Ngày 19/3, lịch sử 167 năm của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ, Credit Suisse (CS) đã khép lại khi được tiếp quản dưới trướng của gã khổng lồ UBS. Dưới áp lực của Chính phủ Thụy Sĩ, UBS đã mua lại CS với già vô cùng hời là 3,25 USD, thấp hơn một nửa so với vốn hóa thị trường là 8 tỷ USD vào ngày 17/3.
Đến hôm 20/3, cổ phiếu của CS giảm trầm trọng, hơn 60% tại thị trường châu Âu, trong khi cổ phiếu của UBS sụt 9%. Để bù đắp cho những tổn thất mà UBS phải gánh trên vai, Chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố sẽ cấp 10 tỷ USD. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cam kết cấp hơn 108 tỷ USD cho toàn ngành ngân hàng để tăng thanh khoản.

Tờ Neue Zürcher Zeitung đã gọi thương vụ UBS - CS là địa chấn kinh tế lớn nhất Thụy Sĩ kể từ khi nước này giải cứu UBS vào năm 2008. Việc UBS dang tay cứu lấy CS đã ngăn chặn được khủng hoảng lây lan sang các ngân hàng khác, tránh được những thảm họa sau vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ cách đây 15 năm. Chủ tịch Liên đoàn Thụy Sĩ Alain Berset lập luận rằng việc tiếp quản Credit Suisse là cần thiết không chỉ đối với Thụy Sĩ mà còn đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Thương vụ sáp nhập hàng tỷ USD diễn ra chỉ trong 1 ngày cuối tuần
Thỏa thuận này đã gây ra những phản ứng trái chiều trong chính trường Thụy Sĩ. Đảng Dân chủ Tự do Thụy Sĩ (FDP) ca ngợi nó, nói rằng việc tiếp quản là cần thiết để tránh thiệt hại nghiêm trọng cho Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính và kinh tế.
Trái ngược hoàn toàn, đồng chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sĩ, Cédric Wermuth đăng trên Twitter hôm 20/3: “Không có gì thay đổi kể từ năm 2008, không có gì cả! Toàn bộ hệ thống tài chính là một trò đùa và vô lý. Và giờ đây, một lần nữa, chính phủ có thể cứu tất cả những người luôn nói với chúng ta rằng họ là những nhà lãnh đạo kinh doanh tuyệt vời”.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Die Tageszeitung, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, Marcel Fratzscher cho biết: “Tình hình hiện tại không còn đáng lo ngại như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nó bất ngờ và đã dẫn đến tổn thất lớn”.
Nói cách khác, Marcel nghĩ rằng vấn đề ngày nay không phải là sự phụ thuộc lẫn nhau có hệ thống giữa các tổ chức tài chính hoặc việc cung cấp không đầy đủ về thanh khoản và vốn mà là chính sách tiền tệ bất thường.
Áp lực quy định có khả năng tăng lên
Trước khi trở thành đồng sáng lập nền tảng đầu tư Smart Valor của Thụy Sĩ, Olga Feldmeier từng làm giám đốc và trưởng bộ phận kinh doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản tại UBS. Cô chia sẻ với tờ Cointelegraph: “Việc UBS tiếp quản Credit Suisse đã khiến nhiều người bị sốc nặng. Ai có thể nghĩ rằng ngân hàng từng trị giá 80 tỷ USD này (Credit Suisse) lại trở thành đối tượng bị đối thủ truyền kiếp UBS mua lại với giá 3 tỷ USD?”.
Theo Feldmeier, không chỉ 50.000 nhân viên bị sốc mà những người cho vay thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, đặc biệt là người có loại trái phiếu cấp cao đặc biệt - cái gọi là vốn cấp 1 bổ sung.

Đồng sáng lập Smart Valor nhận định sẽ có hậu quả thảm khốc nếu vụ UBS thâu tóm CS không thành công. “Rốt cuộc, đâu là nơi an toàn nếu một trong 30 ngân hàng quan trọng nhất về mặt hệ thống ở Thụy Sĩ phá sản? Trong một cuộc tháo chạy ngân hàng, cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều không thể giúp được gì”, cô Feldmeier nói.
Người đứng đầu công ty công nghệ và tài chính tiền điện tử Bitcoin Suisse của Thụy Sĩ, Mauro Casellini cũng có quan điểm tương tự Olga Feldmeier. Ông cho rằng chính phủ và các cơ quan quản lý ở Thụy Sĩ đã hành động nhanh chóng để tìm ra giải pháp có tác động tiêu cực ít nhất có thể đến thị trường.

“Mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ không suôn sẻ tại Credit Suisse, nhưng rất khó để người ngoài nhìn nhận tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Còn quá sớm để nói liệu đây có phải là giải pháp phù hợp hay không nhưng quy mô tuyệt đối của 'siêu ngân hàng' mới này là rất ấn tượng và áp lực pháp lý có thể sẽ tăng lên”, Casellini nói.
Thị trường tiền số được gì, mất gì từ vụ UBS - CS
Mặt lợi
Cái gì cũng có 2 mặt của nó, khủng hoảng ngân hàng cũng vậy. Nó đã mang lại cả mặt lợi lẫn hại cho thị trường tiền điện tử. Dù kinh tế vĩ mô có đang đi theo chiều hướng tiêu cực thì thị trường tiền số vẫn có tín hiệu tốt khi UBS tiếp quản CS. Bitcoin đã đạt mức 28.671 USD vào ngày 22/3, 3 ngày sau khi CS lâm nguy và hiện đang giao dịch quanh mức 27.000 USD. Trong cùng hôm đó, ETH cũng tăng 3,9%. Còn các công ty khai thác Bitcoin được niêm yết trên sàn chứng khoán cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng lên 120%, mức cao nhất tính từ đầu năm nay.

Olga Feldmeier nhận xét đó là một bước ngoặt rất tích cực đối với các sàn tiền điện tử ở bất cứ quy mô kinh doanh nào. Feldmeier nói: “Giao dịch tăng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng đi lên, tất cả những điều này giống như một cơn gió thổi đúng chiều thúc đẩy ngành tiền số tiến về phía trước, dù nó đến hơi muộn. Điều này chứng minh rằng Bitcoin đang đi đúng hướng theo chu kỳ tăng của nó, được hứa hẹn sẽ xảy ra vào tháng 3/2024”.
Những tổn thất mà khách hàng trong các doanh nghiệp truyền thống đang phải gánh chịu, tuy là một tin buồn với họ nhưng lại có ảnh hưởng tích cực đến ngành tiền số. Đơn giản là vì họ sẽ tìm đến nơi lưu trữ tài sản an toàn hơn và tiền điện tử là lựa chọn đúng đắn nhất trong tình cảnh này.
Mặt hại
Tuy nhiên, thương vụ mua lại Credit Suisse và việc ngành ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức khác nhau trên toàn thế giới cũng có mặt tiêu cực. Các ngân hàng vẫn là đối tác quan trọng đối với các công ty tiền điện tử. Nếu các ngân hàng hoạt động không tốt, họ thậm chí sẽ ít sẵn sàng làm việc với các công ty tiền điện tử hoặc tăng phí, điều này sẽ không giúp cuộc sống của ngành công nghiệp tiền điện tử trở nên dễ dàng hơn.

Chuyên gia Mauro Casellini cho biết sự thất bại của các ngân hàng như Silvergate, Sillicon Valley và Signature, sau đó là sự sụp đổ của Credit Suisse, đã tạo ra rủi ro đáng kể cho thị trường tiền điện tử. Ông lưu ý: “Cần giải quyết các vấn đề như quy định, bảo mật và minh bạch để tạo niềm tin với các nhà đầu tư và đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của thị trường. Về lâu dài, quy định sẽ giúp ngành của chúng ta xây dựng một giải pháp thay thế thành công và phi tập trung hơn cho hệ thống tài chính truyền thống”.
Casellini cũng hy vọng sẽ gặp nhiều thách thức và rủi ro hơn trong tương lai do bối cảnh lãi suất thay đổi và các yêu cầu bổ sung đối với ngân hàng: "Sẽ rất thú vị để xem các chính phủ và đặc biệt là các ngân hàng quốc gia phản ứng như thế nào và liệu họ sẽ cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn hay để chúng phá sản".