Thương vụ mua lại Voyager Digital trị giá 1 tỷ USD của sàn Binance đang rơi vào bế tắc. Ngày 27/3, một thẩm phán liên bang đã tạm thời hủy bỏ thương vụ sau yêu cầu tạm dừng khẩn cấp của chính phủ Mỹ. Được biết, chính phủ Mỹ đang có kế hoạch can thiệp và cản trở thương vụ này diễn ra. Thẩm phán Jennifer Rearden đã thông qua yêu cầu tạm dừng khẩn cấp được của chính phủ Mỹ vào ngày 27/3. Quyết định này có nghĩa là thương vụ tiềm năng giữa Binance.US và Voyager Digital sẽ bị trì hoãn cho đến khi có ít nhất một giải pháp mới được đưa ra đối với yêu cầu từ Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ).
Vào ngày 17/3, DOJ đã nộp đơn khẩn cấp tạm hoãn thương vụ Binance mua lại Voyager Digital. Kiến nghị của DOJ đã bị Voyager Digital phản đối vào ngày 20/3. Chỉ 1 ngày sau đó, DOJ đưa ra phản hồi tiếp cho quỹ đầu tư Voyager Digital. Trong phán quyết mới nhất, thẩm phán Rearden nhận định: “Sau khi tòa án xem xét các đệ trình văn bản của các bên liên quan, cũng như các hội nghị và tranh luận được tổ chức về thương vụ này, kiến nghị tạm dừng khẩn cấp của Chính phủ được chấp nhận”.
Trong thời gian tới, thẩm phán liên bang sẽ đưa ra ý kiến giải thích cụ thể hơn về quyết định này. Vào ngày 5/7/2022, Voyager Digital nộp đơn xin phá sản theo Chương 11. Sau đó, quỹ đầu tư đã phá sản trực tiếp điều phối quy trình phân phối lại tài sản. Vào ngày 7/3, thẩm phán Wiles phê duyệt thương vụ Binance.US mua lại Voyager Digital. Việc phát hành token phá sản cho những khách hàng bị ảnh hưởng là một phần của sự chấp thuận.
Tuy nhiên, các nhà quản lý Mỹ đã thực hiện nhiều nỗ lực để ngăn chặn thương vụ này. Ngoài DOJ, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã lập luận trong một kiến nghị vào ngày 15/3 rằng kế hoạch mua lại Voyager Digital sẽ dẫn đến trộm cắp, gian lận hoặc trốn thuế. Tuy nhiên, tuyên bố của SEC sau đó đã bị Thẩm phán Michael Wiles bác bỏ. Trong một bài đăng trên Twitter ngày 27/3, Ủy ban quản lý của Voyager Digital “sẽ tiếp tục phản đối mạnh mẽ các nỗ lực của chính phủ Mỹ”.
Một số ý kiến cho rằng Voyager Digital tỏ ra bất mãn trước việc SEC ngăn cản công ty “bán mình” cho sàn Binance. Thương vụ mua lại Voyager trị giá 1,02 tỷ USD của Binance.US là phương án nhiều triển vọng nhất giúp quỹ đầu tư này tái cấu trúc. Tuy nhiên, SEC đã phản đối thương vụ này với lý do VGX, đồng tiền điện tử do Voyager Digital phát hành, thực chất là một dạng chứng khoán.
Vào ngày 22/2, một hồ sơ gửi tòa án của SEC tuyên bố thương vụ mua lại Voyager Digital của sàn Binance.US có thể vi phạm luật chứng khoán. Vào ngày 24/2, CEO của công ty Circle là Jeremy Allaire đã cho rằng SEC không đủ khả năng quản lý thị trường tiền điện tử. Cùng ngày, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) bắt đầu điều tra Voyager Digital vì “tiếp thị lừa đảo và không công bằng về tiền điện tử cho công chúng”.

Đầu tháng 2/2023, Voyager Digital từ chối trả nợ Alameda Research, quỹ đầu tư của cựu CEO sàn FTX Sam Bankman-Fried. Khoản vay của Voyager Digital có giá trị 446 triệu USD. Vào tháng 12/2022, Binance.US tiết lộ thương vụ mua tài sản tài sản của Voyager Digital trị giá 1,02 tỷ USD. Giá thầu của Binance.US phù hợp với khả năng giải ngân của Voyager Digital và nhằm mục đích đền bù tài sản tiền điện tử cho khách hàng.
Ở thời điểm đó, đã có rất nhiều phản hồi phản đối đề xuất của Binance. Theo hồ sơ tòa án ngày 24/2, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Ngân hàng bang Texas phản đối thương vụ được đề xuất. Cơ quan này tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc không đủ chi tiết cho các chủ nợ. Theo đó, các chủ nợ chỉ có thể nhận được 24% đến 26% số tiền đền bù thay vì con số 51% mà họ đáng lẽ nhận được theo luật phá sản Chương 7.
Có đến 97% chủ nợ của Voyager Digital muốn sàn giao dịch tiền điện tử Binance.US mua lại tài sản của quỹ đầu tư đã phá sản này. Công ty quản lý tài sản Stretto đã tiến hành khảo sát thăm dò ý kiến đối với 61.300 chủ tài khoản của Voyager Digital. 59.183 chủ tài khoản đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch tái cấu trúc Binance.US và 2.117 người phản đối.

Có tin đồn cho rằng Voyager Digital đã âm thầm chuyển lượng lớn tài sản số lên sàn giao dịch Coinbase để bán qua tiền mặt. Chỉ trong 3 ngày từ 24 đến 26/2, quỹ đầu tư này đã thu về tối thiểu 100 triệu USD dưới dạng stablecoin USDC. Bất chấp những phản đối từ cộng đồng đầu tư, Voyager Digital đã bắt đầu chuyển khoản từ ngày 14/2 và tiếp tục tới hiện tại. Phía đơn vị giải quyết phá sản cho biết Voyager Digital vẫn không có bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào.
Theo nền tảng phân tích biến động thị trường Lookonchain, đội ngũ điều hành Voyager Digital đã chuyển nhiều đồng tiền điện tử khác nhau lên sàn Coinbase, bao gồm: Axie Infinity (AXS), ChainLink (LINK), Ethereum (ETH) hay Shiba Inu (SHIB)… Sau quá trình bán tháo, Voyager Digital vẫn nắm giữ 530 triệu USD giá trị tài sản số. Nhiều người đầu tư đã yêu cầu đội ngũ điều hành Voyager dùng lượng tiền còn lại này để đền bù cho khách hàng. Tính đến tháng 2/2023, vẫn còn khoảng 100.000 chủ nợ đang chờ để nhận tiền hoàn trả từ quỹ đầu tư đã phá sản này.