Theo đó, trong một tweet của Justin Sun, nhà sáng lập Tron, cho biết Douyin đã hiển thị giá Bitcoin trên phần tìm kiếm, thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ cho loại tiền điện tử này.
Đáng chú ý, tính năng này giống với điều mà Twitter đã cập nhật trước đó. Ngày 22/12/2022, Twitter đã thêm tính năng kiểm tra giá của tiền điện tử. Khi mọi người tìm kiếm ký hiệu của loại tiền điện tử với kí hiệu $ phía trước, Twitter sẽ cung cấp giá của đồng coin đó. Ví dụ khi tìm kiếm “$BTC”, người dùng sẽ nhận được thông tin về giá Bitcoin cùng với biểu đồ hiển thị đơn giản. Để xem chi tiết, người dùng nhấn vào “View on Robinhood” để chuyển sang web Robinhood, một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ có trụ sở tại Menlo Park, California.
Tuy nhiên không giống với Twitter, Douyin hiển thị giá Bitcoin so với đồng nhân dân tệ chứ không phải USD.
Hiện tại, tính năng này đã biến mất khỏi Douyin thay vào đó là cảnh báo: “Theo quy định của quốc gia, tiền ảo không có tư cách pháp lý như các hình thức đấu thầu hợp pháp, vui lòng đầu tư cẩn thận”.
Sau khi Bitcoin ra đời vào 3/1/2009, đến tháng 6 cùng năm, Chính phủ Trung Quốc ban lệnh cấm sử dụng đồng tiền này trong giao dịch hàng hóa thật nhằm tránh tác động tiêu cực lên hệ thống tài chính quốc gia. Cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) áp lệnh cấm với tất cả hoạt động liên quan đến tiền điện tử.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nơi có rất nhiều hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Vào năm 2019, Trung Quốc từng là nơi chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới nhưng con số đó đã giảm còn 46% vào năm 2021. Năm 2020, Trung Quốc đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu của Chainalysis, nhưng lại tiếp tục giảm xuống vị trí thứ 20 khi các quy định siết chặt của chính phủ được ban hành. Theo đó, vào tháng 3, tỷ trọng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu của Trung Quốc đã giảm xuống 10%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh đạt hơn 90% vào năm 2017.
Gần đây, các ngân hàng Trung Quốc tìm cách “bắt tay” với công ty tiền số ở Hồng Kông. Chi nhánh tại Hồng Kông của Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải đang trong giai đoạn đàm phán ký kết hợp đồng hoặc bắt đầu cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp tiền số tại địa phương. Theo Bloomberg, đại diện của một ngân hàng Trung Quốc, chưa được công bố rõ tên, đã ít nhất 1 lần đến văn phòng của một công ty tiền điện tử để chào mời dịch vụ của họ.
Người đứng đầu phòng Quan hệ Ngân hàng của nền tảng tiền số OSL có trụ sở tại Hồng Kông, Julia Pang chia sẻ: “Công ty tôi rất hoan nghênh sự quan tâm của các ngân hàng Trung Quốc trong việc tham gia ngành công nghiệp tiền điện tử. Đây là điều đáng khích lệ cho cả hệ sinh thái rộng lớn này vì nó thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tiền điện tử của các tổ chức tài chính truyền thống”. Tuy nhiên, Julia Pang không thể đưa ra bình luận về việc có ngân hàng nào ở Trung Quốc đang tiếp cận công ty cô hay không.