Mới đây, Bytedance, công ty mẹ của TikTok, cho ra mắt tai nghe VR dành cho các doanh nghiệp với giá 399 euro. Một số chức năng nổi bật của tai nghe G3 VR bao gồm độ phân giải 4k, pin sạc nhanh Qualcomm 3.0, Công nghệ ARM Trustzone đảm bảo an toàn cho người dùng
Tai nghe cũng cung cấp cho các doanh nghiệp công cụ, tài nguyên và hỗ trợ kỹ thuật để tạo các ứng dụng VR tùy chỉnh cho các trường hợp sử dụng như đào tạo, sự kiện và trải nghiệm thương hiệu.
Trước đó, ByteDance đã mua lại nhà sản xuất tai nghe thực tế ảo Pico. Tại thời điểm đó, Pico đang giữ vị trí lớn thứ 3 thế giới trong ngành này. Thương vụ giúp “cha đẻ” TikTok đặt những bước chân đầu tiên và tuyên chiến với Meta trong thị trường kính thực tế ảo. Với tên gọi là “Pico 4”, ByteDance và Pico đã giới thiệu dòng kính này được trang bị chip xử lý Qualcomm XR2, chip xử lý đồ họa Adreno 650, bộ nhớ RAM 8GB và tùy chọn bộ nhớ lưu trữ 128/256GB. Ngoài ra, sản phẩm có thể hoạt động độc lập mà không cần phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, Pico cho biết kính thực tế ảo của hãng có thể hoạt động được liên tục trong 3 giờ cho mỗi lần sạc đầy. Người dùng có thể kết nối Pico 4 với máy chơi game vũ trụ ảo để có trải nghiệm thú vị với đồ họa tốt nhất. Sản phẩm còn được trang bị 2 màn hình cho 2 mắt, với mỗi màn hình có độ phân giải 4320x2160, tần số quét 90Hz và góc nhìn 105 độ.

Cuối năm 2022, công ty cũng chia sẻ về dự án Pico Worlds, cạnh tranh trực tiếp với nền tảng của Meta và Horizon Worlds. Đặc biệt, Bytedance sẽ tích hợp ứng dụng TikTok vào trong thế giới ảo của mình cho phép mọi người chia sẻ phiên bản Metaverse của mình lên TikTok. Bước đi này đánh dấu sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 ông lớn công nghệ.
Tới thời điểm hiện tại, các sản phẩm thực tế ảo của vẫn chưa thể vượt qua được thành công của Meta. Tháng 10 năm ngoái, kính thực tế ảo Quest của Meta có 6,37 triệu người hoạt động hàng tháng. ByteDance có hơn 300 ứng dụng tích hợp trong các sản phẩm VR trong khi đó con số này ở Meta lên đến 500. Mặc dù sau khi ra mắt, Pico 4 đã nhận được 440 xếp hạng ở Đức và 170 ở Vương Quốc Anh. Trong khi đó, Quest Pro, được Meta công bố với mức giá gần 1.500 USD chỉ nhận được 14 và 40 đánh giá tương ứng ở Đức và Vương quốc Anh. Tuy nhiên thành công bước đầu này không khiến Pico vượt mặt Meta khi tai nghe VR Quest 2, chiếm 80% tổng số lô hàng thiết bị thực tế ảo.
Meta cũng đang nắm giữ 90% thị trường tai nghe thực tế ảo trong khi đó Pico chỉ chiếm 4,5%. Youtuber Tyriel Wood từng chia sẻ về ưu nhược điểm của 2 loại tai nghe này. Pico có sự cân bằng tốt và không áp vào mặt người dùng, cung cấp chế độ xem đầy đủ màu sắc. Trong khi đó, Quest 2 cung cấp nhiều lựa chọn nội dung hơn với số lượng trò chơi và ứng dụng lớn hơn.

Tuy nhiên, sau khi Pico Worlds ra mắt, nó có thể vượt mặt vũ trụ ảo của Meta nhờ liên kết với TikTok , mạng xã hội với lượng truy cập ngày một khủng. TikTok đã chứng minh được độ “hot” của mình khi trung bình mỗi ngày mọi người dành 44 phút cho mạng xã hội này, vượt qua kỉ lục của Facebook là 39,8 phút. Con số đó cũng vượt xa các ứng dụng khác như Instagram, Youtube và được đánh giá là ứng dụng tốt nhất ở Mỹ trong năm 2022. Theo dữ liệu từ Statista, Instagram và Facebook chiếm 24% mức sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên trong khi TikTok chiếm 30%.
Trong khi đó, Horizon Worlds của Meta lại liên tục nhận về những lời chê bai. Vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg bị chê bai về đồ họa thậm chí ảnh đại diện của Mark còn bị gọi là nhân vật game từ những năm 1989.
Sau đó không lâu, ông chủ Meta quyết định chi hàng hàng tỷ USD để đưa những chú vịt vào Metaverse với hi vọng giúp vũ trụ ảo sống động hơn nhưng lại vấp phải phản đối của các giám đốc trong công ty và chính nhân viên của mình. Chuyên gia trong lĩnh vực thực tế ảo, John Carmack cùng rời Meta sau 8 năm gắn bó vì không đồng tình với cách vận hành của Mark. Ông cho biết Meta đã chi quá nhiều tiền cho vũ trụ ảo và năm 2022, Meta lỗ hơn 13 tỷ USD (tương đương gần 305.000 tỷ đồng) cho việc phát triển Horizon Worlds.
Gần đây, Meta đang bỏ bê Metaverse nhằm tập trung cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong thông báo dài 2.000 từ ngày 14/3, Mark chỉ đề cập đến Metaverse 2 lần nhưng nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI) 4 lần. Ông gọi AI là khoản đầu tư lớn nhất của Meta và trí tuệ nhân tạo góp mặt trong mọi hoạt động của công ty. Mark khẳng định công ty có cơ sở hạ tầng để xây dựng hệ thống AI quy mô nhất từ trước đến nay và nó sẽ mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người. Theo các chuyên gia, việc Meta đột ngột chuyển hang sang AI bằng cách ra mắt chatbot LLaMA cho thấy công ty đang xác định lại hướng đi của mình. Tuy nhiên đây là dấu hiệu tích cực khi chỉ vừa mấy tháng trước, Mark Zuckerberg vẫn bị ám ảnh bởi Metaverse và liên tục nhắc đến nó mỗi khi xuất hiện trước truyền thông.