Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, Pepe ra mắt ngày 14/4 và lập đỉnh hôm 5/5 khi cán mốc 0,000004 USD, vốn hóa thị trường 1,63 tỷ USD. Sau chưa đầy một tháng, token này tăng hơn 6.000%. Theo công ty Lookonchain, năm địa chỉ lớn đã kiếm được 1,23 triệu USD khi mua 8,87 nghìn tỷ Pepe với giá thấp và bán ra khi giá tăng.
Tuy vậy, điểm chung của Meme coin là thường ăn theo sự kiện thời sự, "vòng đời" rất ngắn, giá có thể nhanh chóng đạt đỉnh rồi đột ngột lao dốc. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ của những kẻ lừa đảo.
“Meme coin đã trở thành một phần của thị trường tiền điện tử, dù chúng ta có thích hay không. Bitcoin hay Ethereum có biên độ thấp và an toàn hơn nhưng các nhà giao dịch sẽ luôn tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác như Meme coin”, James Wo - nhà sáng lập quỹ DFG cho biết.
Theo “thám tử” Blockchain, ZachXBT đã có đến 114 vụ lừa đảo meme coin và số tiền bị đánh cắp từ mỗi vụ lừa đảo sẽ được gửi đến cùng một địa chỉ chỉ trong 1 tháng rưỡi. Cụ thể, một người đã tạo ra 114 đồng coin meme lừa đảo. Sau đó đánh cắp tiền từ các nhà đầu tư và gửi về 1 địa chỉ ví là 0x739c58807B99Cb274f6FD96B10194202b8EEfB47. Số tiền bị đánh cắp từ những tin tặc này không thể thống kê hết bởi chúng đã chia nhỏ số tiền thu được và gửi về nhiều địa chỉ ví khác nhau.
Xem thêm: Meme coin: Làm cách nào để nghiên cứu 1 dự án ít rủi ro?

Ngoài ra, 114 Meme coin kể trên chỉ bao gồm những dự án có liên quan tới địa chỉ ví Coinbase đã bị ZachXBT phát hiện. Trên thực tế, kẻ chủ mưu hoàn toàn có khả năng sử dụng những sàn giao dịch tiền điện tử khác nhằm tẩu tán tài sản.
ZachXBT cũng vạch trần một kẻ lừa đảo có tên Gabriel Marques đã tung ra một Meme coin lừa đảo nhằm vào những người nắm giữ dự án Nakamigos NFT hợp pháp. Gabriel Marques đã bị phát hiện vì xăm địa chỉ ví trên lưng anh ta. Địa chỉ này được tìm thấy trong một bài đăng trên mạng xã hội, liên quan đến vụ lừa đảo Ethereum trị giá 110.000 USD bị cáo buộc.
Theo công ty bảo mật Blockchain, PeckShield chỉ trong 3 ngày, đã có ít nhất 10 vụ lừa đảo Meme coin xảy ra. các meme coin có liên quan được PeckShield nêu ra là PEPEDOGE, PEPEC, WOW, MEME, FOUR, NEWPEPE, BENZ, BMW và POP. Những tin tặc đã tạo ra token meme giả mạo, dụ dỗ các nhà đầu tư mua vào, sau đó khóa thanh khoản để đánh cắp tiền.

PeckShield cũng cảnh báo đến các nhà đầu tư về các trang Pepe meme coin trên Twitter xuất hiện ngày càng nhiều. Theo PeckShield, một trang PEPE giả mạo đã kết nối với một hợp đồng lừa đảo và thường tuyên bố cung cấp phần thưởng cho các nhà đầu tư.
Các nhóm Telegram của Pepe meme coin cũng thường xuyên xuất hiện những bình luận về một tài khoản giả mạo nhằm lôi kéo người dùng đến những trang web PEPE lừa đảo này. Đội ngũ dự án PEPE đã thường xuyên cảnh báo đến người dùng về những trang web giả mạo và những đợt airdrop đáng ngờ.
Mới đây, một video tạo ra Meme coin đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Twitter. Video chia sẻ về cách tạo và triển khai một Meme coin có tên Easy_Money chỉ mất 27 giây đã nhanh chóng thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Tuy nhiên, việc tạo ra một Meme coin chỉ trong thời gian ngắn như vậy khiến cộng đồng đặt ra nhiều câu hỏi, đã số lo ngại rằng số lượng các trường hợp fraud sẽ tăng lên. Nhiều bên liên quan trong cộng đồng tiền điện tử tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự lan rộng của các Meme coin và cuối cùng sẽ trở thành các “rug pull”.
Xem thêm: Video tạo Meme coin trong 27 giây gây bão trên Twitter