Tether được biết đến là công ty đứng sau USDT, stablecoin lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường. Theo báo cáo mới nhất của trang tin Bloomberg, Tether đã cho phép khách hàng gửi tiền thông qua Signet, nền tảng thanh toán của ngân hàng Signature đã sụp đổ. Hành động này cấp cho Tether quyền truy cập vào các ngân hàng Mỹ. Người dùng Tether đã được hướng dẫn gửi đô la thông qua Signet đến ngân hàng Capital Union Bank. Báo cáo đã trích dẫn “người hiểu rõ tình hình”. Người này được cho là chịu trách nhiệm cho hệ thống giao dịch khi các cơ quan quản lý nắm quyền kiểm soát Signature vào tháng 3.

Mặc dù thỏa thuận giữa Tether và Signature không phải là bất hợp pháp, nhưng nhiều người quan sát cho rằng việc không tiết lộ thông tin cho công chúng sẽ tạo ra tiền lệ cho những hoạt động rủi ro cao. Theo người phát ngôn của Tether, các ngân hàng được sử dụng bởi nhà phát hành stablecoin USDT luôn có quyền truy cập vào một số đối tác và kênh ngân hàng. Ngoài ra, các đối tác liên kết sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp với ngân hàng Signature đã sụp đổ.
Vào ngày 12/3, ngân hàng Signature đóng cửa. Bộ Dịch vụ Tài chính New York thông báo quyết định được đưa ra bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Nhà phát hành stablecoin Paxos tuyên bố vào thời điểm đó có 250 triệu USD nằm trong Signature. Trong khi đó, Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ của Tether, thông báo công ty không có bất kỳ mối liên hệ nào đối với Signature.

Vào ngày 14/3, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại ngân hàng Signature. Cựu giám đốc tài chính Stephen Wyremski, giám đốc vận hành Joseph DePaolo và giám đốc điều hành Eric Howell đã bị cáo buộc phạm tội lừa đảo. Các cổ đông đã cáo buộc Signature Bank tuyên bố sai sự thật là “có tình hình tài chính ổn định” chỉ 3 ngày trước khi bị cơ quan quản lý nhà nước tịch thu. Vụ kiện tập thể nhằm xác định những thiệt hại đối với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu từ ngày 2 đến 12/3.
Vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Brooklyn và ông Matthew Schaeffer là người đại diện cho các cổ đông. Các nguyên đơn cho rằng ngân hàng Signature đã che giấu tình hình tài chính bằng cách đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm, nhằm kiềm chế nỗi sợ hãi do những rắc rối trước đó liên quan đến ngân hàng SVB.
Theo đơn kiện, ngân hàng Signature đưa ra tuyên bố có thể “đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng”, có đủ vốn và thanh khoản để cạnh tranh với các đối thủ trong thời kỳ khó khăn cũng như có tài chính vững mạnh. Những tuyên bố này bị cáo buộc che giấu tình trạng tài chính thực sự của ngân hàng. Vụ kiện đã được đệ trình bởi công ty luật Rosen Law Firm. Vào ngày 13/3, Rosen Law Firm đã kiện SVB Financial Group (công ty mẹ của ngân hàng SVB) cũng như giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của tập đoàn này.

Tại phiên điều trần ngày 28/3 của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, chủ tịch FDIC Martin Gruenberg phát biểu Signature không quản lý rủi ro tốt. Sau sự sụp đổ của sàn FTX, một người dùng đệ đơn kiện Signature. Theo đó, ngân hàng tiền số bị cáo buộc đã hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi gian lận của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried.
Trong những tuần qua, các nhà lập pháp Mỹ đã tìm kiếm giải pháp cho sự sụp đổ của các ngân hàng tiền số Silvergate, Silicon Valley (SVB) và Signature. Hiện tại, chỉ có Silvergate chưa tìm được đơn vị tiếp quản. FDIC cho phép ngân hàng First Citizens có trụ sở tại bang Bắc Carolina mua lại tất cả các khoản vay và khoản tiền gửi của SVB. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 27/3 và tất cả những khách hàng của SVB sẽ tự động trở thành người gửi tiền của ngân hàng First Citizens.
Flagstar Bank, một chi nhánh của ngân hàng New York Community Bancorp, sẽ phụ trách tiếp quản Signature. Thỏa thuận mua lại 40 chi nhánh của Signature trị giá 2,7 tỷ USD. Ông Martin Gruenberg cho biết 4 tỷ USD tiền gửi bằng tiền điện tử có thể sẽ được trả lại cho người dùng trong tuần này.