Những thiếu sót trong quy định tiền điện tử của EU

Dù đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua vào ngày 20/4, tuy nhiên, quy định “Các thị trường trong lĩnh vực tài sản tiền điện tử” (MiCA) vẫn chưa hoàn chỉnh và còn tồn tại một số vấn đề quan ngoại.
Những thiếu sót trong quy định tiền điện tử của EU
avata
Cryptoday
15/05/2023
02:24
Cryptoday trênGoogle News

MiCA là gì? 

Trước khi được thông qua bởi EP và Hội đồng châu Âu (EUC), MiCA là một dự luật có chức năng định hình lại việc áp dụng tiền điện tử trên toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Được khởi xướng bởi Ngân hàng TW châu Âu (ECB) vào tháng 9/2020, MiCA đề xuất chính sách về công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Đây là một thuật ngữ để nói về kỹ thuật sao chép, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu, giao dịch giữa nhiều website, doanh nghiệp hoặc quốc gia. 

MiCA là một dự luật có chức năng định hình lại việc áp dụng tiền điện tử trên toàn bộ EU
MiCA là một dự luật có chức năng định hình lại việc áp dụng tiền điện tử trên toàn bộ EU.

Bên cạnh đó, Blockchain, công nghệ tạo nên nhiều giao thức, nền tảng tiền điện tử và NFT,... cũng dựa trên DLT. Chính vì tầm quan trọng cũng như tính phổ biến rộng rãi, rất nhiều quốc gia và khu vực trong đó có EU chú trọng phát triển và xây dựng chính sách liên quan đến DLT. 

Xem thêm: Nghị viện châu Âu thông qua dự luật MiCA

MiCA chính là một trong những bước đi quan trọng đầu tiên giúp EU đẩy nhanh việc tiếp cận với cách mạng kỹ thuật số trong ngành tài chính. Ngoài ra, khi áp dụng quy định này, EU có thể kiểm soát tốt hơn thị trường tiền điện tử vốn có nhiều biến động và rủi ro tiềm ẩn, bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời, tạo ra các chế tài phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

MiCA và những thiếu sót

Guneet Kaur là một chuyên gia có tiếng trong giới công nghệ tài chính (FinTech). Bà có 2 bằng đại học danh giá, gồm: Thạc sĩ Khoa học về công nghệ tài chính của Đại học Stirling (Vương quốc Anh) và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Guru Nanak Dev của Ấn Độ.

Thạc sĩ Khoa học về công nghệ tài chính của Đại học Stirling, Guneet Kaur.
Thạc sĩ Khoa học về công nghệ tài chính của Đại học Stirling, Guneet Kaur.

Chia sẻ với tờ Cointelegraph, Kaur cho rằng, MiCA có thể kìm hãm sự đổi mới, áp đặt một cách rập khuôn lên ngành tài chính phi tập trung (DeFi), tăng phí đăng ký và thuế dành cho sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và nền tảng DeFi. Theo bà, đáng quan ngại nhất ở MiCA là quyền riêng tư của người dùng.

Ngăn chặn sự đổi mới

Giải thích cho vấn đề này, Guneet Kaur cho rằng MiCA không xem xét đặc điểm độc đáo của hệ thống phi tập trung. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc sàn DEX và DeFi phải nộp nhiều phí hơn cho các cơ quan quản lý, từ đó, họ sẽ “ngần ngại” trong việc phát triển các kế hoạch đổi mới kinh doanh như sản phẩm hay dịch vụ,...

Kaur lấy ví dụ về Đạo luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ, Dodd - Frank có hiệu lực vào tháng 7/2010. Dodd - Frank mang lại những thay đổi quan trọng đối với quy định tài chính trong nước Mỹ sau khi cuộc Đại Suy Thoái Kinh tế xảy ra vào năm 2008. Dodd - Frank cũng khiến các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính vừa và nhỏ khó cạnh tranh với ngân hàng lớn, cũng chỉ vì yêu cầu pháp lý và chi phí tuân thủ ngày càng tăng.

MiCA có thể ngăn chặn sổ đổi mới của sàn DEX và DeFi
MiCA có thể ngăn chặn sổ đổi mới của sàn DEX và DeFi.

Giống với Dodd - Frank, MiCA có thể làm các dự án DeFi nhỏ gặp khó khăn khi tham gia thị trường tiền điện tử, cản trở sự hợp nhất của ngành. Về cơ bản, mục đích của DeFi là cung cấp một hệ thống tài chính cởi mở, không bị kiểm soát bởi bất cứ tổ chức nào và không phải đăng ký cấp phép.

Tăng chi phí tuân thủ cho các nền tảng DEX và DeFi

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì tính toàn vẹn của thị trường, quy định MiCA áp một bộ quy tắc nghiêm ngặt, nhất là chi phí khiến sàn DEX và DeFi “khó thở”. Guneet Kaur ví DEX và DeFi không khác gì tài chính truyền thống, một lĩnh vực yêu cầu và bắt buộc tuân thủ các quy định tốn kém về mặt kinh tế và thời gian.

Bà nói, các tổ chức tài chính truyền thống từ lâu đã phải chi rất nhiều tiền cho các khoản phí tuân thủ quy định, đặc biệt là những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ và các công ty bảo hiểm trả những khoản tiền lớn cho công nghệ, thêu thêm nhân viên pháp lý, chi phí dành cho quy định luật pháp,... để không vi phạm bất cứ điều luật nào như tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn ngân hàng - Basel III hay Đạo luật Dodd - Frank.

MiCA làm tăng chi phí tuân thủ cho các nền tảng DEX và DeFi
MiCA làm tăng chi phí tuân thủ cho các nền tảng DEX và DeFi.

MiCA cũng vậy. Nó có thể nâng chi phí hoạt động lên, người chơi mới sẽ khó có thể gia nhập thị trường, tạo điều kiện tốt cho người chơi lâu năm, không lo bị tân binh soán ngôi.

Quyền riêng tư

Guneet Kaur phân tích, do MiCA yêu cầu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp tiền số thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng như thông tin nhận dạng, lịch sử giao dịch,..., chính việc này sẽ ảnh hưởng hoặc có thể nói là vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Cơ quan quản lý sẽ nắm được mọi thứ về người dùng, nhà đầu tư tiền điện tử như danh tính, tài chính của họ,...

Xem thêm: Quy định về hợp đồng thông minh tại châu Âu có gì đặc biệt?

Kaur đưa ra lời khuyên, các nhà chức trách nên cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư và quyền riêng tư trong quy định MiCA. Tuy nhiên cũng không phủ nhận lợi ích từ việc chính phủ yêu cầu doanh nghiệp tiền số cung cấp dữ liệu khách hàng như giúp người dùng tránh được sự nhòm ngó của tin tặc, điều tra được các giao dịch rửa tiền và tài trợ khủng bố,...

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload