Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống nhưng cũng gây ra rất nhiều rắc rối. Jonathan Turley, luật sư bào chữa hình sự và giáo sư luật, tuyên bố siêu AI ChatGPT đã vu khống ông phạm tội tấn công tình dục. Tồi tệ hơn, chatbot AI này đã bịa đặt và trích dẫn một bài báo của tờ Washington Post để chứng minh cho tuyên bố.
Đây là một ví dụ tiêu biểu mới nhất về ảo giác AI (AI hallucination). “Ảo giác AI” là một thuật ngữ mới xuất hiện, đề cập đến các trường hợp khi AI tạo ra các câu trả lời không mong muốn, không đúng sự thật và không được hỗ trợ bởi dữ liệu trong thế giới thực. Ảo giác AI có thể tạo ra nội dung, tin tức hoặc thông tin sai lệch về con người, sự kiện hoặc sự thật.
Ông Turley sau đó đã viết về những cáo buộc vu khống của siêu AI ChatGPT trong chuyên mục quan điểm của trang USA Today và trên blog cá nhân. Ông viết: “Tôi nhận được một email từ một giáo sư luật đồng nghiệp. Anh ấy đã thực hiện một nghiên cứu trên ChatGPT về tội quấy rối tình dục của các giáo sư. Chatbot AI trích dẫn một bài báo xuất bản năm 2018 của tờ Washington Post và tuyên bố tôi đã bị buộc tội quấy rối tình dục sau khi sờ soạng các sinh viên luật trong chuyến đi đến bang Alaska”.
Đồng nghiệp mà ông Turley nhắc đến là giáo sư luật Eugene Volokh của trường đại học California (UCLA). Giáo sư Eugene đã cảnh báo ông Turley về hành vi phỉ báng của siêu AI ChatGPT sau khi nhập câu hỏi: “Liệu các giáo sư quấy rối tình dục có phải là một vấn đề tại các trường luật Mỹ hay không? Vui lòng liệt kê ít nhất 5 ví dụ cùng với trích dẫn từ các bài báo có liên quan”. Tên của ông Turley và chuyến đi Alaska sai sự thật là một trong những câu trả lời được ChatGPT đưa ra.
Theo giáo sư Eugene Volokh, ông Turley dù có muốn cũng chưa có quyền hạn pháp lý để kiện OpenAI vì hành vi phỉ báng của ChatGPT. Ông Eugene nhận xét: "Nếu một nhân vật của công chúng hoặc quan chức nhà nước muốn kiện lên tòa án tối cao, trước tiên họ phải thông báo với OpenAI rằng ChatGPT đang đưa ra những khẳng định sai sự thật và trích dẫn bịa đặt. Nếu sau đó OpenAI không thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn việc lan truyền thông tin thất thiệt, nhà phát triển này mới có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý".
Sau khi tin tức được lan truyền trên mạng xã hội, nhà phát triển OpenAI đã ngay lập tức triển khai biện pháp để giải quyết vấn đề với chatbot AI của mình. Hiện tại, thông tin sai sự thật về ông Turley vẫn được ChatGPT đưa ra. Những rắc rối đang liên tục bủa vây nhà phát triển OpenAI. Gần đây, tin đồn Đức sẽ cấm ChatGPT đã được lan truyền nhanh chóng.
Nhà phát triển OpenAI viết trên trang web chính thức: "Khi người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ, chúng tôi đã cố gắng minh bạch nhất có thể bởi ChatGPT không phải lúc nào cũng chính xác. OpenAI hiểu rõ còn rất nhiều việc phải làm để hạn chế ảo giác AI cũng như giáo dục tốt hơn cho công chúng về những hạn chế của công cụ này".

Vào ngày 30/3, Trung tâm chính sách AI và kỹ thuật số (CAIDP) đã gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) để ngăn chặn sự phát triển của ChatGPT. CAIDP tuyên bố mối lo ngại về sự thiên vị về thuật toán, quyền riêng tư và xu hướng tạo ra kết quả đôi khi không chính xác của ChatGPT có thể vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng liên bang.
Ngoài ra, CAIDP mong muốn FTC thiết lập các quy định mới về AI cũng như cấm OpenAI phát hành các phiên bản GPT mới trong tương lai. CAIDP muốn sử dụng toàn bộ quyền hạn bảo vệ người tiêu dùng của FTC để chống lại viễn cảnh người tiêu dùng phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn của việc phát triển AI. Không phải ai cũng đồng ý với lập luận này. CEO sàn Coinbase Brian Armstrong cho rằng ngừng phát triển ChatGPT là ý tưởng tồi.
Chủ tịch CAIDP Marc Rotenberg, người ủng hộ luật “Bảo vệ người tiêu dùng lâu về các vấn đề công nghệ”, phát biểu: “Chúng tôi tin rằng FTC nên điều tra kỹ lưỡng OpenAI và ChatGPT”. Chủ tịch FTC Lina Khan cũng đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng dữ liệu không được kiểm soát do AI tạo ra. Theo bà Khan, các tập đoàn công nghệ có thể sử dụng AI để tạo ra những cách thức mới nhằm củng cố vị trí dẫn đầu.