Cập nhật ngày 9/5: Đại diện DEUS Finance tuyên bố thu hồi thành công khoảng 80% tài sản.
Cụ thể, có 5,5 triệu USD giá trị tiền điện tử trong số 7 triệu USD bị đánh cắp hôm 6/5 được lấy lại. (Theo thống báo ngay sau vụ hack, DEUS Finance chỉ tổn thất 6,3 triệu USD).
5,5 triệu USD này bao gồm:
- 2.023 ETH thu hồi từ ví điện tử của hacker trên mạng Arbitrum.
- 702.841 USDC thu hồi bởi các chuyên gia bảo mật của những đơn vị khác, trong đó có Year Finance.
- 1.070.127 stablecoin DAI thu hồi bởi MEV bot trên mạng lưới BSC.
Hiện tại, những khách hàng còn mắc kẹt tiền trên DEUS Finance gồm có: người giao dịch các cặp thanh khoản liên quan tới stablecoin DEI, người dùng cầu nối liên chuỗi, người nắm giữ DEI ở các Blockchain, người giao dịch chênh lệch giá DEI ngay sau vụ hack.
Đội ngũ DEUS Finance cam kết đền bù cho những cá nhân này sớm nhất có thể.

Cập nhật ngày 8/5: Đại diện DEUS Finance cho biết địa chỉ ví “0x189cf534de3097c08b6beaf6eb2b9179dab122d1” của tin tặc đã hoàn trả 2.023 ETH (khoảng 3,72 triệu USD). Lượng tài sản này có giá trị xấp xỉ 60% số tiền đã bị đánh cắp hôm 6/5.

Ngoài ra, các chuyên gia đến từ một số nền tảng khác như Yearn Finance cũng giúp DEUS lấy lại tiền. Những người này cho biết đang cố gắng thực hiện các cuộc tấn công mũ trắng nhằm thu hồi bất cứ khoản tiền nào còn lại trong các cặp thanh khoản của stablecoin DEI.
Trước tin tức tích cực, stablecoin DEI đã tăng giá khoảng 17% từ 0,2 USD lên mức 0,24 USD. Đồng thời, DEUS, token chính của dự án cũng tăng 30% để cán mốc 53 USD.

Stablecoin được phát hành với tính năng duy trì mức ngang giá 1 USD. Tuy nhiên, nhiều sự cố diễn ra đã khiến stablecoin DEI của DEUS Finance có giá thấp hơn 1 USD trong suốt 1 năm qua.
Stablecoin DEI và DEUS Finance bị hack như thế nào?
Vừa qua, trang Twitter chính thức của dự án xác nhận tiếp tục bị hack thêm 6,3 triệu USD. Cụ thể, tin tặc đã xâm nhập và lấy đi 1,3 triệu USD trên mạng lưới Binance Smart Chain và 5 triệu USD trên Arbitrum.
Theo PeckShield, một lỗ hổng lập trình trong smart contract của stablecoin DEI cho phép kẻ xấu in thêm số lượng DEI lớn mà không bị kiểm soát. Nhằm hạn chế thiệt hại, đội ngũ điều hành DEUS Finance đã đình chỉ các giao dịch liên quan tới lượng tiền bị đánh cắp. Đồng thời, một số hacker mũ trắng cũng giúp DEUS Finance đốt bỏ những đồng stablecoin DEI dư thừa.

Phía DEUS Finance cam kết không theo đuổi các hành động pháp lý nếu hacker đồng ý hoàn trả tài sản. Ngoài ra, 20% lượng tiền sẽ được trả cho hacker coi như phần thưởng tìm ra lỗi.
“Sự kiện này sẽ được xem là cuộc tấn công mũ trắng nếu hacker chấp nhận trả lại tiền. Với những khách hàng cố gắng kiếm lời từ giao dịch chênh lệch giá và bị mắc kẹt sau vụ hack, chúng tôi sẽ hỗ trợ đảo ngược các giao dịch sớm nhất có thể”, đại diện DEUS Finance nói.
DEUS Finance khẳng định đang lên kế hoạch bồi thường cho những nạn nhân của vụ hack. Dự kiến, khoản đền bù được tính toán dựa trên ảnh chụp nhanh tài khoản khách hàng trước sự cố.
Vì sao stablecoin DEI không thể duy trì mức giá 1 USD?

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên nền tảng giao dịch phái sinh tiền điện tử bị tấn công. Trong 15 tháng gần nhất, tin tặc đã thực hiện 2 vụ xâm nhập DEUS Finance và lấy đi lượng tiền lần lượt 3 triệu USD và 13,4 triệu USD. Một phần lượng tiền được hacker tẩu tán thành công qua công cụ “máy trộn” Tornado Cash.
Dữ liệu ghi nhận trên CoinmarketCap cho thấy, 2 vụ hack vào giữa tháng 3 và cuối tháng 4/2022 gây tổn thất lớn về tiền những không khiến stablecoin DEI depeg mạnh. Giá DEI giảm chưa tới 10% sau khi DEUS Finance mất 3 triệu USD ngày 16/3/2022.
Xem thêm về các vụ hack tiền điện tử trong tháng 4/2023 tại đây!
Chỉ tới sau vụ khủng hoảng UST cùng sự sụp đổ của Terraforms Labs, giá DEI mới thực sự lao dốc. Đến tháng 10/2022, stablecoin DEI giảm về vùng 0,12 USD, mất hơn 88% giá trị.
Hiện tại, sau gần 1 năm, stablecoin DEI vẫn chưa thể hồi phục về mức ngang giá 1 USD. Token DEUS, đồng tiền điện tử đại diện cho dự án DEUS Finance cũng chịu chung số phận. Giá DEUS đang được giao dịch quanh vùng 40 USD, giảm 96% từ mức đỉnh 1.000 USD hồi tháng 4/2022.

Tương tự stablecoin tai tiếng UST của dự án LUNA, đồng DEI của DEUS Finance cũng là một dạng stablecoin thuật toán. DEI không được bảo chứng bằng lượng USD có thực, thay vào đó, khách hàng có thể sở hữu DEI bằng cách thế chấp các loại tài sản số khác như stablecoin USD Coin (USDC), stablecoin DAI (DAI), Fantom (FTM), Wrapped Bitcoin (WBTC) hay chính đồng DEUS.
Nhằm giúp DEI duy trì mức ngang giá 1 USD, đội ngũ phát triển đã sử dụng cơ chế cân bằng giữa phát hành và đốt đồng DEUS. Do đó, khi thị trường lao dốc và xảy ra tình trạng bán tháo mạnh, stablecoin DEI sẽ depeg. Những khách hàng từng bỏ 1 USD tài sản số để đổi lấy 1 USD giá trị DEI đều chịu thua lỗ.