Nhà sáng lập của OPNX cũng phải thừa nhận, khối lượng giao dịch trong vòng 24 giờ qua chỉ đạt 13,64 USD. Trước đó, trang tin CoinDesk cho biết, OPNX chỉ đạt tổng trị giá 1,26 USD trên thị trường giao ngay và thị trường phái sinh.
Giám đốc điều hành OPNX Leslie Lamb nói với CoinDesk rằng, việc thiếu thanh khoản là do không có nhà tạo lập thị trường nội bộ cho sàn giao dịch và sàn cũng không ưu tiên cho các nhà tạo lập thị trường bên ngoài. Vị lãnh đạo này cho rằng, sẽ có một chương trình tiếp thị công khai được triển khai để thúc đẩy thanh khoản trong thời gian tới.
Chưa biết là sàn giao dịch OPNX sẽ đi đến đâu, song tài khoản của công ty này đã không còn tìm thấy trên Twitter. Một tài khoản có tên là Autism Capital, với 200.000 follower đã bình luận mỉa mai rằng, OPNX là một sàn được khởi xướng bởi những kẻ lừa đảo để giao dịch lừa đảo, thế nên mới bị Twitter đình chỉ tài khoản.

OPNX ra mắt vào ngày 4/4, có tên đầy đủ là Open Exchange, được thành lập bởi Su Zhu và Kyle Davies - những cựu giám đốc của quỹ đầu tư tiền điện tử Three Arrows Capital đã phá sản. OPNX cung cấp các giao dịch spot (tức thời), future (tương lai) cho các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin, USD Coin.
FLEX là token của OPNX, sở hữu vốn hóa thị trường là 256 triệu USD. Người dùng sở hữu FLEX sẽ được nhận mức chiết khấu 50% phí giao dịch. Trong trường hợp không được lưu hành, khoản phí này sẽ bị hủy vĩnh viễn, theo cam kết của OPNX. Người dùng ở một số quốc gia như Mỹ, Canada và châu Phi hiện chưa được OPNX chấp nhận truy cập.

Do ảnh hưởng từ vụ sụp đổ đồng TerraUSD và Luna, quỹ 3AC đã nộp đơn phá sản vào tháng 7/2022. Dữ liệu từ công ty phân tích Nansen, ước tính tài sản sở hữu của 3AC vào tháng 3/2022 là 10 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi dự án UST/LUNA đổ bể, 3AC đã lỗ mất khoảng 600 triệu USD tiền đầu tư. Cùng với đó, đồng tiền stETH trên nền tảng cho vay tiền điện tử Lido bị mất giá khiến 3AC phải bán tháo chịu lỗ khoản đặt cọc ETH của họ. Cơ quan điều tra cũng phát hiện, 3AC đã vay tài sản không thế chấp từ hàng loạt đơn vị khác, gây nên hiệu ứng dây chuyền lan rộng.
Là một trong số những chủ nợ của 3AC, nền tảng tiền điện tử Voyager phá sản sau đó ít ngày. Trong quá khứ, 3AC đã vay Voyager 675 triệu USD, bao gồm 15.250 Bitcoin và 350 triệu USDstablecoin USDC và không có khả năng chi trả.
Sau khi thông báo vỡ nợ, 2 nhà đồng sáng lập của 3AC đã lẩn trốn và thách thức pháp luật. Vào tháng 1 năm nay, khi được tòa án gửi thông báo yêu cầu hầu tòa thông qua tài khoản Twitter của Davies, ông ta không hề đưa ra phản hồi nào, cũng như không thực hiện lệnh trên.
Theo cơ quan thực thi pháp luật, hành động của 2 người này chính là cản trở điều tra và vi phạm nghĩa vụ công dân. Có thông tin cho biết, sau khi phá sản, đồng sáng lập 3AC là Su Zhu đã tìm cách bán tháo tài sản của mình. CoinDesk cũng từng tiết lộ, người này có một số tài sản xa xỉ như một biệt thự độc lập trị giá 20 triệu USD và một ngôi nhà khác trị giá gần 4,5 triệu USD ở Đại lộ Yarwood.