Cuộc gặp gỡ với các ông trùm công nghệ
Vào ngày 4/5, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cùng nhiều quan chức khác đã nói chuyện với những người đứng đầu của Google, Microsoft và OpenAI. Nội dung được bàn luận liên quan đến rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI). Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tham gia cuộc họp trong 1 thời gian ngắn.
Những ông lớn công nghệ tham dự cuộc họp bao gồm: CEO của Google Sundar Pichai; CEO của Microsoft Satya Nadella; CEO của OpenAI Sam Altman và Dario Amodei, CEO của dự án AI khởi nghiệp Anthropic. Một số CEO được tháp tùng bởi các trợ lý có chuyên môn kỹ thuật, trong khi những người khác mang theo các chuyên gia chính sách công.
Xem thêm các bài viết về đề tài: Trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các CEO: "Những gì các bạn đang thực hiện có tiềm năng to lớn nhưng cũng chứa đựng nguy hiểm tiềm tàng". Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, đây là cuộc họp đầu tiên diễn ra ở Nhà Trắng quy tụ các ông lớn công nghệ. Cuộc họp, theo nhiều nhà quan sát, thể hiện nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI.
Bà Harris phát biểu: "Khu vực tư nhân có trách nhiệm đạo đức, luân lý, pháp lý để đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ. Mọi công ty phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ".
Sự lo ngại của Nhà Trắng là có cơ sở. Cơn sốt ChatGPT đã khiến những công ty công nghệ lớn nhất như Microsoft và Google gấp rút tích hợp chatbot vào các sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu AI. Hàng tỷ USD đã được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào những dự án AI khởi nghiệp.
Nhà Trắng thúc đẩy hạn chế rủi ro AI?
Sự bùng nổ của AI đã dấy lên lo ngại về cách công nghệ có thể biến đổi hoàn toàn nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động tội phạm. Các nhà phê bình nhận xét AI có thể phân biệt đối xử, cướp đi việc làm của con người, truyền bá thông tin sai lệch và vi phạm pháp luật.
Ngay cả một số người tiên phong trong lĩnh vực AI cũng đang cảnh báo về hậu quả của công nghệ này. Đầu tuần này, ông Geoffrey Hinton, nhà nghiên cứu được mệnh danh là “bố già AI”, đã từ chức khỏi Google để có thể nói chuyện cởi mở về những rủi ro do công nghệ này gây ra.
Tìm hiểu thêm: 'Bố già AI' từ chức Google, cảnh báo hiểm họa của AI.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố vẫn cần xem xét liệu AI có thực sự nguy hiểm. Một số quan chức chính phủ đã hứa sẽ can thiệp nếu công nghệ này được sử dụng theo cách có hại cho nước Mỹ. Các thành viên của Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đến từ thành phố New York, đã soạn thảo hoặc đề xuất luật để điều chỉnh A.I.
Người phát ngôn của Nhà Trắng giải thích: "Các công ty công nghệ có vai trò trọng yếu trong việc phát triển những hệ thống AI tiên tiến. Chúng tôi kêu gọi các CEO thể hiện vai trò lãnh đạo, đảm bảo đổi mới có trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như sự an toàn của mọi người".
Vài giờ trước cuộc họp, Nhà Trắng thông báo Quỹ Khoa học Quốc gia có kế hoạch chi 140 triệu USD cho những trung tâm nghiên cứu mới dành cho AI. Chính quyền Mỹ cam kết đưa ra các hướng dẫn và dự thảo chi tiết cho AI nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho người dân. Dự kiến, vào tháng 8, các công ty công nghệ sẽ gặp gỡ tại 1 hội nghị an ninh mạng để bàn luận cụ thể hơn.
Năm ngoái, Nhà Trắng công bố kế hoạch chi tiết cho "AI Bill of rights", tạm dịch là "Dự luật các quyền đối với AI". Theo đó, hệ thống AI phải bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng cũng như những hành động phân biệt đối xử. Vào tháng 1, Bộ Thương mại công bố khuôn khổ để giảm thiểu rủi ro trong việc phát triển AI.

Các bước cụ thể để hạn chế AI đến từ những cơ quan thực thi pháp luật ở thủ đô Washington. Vào tháng 4, 1 nhóm các cơ quan chính phủ cam kết giám sát việc phát triển, sử dụng, đổi mới có trách nhiệm những hệ thống AI. Ngoài ra, họ cũng đưa ra đề xuất trừng phạt các hành động vi phạm pháp luật khi sử dụng công nghệ này.
Bà Lina Khan, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), nhận định quốc gia đang ở thời điểm quan trọng với AI. Bà so sánh sự phát triển của AI giống với sự ra đời của những ông trùm công nghệ như Facebook và Google. Bà Khan cũng cảnh báo nếu không có biện pháp phù hợp, AI sẽ được sử dụng để củng cố quyền lực cho các công ty công nghệ cũng như là công cụ hữu hiệu cho kẻ xấu.
Ngoài Mỹ, các nhà lập pháp ở Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán quy tắc cho AI, mặc dù không rõ các đề xuất này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những chatbot như ChatGPT. Chính quyền Trung Quốc hiện đang yêu cầu các hệ thống AI tuân thủ những quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt.