Sàn Coinbase đang cho thấy mình mới thực sự là “trùm cuối” của thị trường tiền điện tử. Sau khi Binance của Changpeng Zhao bị SEC “sờ gáy”, Coinbase cũng không còn được an toàn như trước. Sàn này bắt buộc phải mở đường thoát cho chính mình cũng như thị trường tiền điện tử.
Người đứng đầu Coinbase, Brian Armstrong, đã phát động chiến dịch #Crypto435 với mục tiêu kêu gọi nới lỏng quy định được cho là bất hợp lý và bất công của chính quyền Mỹ, đặc biệt là những hành động “ngẫu hứng” của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đối với thị trường tiền điện tử non trẻ.

Hôm 5/4, Coinbase tiếp tục ra mặt chống đối chính quyền Mỹ. Cụ thể, sàn này đã hậu thuẫn cho 6 cá nhân yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ hủy bỏ lệnh cấm với máy trộn Tornado Cash. Lệnh cấm Tornado Cash của chính quyền Mỹ được ban ra vào tháng 8/2022 với lý do tiếp tay cho hacker đến từ Triều Tiên rửa tiền hàng tỷ USD thông qua tiền điện tử ẩn danh trên ứng dụng này.
Kiến nghị được 6 cá nhân đệ trình vào ngày 5/4/2023 tại Tòa án Quận Texas và chuyển đến Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Mỹ để giải quyết hai tội danh đầu tiên từ đơn khiếu nại ban đầu được đệ trình vào tháng 9/2022. Nếu được chấp thuận, thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết về một số vấn đề thực tế trong khi để các vấn đề khác chờ xét xử.
Các thẩm phán thừa nhận OFAC đã vượt quá quyền hạn theo luật định theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và vi phạm điều khoản tự do ngôn luận trong Bản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp Mỹ.
Trước tiên, các nguyên đơn tuyên bố rằng OFAC đã vi phạm một phần của IEEPA cho phép Bộ Tài chính thực hiện hành động chống lại tài sản mà một quốc gia nước ngoài hoặc công dân nước ngoài có lợi ích cho nước Mỹ. Kiến nghị lập luận rằng vì điều khoản chỉ cho phép theo đuổi hành động liên quan đến tài sản chống lại một “công dân” hoặc “người nước ngoài”, không đề cập đến các phần mềm nguồn mở hoặc ứng dụng liên quan nên nó không thể được áp dụng đối với Tornado Cash.
Để củng cố lập luận, nhóm người này đã trình bày lý do vì sao không thể xem 20 hợp đồng thông minh cung cấp chức năng cho Tornado Cash là tài sản khi đối chiếu với IEEPA: “Một hợp đồng thông minh bất biến không có khả năng sở hữu, nó không phải là tài sản và Bộ Tài chính không có thẩm quyền (nếu đối chiếu) theo IEEPA và Đạo luật Triều Tiên để ngăn chặn giao dịch với các hợp đồng thông minh đó”, tuyên bố trong văn bản của nguyên đơn cho biết. Sáu nguyên đơn cũng thông tin thêm rằng không ai có thể thay đổi hoặc xóa những hợp đồng ấy.
Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế là đạo luật được Jonathan B. Bingham đề xuất tại Hạ viện vào ngày 13/6/1977 với tên là H.R.7738 và được tổng thống Jimmy Carter ký ban hành thành Luật vào ngày 28/12/1977. Đạo luật cho phép tổng thống chỉnh đốn nền thương mại sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, để ứng phó bất kỳ mối đe dọa đặc biệt và bất thường nào đối với Mỹ có nguồn gốc từ nước ngoài. Các biện pháp chỉnh đốn thương mại mà tổng thống Mỹ được phép thực hiện bao gồm ngăn chặn hoặc hủy bỏ một thương vụ thâu tóm tài sản ở Mỹ.
Các nguyên đơn cũng đưa ra lập luận thứ 2 rằng OFAC đang đi ngược lại điều khoản tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ vì cấm mã nguồn mở. Các nguyên đơn lưu ý rằng OFAC có thẩm quyền thực hiện hành động chống lại “những tên trộm tiền điện tử” như nhóm hacker Lazarus của Triều Tiên nhưng “việc cấm hoàn toàn nền tảng là hoàn toàn không tương xứng”, vì hoạt động rửa tiền chỉ chiếm 0,05% giao dịch tiền điện tử vào năm 2021.

Các nguyên đơn có 1 lập luận rất hay trong đơn đệ trình. Cụ thể, họ so sánh việc OFAC cấm sử dụng Tornado Cash giống với việc cấm báo giấy vì có thể người dùng có thể xuất bản cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Hàm ý của những nguyên đơn là sự việc xảy ra chỉ ở phần nhỏ, không nên đánh đồng tất cả.
Nguyên nhân hiện nay mà 6 cá nhân kể trên làm thế là vì bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng Internet của công dân Mỹ. Ở Mỹ, việc con người có những quyền riêng tư và tự do đã được liệt kê trong Hiến pháp và các đạo luật tương tự.
Người đứng đầu Tornado Cash, Alexey Pertsev đã bị bắt ở Hà Lan vào năm 2022 vì cáo buộc rửa tiền. Từ đó đến nay, các hoạt động của Tornado Cash vẫn diễn ra bình thường và thậm chí chứng kiến mức tăng vọt bất chấp lệnh cấm của chính quyền Mỹ.
Sáu nguyên đơn đứng sau việc nộp đơn là Joseph Van Loon, Tyler Almeida, Alexander Fisher, Preston Van Loon, Kevin Vitale và Nate Welch. Các cá nhân trong nhóm này đã từng có quan hệ qua lại với máy trộn Tornado Cash. Do đó, chưa thể biết trước được tình hình sẽ xử lý ra sao nhưng đối với Coinbase, việc cứu Tornado Cash sẽ đồng nghĩa với việc cứu thị trường tiền điện tử vì thị trường này luôn đề cao tính riêng tư và phi tập trung.