Mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ, Elizabeth Warren cho rằng, các ngân hàng đã làm rất tệ khi ủng hộ đồng tiền kỹ thuật số CBDC chỉ vì chính phủ “yêu thích” chúng. Tuy nhiên, bà Elizabeth Warren tin rằng, các vấn đề trong ngành ngân hàng có thể giải quyết được bằng CBDC chứ không phải Bitcoin.
Theo Thượng nghị sĩ Mỹ, CBDC là tiền tệ pháp định (fiat), tồn tại ở dạng kỹ thuật số và được phát hành bởi các ngân hàng trung ương. Còn Bitcoin là một loại tiền điện tử, không có sự quản lý, chỉ được công nhận và giao dịch trong một cộng đồng, tổ chức. Giá trị của Bitcoin là không thể đoán được, nó thay đổi nhanh chóng và có thể gây ra thiệt hại tài chính đáng kể nếu thiếu thận trọng khi đầu tư.
Bà cũng nói thêm rằng Bitcoin không được bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay ngân hàng nào hỗ trợ, ngoại trừ niềm tin vào giá trị của các nhà đầu tư. Về stablecoin, bà Elizabeth Warren cho rằng, nó có vẻ giống CBDC, nhưng bản chất chúng không giống nhau. CBDC được hỗ trợ bởi ngân hàng trung ương, còn stablecoin không được xác định chắc chắn là chúng có được hỗ trợ bởi bất cứ thứ gì hay không.
“Vấn đề với những thứ đó là liệu có đồng USD, vàng hay lời hứa của chính phủ để hỗ trợ cho nó hay không”, Thượng nghị sĩ Mỹ, Elizabeth Warren chia sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên bà Elizabeth Warren có những quan điểm tiêu cực về tiền điện tử. Mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ đã phát động chiến dịch “anti-crypto”, như một phần trong kế hoạch giữ chức thượng viện năm nay của bà. Theo đó, bà Elizabeth Warren đã đề xuất xây dựng một đội quân mạnh mẽ nhằm chống lại thị trường tiền điện tử tại Mỹ.
Trước đó vào ngày 14/12/2022, bà Elizabeth Warren đã công bố một dự luật mới dành cho thị trường tiền điện tử có tên “Đạo luật Chống rửa tiền đối với Tài sản Kỹ thuật số”, với mục tiêu tăng cường các biện pháp ngăn chặn rửa tiền thông qua crypto. Dự luật sẽ thực hiện các hạn chế chống rửa tiền khó khăn hơn, bao gồm nhiều yêu cầu hơn để xác minh danh tính khách hàng. Luật cũng nghiêm cấm tương tác với các giao thức cho phép trộn lẫn giao dịch hòng che giấu lịch sử.
Năm 2021, Thượng nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi các nhà quản lý kiểm soát tài chính phi tập trung (DeFi) và stablecoin trước khi quá muộn: “DeFi là phần nguy hiểm nhất của thế giới tiền điện tử… đó là nơi những kẻ lừa đảo, gian lận trộn lẫn giữa các nhà đầu tư”.

Theo bà, stablecoin cung cấp mạch máu cho hệ sinh thái DeFi bởi người dùng cần stablecoin để giao dịch giữa các đồng tiền khác nhau, giữa các sản phẩm phái sinh. Stablecoin không có cơ quan quản lý, không có người bảo lãnh và nó đang hỗ trợ cho phần tồi tệ nhất của thị trường tiền điện tử là DeFi.
"Đây là rủi ro đối với các nhà giao dịch, đối với nền kinh tế của chúng ta. Thời gian để hành động là trước khi tất cả bùng nổ. Các nhà quản lý cần phải nghiêm túc trong việc ngăn chặn những rủi ro này trước khi quá muộn”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại Mỹ lúc này cũng đang thảo luận nhiều dự thảo luật quản lý crypto khác, sau mệnh lệnh hành pháp kêu gọi quản lý thị trường tiền điện tử được Tổng thống Biden đưa ra vào năm trước.
Chính phủ Mỹ mới đây cũng thông báo bán lượng lớn Bitcoin trong năm 2023, phần lớn trong số chúng thuộc về vụ triệt phá trang web chuyên bán chất cấm “The Silk Road”. Cụ thể, vào ngày 14/3, họ bán 9.861 Bitcoin ở khoảng giá 21.800 USD và thu về tổng cộng 215,5 triệu USD. Do lượng tiền điện tử thanh lý quá lớn, phí giao dịch cho cả quá trình tốn đến 215.738 USD. Chính quyền Mỹ cũng dự định sẽ thanh lý toàn bộ lượng 41.500 BTC còn lại trong 4 lần bán ra nữa trong năm 2023.