Bitcoin vượt 30.000 USD, thị trường dậy sóng
Bicoin hiện đang ở mức giá 30.181 USD trên sàn Binance, tăng 6,8% trong 24h qua, chính thức vượt mốc 30.000 USD, mức giá từng được ghi nhận lần gần nhất vào tháng 6/2022.

Richard Mico, giám đốc điều hành và giám đốc pháp lý Hoa Kỳ của Banxa, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng tiền điện tử cho biết: “Hiện tại, Bitcoin đã là tài sản hoạt động tốt nhất vào năm 2023 và nó thường là tài sản phản ứng nhanh và mạnh nhất với các loại thay đổi về chính sách tiền tệ”.
Bitcoin tăng giá mạnh đã đẩy khối lượng thanh lý tiền điện tử toàn thị trường trong 24h qua đạt khoảng 158,54 triệu USD, với tỷ lệ các lệnh Short chiếm 89,76%, theo coinglass.

Elon Musk lại khiến đồng DOGE tăng giá nhờ 1 dòng tweet
Chuyện Elon Musk nói năng vu vơ cũng gây ảnh hưởng tới giá trị các đồng tiền số không còn là điều quá hiếm. Mới đây nhất, nhờ việc thay đổi logo Twitter, vị tỷ phú này khiến đồng DOGE liên tục tăng giảm thất thường, khiến dân tình "đứng ngồi không yên".
Trong lúc DOGE đang hạ giá vì logo Twitter đổi lại thành hình chú chim xanh, Elon Musk 1 lần nữa ra tay để đẩy giá đồng meme coin này. Tuy nhiên, điều đáng nói, Elon cố tình lồng ghép dòng chữ "Dogecoin" vào dòng tweet có nhắc đến người khuyết tật.

Cụ thể, 1 nhân viên tàn tật làm việc cho Twitter có tài khoản mang tên "Halli". Halli đã đăng 1 dòng tweet với nội dung loài người đặt niềm tin vào các vị thần tuỳ theo tôn giáo. Vậy nhưng không biết vì lý do gì, Elon Musk lại đáp trả dòng tweet trên bằng 1 câu: "Nếu 1 người mắc chứng khó đọc, mất trí nhớ theo thuyết bất khả tri mà tin vào tiền điện tử thì sẽ ra sao nhỉ? Nằm cả đêm để nghĩ về đồng DOGE?".
Ngay lập tức, giá trị của Dogecoin tăng nhẹ 2%. Làn sóng chỉ trích vị tỷ phú lắm tài nhiều tật này nổ ra khắp mọi nơi. Nhiều người cho rằng, Elon quá khinh thường người khác, đặc biệt là người tàn tật. Trước đây, "tù tưởng Twitter" cũng đã có 1 chia sẻ vô duyên về tình hình bệnh tật của Halli và phải đứng ra công khai xin lỗi khi bị dư luận lên án.
Sản phẩm chatbot của Google bị chính nhân viên ngăn cản ra mắt
Kể từ khi ChatGPT ra đời, cơn sốt cũng như cuộc chiến AI giữa các đối thủ công nghệ trở nên nóng hơn bao giờ hết. Không đứng ngoài cuộc chơi, Google nhanh chóng đưa ra "đứa con cưng" tên Bard để đối đầu với ChatGPT. Tuy nhiên, Bard lại trở thành "trái đắng" với ông vua công nghệ ì Google "bốc hơi" 100 tỷ USD vì những sai phạm không đáng có của sản phẩm AI này.
Trong 1 diễn biến mới nhất, trang CoinTelegraph tiết lộ, 2 nhân viên của Google được cho là cố gắng ngăn công ty tung ra chatbot AI. Công việc chính của 2 người này là đánh giá, thẩm định các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Google, tuy nhiên, chính 2 người này lại hoài nghi, cho rằng công nghệ mới này tạo ra những tuyên bố sai lệch, nguy hiểm.

Không chỉ 2 nhân viên này, phía Microsoft cũng đưa ra những lo ngại tương tự từ nhiều tháng trước. Microsoft cân nhắc về thông tin sai lệch, làm xói mòn “nền tảng thực tế của xã hội hiện đại”. Từng có 1000 nhà nghiên cứu và nhà lãnh đạo của giới công nghệ, bao gồm cả Elon Musk viết thư kêu gọi làm chậm tốc độ phát triển của công nghệ. Chính phủ toàn cầu cũng đang giải quyết vấn đề công nghệ mới nổi bằng một giọng điệu tương tự, với việc các quan chức Ý tạm thời chặn ChatGPT tại quốc gia này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thúc giục các công ty công nghệ giải quyết các rủi ro do AI gây ra.
New York Times tiếp tục "chĩa mũi dùi" về phía Bitcoin
Tờ báo New York Times một lần nữa xuất bản một bài báo công kích việc khai thác Bitcoin. Theo nhiều ý kiến, bài báo này chứa đầy thông tin sai lệch. Mặc dù các nhà nghiên cứu hàng đầu về Bitcoin đã nhanh chóng bác bỏ thông tin, tuyên bố những gì mà New York Times đưa ra là không chính xác, vậy có không ít nhận định cho rằng, tờ báo này đang cố gắng ép Bitcoin vào tội danh "tội đồ khí hậu".

