Three Arrows Capital (3AC), quỹ đầu tư đứng top thị trường tài sản số từng công bố phá sản vào tháng 6/2022, không lâu sau sự kiện khủng hoảng LUNA. Su Zhu và Kyle Davies, hai cựu CEO 3AC hiện đang lẩn trốn nhằm tránh quá trình điều tra của cơ quan chức năng.

Đầu tháng 4, Su Zhu thừa nhận sẽ triển khai dự án mới có tên OPNX (Open Exchange), một sàn giao dịch tài sản số. Tin tức này nhanh chóng nhận về vô số lời chỉ trích từ cộng đồng đầu tư. Giới chuyên gia đánh giá, đây chỉ là một màn “tẩy trắng” của 2 cựu CEO 3AC. Đồng thời, nhiều người cho rằng những đơn vị rót vốn cho sàn OPNX đang gián tiếp ủng hộ kẻ lừa đảo. Trên thực tế, Su Zhu chưa phải chịu bất cứ hình phạt nào sau những gì xảy ra với quỹ 3AC, anh cũng từ chối trả lời các câu hỏi về việc đền bù cho nạn nhân của vụ khủng hoảng.
Xem thêm tại đây: Sàn OPNX hoạt động: Màn 'tẩy trắng' thành công của những nhà sáng lập 3AC
Tuy nhiên, mới đây, đội ngũ OPNX bất ngờ tiết lộ toàn bộ danh tính các tổ chức đã đầu tư tiền vào nền tảng. Cụ thể, những cái tên này bao gồm: quỹ đầu tư mạo hiểm AppWorks (trụ sở tại Đài Loan), công ty dịch vụ tài chính Susquehanna, chi nhánh VC (đầu tư mạo hiểm) của công ty DRW, sàn giao dịch quyền chọn cổ phiếu MIAX Group, chi nhánh HongKong của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, quỹ HongKong Token Bay Capital, Nascent, quỹ Tuwaiq Limited của Ả Rập Xê Út.

“Những đơn vị này không chỉ cung cấp vốn mà còn đóng góp nhiều phản hồi tích cực giúp chúng tôi hoàn thiện tầm nhìn, dịch vụ sản phẩm và khung pháp lý. Chúng tôi không thể xây dựng sàn OPNX nếu không có những người ủng hộ mạnh mẽ như vậy. Chính cam kết của họ trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp tiền điện tử đã tạo nên OPNX”, đại điện sàn OPNX chia sẻ trên trang Twitter chính thức.
Mặc dù vậy, ngay sau thời điểm OPNX công bố danh sách nhà đầu tư, liên tiếp ba đơn vị là DRW, Susquahanna và Nascent lên tiếng phủ nhận mối quan hệ với sàn. Họ cho biết chưa từng hợp tác cùng OPNX. Về phía Nascent, họ có mua FLEX (đồng tiền điện tử do Coinflex phát hành và là token gốc của OPNX), nhưng không phải để góp vốn cho sàn.

“DRW không phải nhà đầu tư của sàn giao dịch OPNX hay có bất cứ thương vụ nào với sàn”, đại diện DRW nhấn mạnh.
Theo đại diện sàn OPNX, họ cảm thấy thất vọng vì thái độ của các đối tác: “Thật xấu hổ khi họ vừa muốn kiếm lợi ích từ OPNX, đồng thời rũ bỏ quan hệ để tránh chỉ trích từ cộng đồng”.
Trước đó, sàn OPNX tuyên bố huy động thành công 25 triệu USD tiền vốn và chính thức đi vào hoạt động trong đầu tháng 4. Tuy nhiên, thống kê hôm 6/4 cho thấy nền tảng chỉ thu hút được vỏn vẹn 13,4 USD khối lượng giao dịch, bao gồm cả giao dịch Spot và phái sinh trong ngày đầu tiên. Đây được coi là thất bại toàn diện của OPNX.
Không chỉ vậy, kênh truyền thông chính thức thuộc mạng xã hội Twitter của OPNX cũng bị tỷ phú Elon Musk xóa sổ. Hiện đội ngũ điều hành OPNX phải chuyển sang hoạt động trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Đến 23/4, tương tác của cộng đồng trong trang chủ OPNX vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, đại diện sàn khẳng định họ vẫn lạc quan về tương lai. Su Zhu, nhân vật chính trong vụ việc chưa có thêm nhận xét nào về sản phẩm sàn giao dịch của mình.