Trung Quốc đang thúc đẩy chiến dịch “Make in China” một cách mạnh mẽ. Trong chiến dịch đó, công nghệ tương lai, đặc biệt là Blockchain được chú trọng phát triển cao độ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chuỗi cung ứng (logistic), Mỹ và các nước Châu Âu đã có phần nhanh chân hơn Trung Quốc.
Đến tháng 11/2022, một trong những ông lớn trong ngành công nghệ của Mỹ, IBM, chuyên cung cấp phần mềm và thiết bị, linh kiện máy tính và công ty hậu cần Maersk của Đan Mạch đã phát triển phần mềm với tên gọi TradeLens. Sau hơn 4 năm kể từ lần giới thiệu đầu tiên đến công chúng vào năm 2018, cả hai đã tuyên bố dừng phát triển công nghệ Blockchain trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Lý do được hai bên đưa ra là vì thiếu hợp tác trong lĩnh vực toàn cầu.

Trả lời báo chí trong giai đoạn đó, Rotem Hershko, người đứng đầu bộ phận nền tảng kinh doanh của Maersk, cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã phát triển thành công một nền tảng khả thi, nhưng nhu cầu hợp tác toàn ngành trên toàn cầu vẫn chưa đủ lớn và TradeLens vẫn chưa đáp ứng các kỳ vọng về tài chính với tư cách là một doanh nghiệp độc lập”.
Maersk cho biết công ty sẽ tiếp tục nỗ lực số hóa chuỗi cung ứng và tăng cường đổi mới trong ngành thông qua các giải pháp thay thế để đạt được mục tiêu mong muốn đã được hình dung thông qua TradeLens.
Trước thời cơ hai ông lớn cùng “sa ngã”, Trung Quốc đã bắt đầu trỗi dậy như một nhân tố thay thế. Mạng lưới kinh doanh vận chuyển toàn cầu (GSBN) có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), một tập đoàn phi lợi nhuận tập trung vào các ứng dụng thương mại được xây dựng dựa trên công nghệ Blockchain, đang lạc quan về công nghệ này như một công cụ hậu cần quan trọng trong dài hạn.
Theo thông tin từ South China Morning Post (SCMP), GSBN đang vận hành một trong những nền tảng lớn nhất thế giới có thể được mô tả như một giải pháp thay thế cho công cụ TradeLens của Maersk. Nền tảng này dựa trên một chuỗi khối được cấp phép với khả năng quản trị dữ liệu mạnh mẽ, chỉ cho phép các bên được ủy quyền đóng góp và sử dụng dữ liệu liên quan đến vận chuyển.

Công nghệ Blockchain của GSBN ra mắt lần đầu vào tháng 8/2021 với tham vọng kiểm tra đến 1/3 số lượng tàu vận chuyển hàng hóa của thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, số thành viên tham gia của GSBN đã chiếm 1/3 số lượng tàu logistic của thế giới sau khi được thành lập vào tháng 3/2021 với 8 thành viên chủ chốt. Tham vọng của GSBN khi xây dựng Blockchain là giúp số hóa các quy trình vận chuyển, chẳng hạn như phát hành tài liệu, thông quan và dữ liệu hậu cần.
GSBN đã ký quan hệ hợp tác với các đối tác vận chuyển lớn như Cosco, Orient Overseas Container Line và Hapag-Lloyd. Tổ chức cũng có quan hệ đối tác với các nhà khai thác cảng như Hutchison Ports, SPG Qingdao Port, PSA International, Shanghai International Port Group và Cosco Shipping Ports. Trong số các thành viên kể trên, chỉ có Hapag-Lloyd của Đức và PSA International của Singapore không có trụ sở tại Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông.
“Tôi nghĩ đối với nhiều người, họ hiểu rõ ràng là ngành công nghiệp này đã được số hóa” Giám đốc điều hành GSBN Bertrand Chen cho biết. Ông lập luận rằng thương mại toàn cầu sẽ không thể tiếp tục sử dụng “bút và giấy” vào năm 2032. Theo Chen, Blockchain có tiềm năng để giúp ngành chuyển đổi nhằm đối phó với các tác nhân gây ra các vấn đề về nguồn cung như COVID-19.

Giám đốc điều hành gợi ý rằng Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực hậu cần Blockchain vì quốc gia này đã đổ “núi tiền” vào ngành này. Ông cũng thừa nhận rằng nhiều giải pháp Blockchain ở nội địa cho đến nay rất phù hợp với thị trường Trung Quốc.
“Khi bạn ném quá nhiều tiền vào một lĩnh vực vì đó là một chính sách, bạn sẽ có khả năng gặp may”, Chen ví von về núi tiền do chính phủ Trung Quốc xây dựng một hệ thống Blockchain cho ngành logistic và những ngành cần số hóa liên tục. Ông nói thêm rằng đầu tư của Trung Quốc vào phát triển Blockchain sẽ mang lại lợi ích cho GSBN bằng cách tạo ra nhiều đối tác tiềm năng hơn cho công ty. Chen cũng cho biết đang nỗ lực vận động các hãng vận chuyển bằng đường thủy của Châu Âu cùng tham gia.