Một trong những nhà nghiên cứu và bảo vệ môi trường hàng đầu về Bitcoin, Daniel Batten, đã đứng ra phân tích bài báo của New York Times, thẳng thắn bày tỏ thông tin mà tờ này đưa ra thiếu bất kỳ tính toàn vẹn. New York Times đã phóng đại mức phát thải của các công ty khai thác Riot, Atlas, Cipher Mining, US Bitcoin Corp, Rhodium và Bitdeer tới con số 81,7%. Hơn nữa, có nhiều bằng chứng cho thấy tờ báo này không sàng lọc dự liệu, cứ thế "nhét" vào bài viết.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng Bitcoin và tiền điện tử nổi giận với The New York Times. Ấn phẩm này đã bị chỉ trích nặng nề vào cuối năm ngoái vì đăng một "tâm thư" gửi cho Sam Bankman-Fried, mặc dù vụ lừa đảo hàng tỷ đô la của anh ta đã bị phanh phui từ lâu.
CryptoGPT gây quỹ với mức định giá mã thông báo 250 triệu USD
CryptoGPT, mạng chuỗi khối lớp 2 cố gắng tận dụng thành công của trí tuệ nhân tạo, đã thông báo huy động được 10 triệu USD trong vòng tài trợ Series A từ DWF Labs với mức định giá mã thông báo là 250 triệu USD.
420.000 USD trong tổng số tiền cho đến nay đã được đầu tư bởi DWF Labs, đồng sáng lập CryptoGPT. CTO Dejan Erja chia sẻ DWF Labs đã bắt đầu đầu tư vào tuần trước, phần còn lại của số tiền sẽ được đầu tư trong 285 ngày.

Là một phần của thỏa thuận, DWF Labs, một công ty đầu tư Web3 cũng là nhà tạo lập thị trường, cũng sẽ tạo thị trường cho mã thông báo GPT của CryptoGPT. Theo dữ liệu từ CoinGecko, mã thông báo GPT đã được ra mắt vào tháng trước và mức định giá của nó là khoảng 210 triệu USD, thấp hơn những gì DWF đã đầu tư .
Dự án Terra DeFi Terraport bị hack 2 triệu USD chỉ vài ngày sau khi ra mắt
Terraport Finance, một dự án trao đổi tài chính phi tập trung (DeFi) dựa trên chuỗi khối Terra Classic, đã bị vi phạm ví thanh khoản vào ngày 10/4. Thông báo tin tức trên Twitter, Terraport cho biết tin tặc đã gây ra tổn thất tài sản kỹ thuật số trị giá khoảng 2 triệu USD
“Chúng tôi hiện đang làm việc với các thành viên cộng đồng và các sàn giao dịch lớn để đảm bảo lấy lại càng nhiều càng tốt, ngoài ra sẽ đưa các ví vào danh sách đen. Tất cả các khoản tiền đã được theo dõi,” Terraport cho biết.
Theo các báo cáo trên mạng xã hội, hacker Terraport bị cáo buộc đã chuyển số tiền bị đánh cắp sang các sàn giao dịch như Binance và MEXC Global. Các nhà điều tra đã thúc giục đội an ninh của sàn giao dịch đóng băng tài sản càng sớm càng tốt.
Sàn giao dịch GDAC bị hack 13 triệu USD
Tin tặc tiền số tấn công sàn giao dịch GDAC của Hàn Quốc và đánh cắp lượng tài sản trị giá gần 13 triệu USD. Được biết, tin tặc đã chuyển gần 13 triệu USD (23% tổng tài sản lưu ký) từ ví nóng GDAC sang một ví không xác định. Tin tặc tiền số đã đánh cắp gần 350,5 ETH, 61 BTC, 220.000 USDT và 10 triệu token WEMIX.
GDAC đã thông báo cho chính quyền địa phương về vụ tấn công và đang làm việc để thu hồi số tiền bị đánh cắp. GDAC đã tạm dừng dịch vụ nạp rút tiền và tiến hành bảo trì máy chủ khẩn cấp. Hiện chưa rõ số lượng token WEMIX bị đánh cắp có liên quan đến nhà phát triển trò chơi Blockchain hàng đầu Hàn Quốc là Wemade Co. hay không.
SushiSwap lên tiếng về khắc phục sự cố tấn công gây thiệt hại 3,3 triệu USD
Theo một số báo cáo bảo mật trên Twitter, 1 hợp đồng thông minh trên giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) đã dẫn đến khoản lỗ hơn 3,3 triệu USD vào đầu giờ ngày 9/4. Vụ tấn công SushiSwap liên quan đến hợp đồng "Router Processor2", được sử dụng để thực hiện định tuyến giao dịch trên sàn.

Sau đó, các nhà phát triển Sushi cũng đã xác nhận thông tin này. Họ đã áp dụng biện pháp bảo vệ quỹ khỏi lỗi phê duyệt hợp đồng RouteProcessor2. Nhà phát triển đứng đầu SushiSwap là ông Jared Gray đã yêu cầu người dùng thu hồi quyền đối với tất cả hợp đồng trên SushiSwap như một biện pháp bảo mật, đồng thời cho biết nhóm đang làm việc với các chuyên gia bảo mật để giảm thiểu hậu quả của sự cố.