Tài khoản Twitter của ví tiền điện tử MetaMask mới đây đã lên tiếng đính chính về tin đồn chuẩn bị mắt airdrop.
“Có khá nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh việc snapshot/airdrop,... của MetaMask vào ngày 31/3. Những tin đồn không chỉ là giả mà còn nguy hiểm, tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo. Hãy cảnh giác với những trang web giả mạo trong những ngày tới”, MetaMask cho hay.
Trước đó có tin đồn lan truyền rằng, MetaMask sẽ mở dịch vụ snapshot cho kế hoạch airdrop kể từ ngày 31/3. Người dùng đủ điều kiện nhận airdrop khi thực hiện đủ 4 giao dịch swap với tổng giá trị trên 1.000 USD.
Để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, gần đây MetaMask đã cập nhật tính năng mới dựa trên nút Infura RPC (dịch vụ hỗ trợ Web3). Theo đó, người dùng sẽ được nhắc nhở với tùy chọn sử dụng “cấu hình nâng cao” trong quá trình thiết lập. Tùy chọn này sẽ cung cấp một số cài đặt, cho phép người dùng chọn một nút RPC khác với nút Infura mặc định.

Bên cạnh đó, hộp thoại “cấu hình nâng cao” của MetaMask cho phép khách hàng tắt các giao dịch đến và phát hiện lừa đảo, đồng thời nhận mã thông báo nâng cao. Những tính năng mới này không yêu cầu gửi dữ liệu cho bên thứ 3 như Etherscan và jsDeliver (trang web tìm kiếm thông tin qua giao dịch, dữ liệu chuỗi khối) theo giao diện người dùng của ứng dụng. Người dùng có thể tắt tính năng đó nếu như họ không sử dụng đến.
Là một ví thanh toán tiền điện tử hàng đầu, MetaMask không tránh khỏi việc bị các tội phạm nhòm ngó lợi dụng để lừa đảo. Hồi tháng 2, MetaMask cảnh báo đến khách hàng thận trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ tài sản. Cụ thể, ví tiền điện tử này phát hiện một nhóm tin tặc đã giả mạo công ty đối tác của họ là Namecheap, chuyên cung cấp dịch vụ trang web cho doanh nghiệp.
Những tên tội phạm này giả danh Namecheap để gửi email đến một số người dùng MetaMask, yêu cầu họ xác nhận quyền sở hữu tiền điện tử. Để tăng lòng tin, chúng còn gửi một liên kết tiếp thị từ email của Namecheap. Một khi nạn nhân truy cập vào liên kết này, nó sẽ chuyển hướng đến một trang web của MetaMask nhân bản và thu thập dữ liệu của người dùng.

Do đó, MetaMask khuyến cáo khách hàng nên kích hoạt xác thực 2 yếu tố trên tài khoản để làm lớp bảo mật bổ sung, ngăn chặn tin tặc tấn công.
Hiện nay, người dùng MetaMask có thể mua tiền điện tử bằng thẻ ngân hàng. Được biết, “ông lớn” này đã tích hợp nền tảng thanh toánMercuryo, cho phép khách hàng mua và thanh toán bằng tiền điện tử qua thẻ ngân hàng, hoặc các phương thức Google Play, Apple Play,...
Đã có 18 loại tiền điện tử được MetaMask hỗ trợ trả bằng thẻ ngân hàng và các phương thức giao dịch khác. Ngoài ra, người dùng còn có thể tìm thấy 20 đồng tiền pháp định như USD, Euro, Bảng Anh, won Hàn Quốc và Naira Nigeria trên nền tảng. Ngoài ra, MetaMask cũng tích hợp với Onramp.money, hỗ trợ mua tiền điện tử ở Ấn Độ.
Tại Negira, việc trao đổi mua bán tiền điện tử cũng dễ dàng hơn thay vì dùng tiền mặt. Công ty mẹ của MetaMask là ConsenSys đã hợp tác với công ty thanh toán tiền số MoonPay, tích hợp tính năng mới vào Metamask mobile và Portfolio DApp. Thông qua ứng dụng, khách hàng có thể trực tiếp giao dịch tiền điện tử bằng cách chuyển khoản ngân hàng.