đã di cư sang nước ngoài hay vẫn ở trong nước có thể gặp nhau trong vũ trụ ảo, chia sẻ những câu chuyện cá nhân và nói chuyện với bác sĩ tâm lý.
“Tôi chuyển đến Romania với 2 cô con gái của mình. Chúng tôi phải đối mặt với vấn đề rào cản ngôn ngữ. Mọi thứ thật khó khăn”, một người phụ nữ với hình đại diện có mái tóc hồng tâm sự.
Một người khác chia sẻ về những khó khăn trong việc thích nghi với hệ thống giao thông công cộng ở Bucharest.

Tiến sĩ Cezar Giosan, nhà tâm lý học người Romania ở Thành phố New York, người đã giúp thiết kế nhóm hỗ trợ nền tảng ảo,này cho biết: “Những người mắc PTSD đôi khi phản ứng tiêu cực khi người khác đề cập đến một sự kiện đau thương mà họ đã trải qua. Họ có thể bị hoảng loạn trong buổi nói chuyện và chúng tôi không muốn điều đó. Tốt hơn là để những người tham gia bắt đầu chậm rãi, thảo luận về những nỗi thất vọng hàng ngày, trước khi tìm hiểu sâu hơn về những tổn thương mà họ đã trải qua”.
PTSD hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương là tập hợp phản ứng xuất hiện ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau buồn đe dọa tính mạng, sự an toàn của họ hoặc những người xung quanh.
Một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên Tạp chí Châu Âu về chấn thương tâm lý đã đánh giá 194 người trưởng thành mắc PTSD ở Anh và phát hiện ra rằng gần một nửa (41,2%) bị ảnh hưởng bởi “sự kỳ thị bản thân”, mà các tác giả của nghiên cứu định nghĩa là “sự tiếp thu của quan điểm xã hội tiêu cực và khuôn mẫu.”
“Khi xuất hiện với hình ảnh đại diện, mọi người thoải mái hơn khi nói về nỗi đau mà họ đã trải qua và đó trở thành bước đầu tiên để chữa lành vết thương”, Tiến sĩ Cezar Giosan cho biết.

Trước đó, trẻ em Ukraine nhận biết bom mìn bằng Metaverse. Charles Valentine, một người lính trong Lực lượng Xử lý Vật liệu nổ (EOD), đã viết bài báo kêu gọi sự giúp đỡ trong việc xác định và thu dọn kho vũ khí của đất nước: “Khoảng 30% số đạn bắn không nổ và vẫn nằm trong nước, gây nguy hiểm cho người dân”. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, anh biết đến Fectar, một ứng dụng thực tế ảo của Hà Lan và lên kế hoạch xây dựng những bài học 3D về nhận biết bom mìn cho trẻ em. Trong bài học trẻ em biết được quả mìn trông như thế nào ngoài đời thực và việc nhặt mìn là rất nguy hiểm. Chỉ với vài cú nhấp chuột, học sinh có thể gặp gỡ giáo viên kỹ thuật số của lớp học và lắng nghe giải thích về sự khác nhau của các chất nổ. Những trẻ em tham gia lớp học tỏ ra vô cùng thích thú với bài học và bắt đầu khám phá những loại mìn khác nhau cũng như sự nguy hiểm và cách tránh chúng ngoài đời thực.
Theo chính phủ Ukraine, 80.000 km2 của đất nước này đã bị ô nhiễm bởi những loại vũ khí nguy hiểm này. Eugène Kuipers, Giám đốc điều hành của Fectar cho biết rất khó để phát triển một chương trình giáo dục về chất nổ: “Không có một giáo trình đầy đủ nào về lĩnh vực này đồng thời việc để trẻ em đối diện trực tiếp với bom mìn là quá nguy hiểm”.