Theo đó, bộ sưu tập NFT "First Store Collection" được lấy cảm hứng từ hình ảnh cửa hàng đầu tiên của Starbucks. Cửa hàng Starbuck đầu tiên do Jerry Baldwin, Zev Siegl và Gordon Bowker thành lập tại số 1912 chợ Pike Place của Seattle, Washington. Bộ sưu tập sẽ có 5.000 NFT với giá 100 USD/NFT.
Người dùng sẽ nhận được 1.500 điểm khi mua NFT và đổi phần thưởng trong nền tảng Web3 Starbucks Odyssey của dự án. Ngoài ra, Starbucks Odyssey cũng sẽ tung ra một loạt lợi ích cho người dùng Beta vào ngày 24/4.

Theo Starbucks, bộ sưu tập NFT gói trọn ký ức về hình ảnh cửa hàng đầu tiên của Starbucks qua tác phẩm NFT. "First Store Collection" đang nhận được sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư và kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành công hơn so với bộ sưu tập NFT đầu tiên của hãng.
Trước đó vào ngày 10/3, Starbucks đã ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên của mình có tên “The Siren Collection”. Bộ sưu tập gồm 2.000 NFT có giá 100 USD/NFT và đã cháy hàng chỉ sau 18 phút ra mắt. "The Siren Collection" được lấy cảm hứng từ nhân vật Siren xuất hiện trên biểu tượng của hãng Starbucks. Người dùng chỉ được mua tối đa 2 NFT và được nhận 1.500 điểm thưởng trong chương trình Starbucks Odyssey.
Tháng 9/2022, Starbucks “bắt tay” với Polygon, khởi động chương trình nhận thưởng NFT Starbucks Odyssey. Starbucks Odyssey là chương trình thưởng cho khách hàng lâu năm tại thị trường Mỹ, cho phép họ nhận và mua bán các vật phẩm sưu tầm dưới dạng NFT. Những thành viên thuộc chương trình khách hàng thân thiết Starbucks Rewards, đối tác và nhân viên của hãng cà phê tại Mỹ sẽ có cơ hội sưu tập các bộ sưu tập NFT.
Đến cuối tháng 2/2023, Odyssey đã đạt được thành công khi sử dụng NFT để khuyến khích khách hàng chi tiền. Các NFT phiên bản giới hạn hiện được bán với giá gần 2.000 USD mỗi chiếc.

Starbucks cũng thông báo hợp tác với Microsoft và công ty Intercontinental Exchange, cho phép khách hàng mua cà phê bằng Bitcoin. Trước Starbucks, Overstock, Expedia và Microsoft cũng cho phép khách hàng mua sản phẩm bằng Bitcoin.
Nhiều gã khổng lồ đồ ăn nhanh như McDonald’s, Burger King và Taco Bell cũng lấn sân vào thị trường NFT. Tháng 10/2021, McDonald's Trung Quốc đã phát hành một bộ sưu tập NFT có tên "Big Mac Rubik's Cube" nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc. Bộ sưu tập này được lấy cảm hứng từ thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng và hình dạng của tòa trụ sở mới.
McDonald's cũng cho phép người dùng thanh toán bằng Bitcoin và Tether cho tất cả chi nhánh nhà hàng của họ tại thành phố Lugano, mảnh đất điểm nóng về việc sử dụng tiền điện tử của Thụy Sĩ.
Coca-Cola cũng bắt tay sàn giao dịch Crypto.com, phát hành bộ sưu tập NFT FIFA World Cup “Piece of Magic” gồm 10.000 NFT. Trước đó “gã khổng lồ đồ uống” này cũng cho ra mắt bộ sưu tập Coca-Cola Pride NFT dành cho cộng đồng LGBT. Bộ sưu tập gồm 136 NFT nhằm mục đích tôn vinh cộng đồng LGBTQIA+ và lan tỏa thông điệp yêu thương đến họ. Coca-Cola sẽ quyên góp toàn bộ số tiền thu được từ việc bán và bán lại bộ sưu tập Coca-Cola Pride cho các tổ chức từ thiện phục vụ cộng đồng LGBTQIA +.